vĐồng tin tức tài chính 365

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 2: Kiếm tiền nhờ... chạy

2021-07-01 11:32
Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 2: Kiếm tiền nhờ... chạy - Ảnh 1.

Những người phụ nữ chạy làm dây - Ảnh: THÀNH NHƠN

"Nghề này có đôi có cặp không à, không ai làm một mình được. Nhìn quanh đi, toàn vợ chồng không đó. Vợ chạy mắc dây, kéo dây, còn chồng bện dây. Thấy gắn bó keo sơn ghê không, chồng ở đâu vợ ở đó.

Chị Nguyễn Thị Loan


Nghề gì mà chạy như con thoi

"Ai hỏi tui làm nghề gì, tui nói tui... chạy bộ kiếm tiền. Ngày nào không chạy là tay chân bủn rủn vì không có tiền lo cho gia đình. Họ cười hề hề tưởng tui nói xạo. Nhưng nghe tui kể tường tận về nghề, họ bất ngờ lắm vì có cái nghề lạ đời thế này" - anh Võ Thanh Hải (37 tuổi, quê Chợ Mới, An Giang) cười kể.

Đến xã Mỹ Hội Đông, nơi từng diễn ra vụ sạt lở kinh hoàng bên dòng Vàm Nao cách đây vài năm, nhịp sống đã bắt đầu bình yên trở lại. Đi ra ngoài vàm, mùi nấu nhựa xộc thẳng vào mũi người qua đường. Mùa này mấy nhà xưởng nấu nhựa hoạt động tấp nập để kịp cung ứng nguồn hàng cho các hộ đan dây keo thành phẩm. 

"Lúc trước ở đây đâu có nhà máy, dây nhựa thô chủ yếu chuyển từ Sài Gòn về nên bữa làm bữa nghỉ. Bây giờ có nhà máy nên chủ động nguồn dây nhựa ban đầu, dân làm liên tục mà không bị đứt nguồn hàng. Có nghề này, dân sống qua ngày được" - ông Nguyễn Văn Khải, hộ dân sống gần xưởng nhựa, chia sẻ.

Luồn theo con rạch nhỏ, tôi tìm đến mảnh đất trống nơi tập trung nhiều người dân đang chạy dây keo. Khoảng đất chừng hơn 1 công nhưng tập trung đến hơn 10 hộ dân đang tất bật với công việc... chạy. Những đoạn dây keo đủ sắc màu được giăng dài hơn trăm mét. Hàng chục người cả phụ nữ, đàn ông, trẻ em kéo những sợi dây keo di chuyển như con thoi trên khung dệt tạo nên khung cảnh vô cùng nhộn nhịp.

Anh Võ Thanh Hải và chị Lê Thị Ngọc Giàu là đời thứ ba của gia đình theo nghề chạy dây keo. Hằng ngày, anh chị bắt đầu chạy dây từ 4h sáng, kết thúc khoảng 5-6h chiều. Khoảng thời gian hiếm hoi ngơi tay ngơi chân là lúc ăn cơm trưa. "Ông bà tui đã làm nghề này, đến đời tui là đã ba đời rồi. Ngày xưa bện bằng tay, sau bện bằng máy Kohler 4 và giờ là dùng máy điện" - anh Võ Thanh Hải thổ lộ.

Mấy năm gần đây, dân quanh vùng rủ nhau đi Bình Dương làm công nhân, thợ hồ, bốc vác. Người nào bận bịu cha mẹ già, con nhỏ hoặc kẹt không đi được thì mới ở lại quê. Nghề chạy dây keo vô tình trở thành cứu cánh cho những hộ dân trên. "Mỗi ngày hai vợ chồng cũng kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, không làm nghề này thì biết làm gì bây giờ" - chị Giàu tâm sự.

Để có thể bện từng sợi nhựa nhỏ thành sợi dây keo (dây thừng) thì phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải buộc nhiều đoạn dây nhỏ vào một cái cào sau đó kéo và mắc lên các cây giá đặt sẵn gọi là "ngựa". Tùy vào độ lớn dây thành phẩm được yêu cầu mà người thợ sẽ di chuyển nhiều hay ít. Sau đó người dân sẽ dùng máy bện các sợi dây riêng lẻ lại và thu dây về.

Dây ở đây có nhiều loại to, nhỏ với cách đánh dây khác nhau. Tiền công cho mỗi ký dây thành phẩm tùy vào độ lớn, độ phức tạp mà người đánh dây được trả từ 1.700 đến 4.500 đồng. 

"Điều kiện thời tiết bất lợi, mưa nhỏ thì người chạy dây gân có thể làm được trong khi chạy dây nilông bó gối. Với dây nilông phải tưới nước liên tục, canh cho dây không bị đứt nên kỳ công hơn. Tiền công vì vậy cũng cao hơn dây gân gấp mấy lần" - anh Võ Thanh Hải chia sẻ.

Một lần sa (mắc dây vào bàn cào, kéo dây và xe ra dây thành phẩm) khoảng 15-20 phút, bện được khoảng 3-4kg dây thành phẩm. Một hộ gia đình có thể làm khoảng 30-40 sa một ngày, thu về khoảng 120-150kg dây thừng. "Hôm nào cúp điện hoặc trời mưa thì xem như trắng tay bởi đâu có làm gì được. Cả nhà buồn thiu luôn vì không làm gì ra tiền" - chị Giàu cười hiền nói.

Công đoạn kỳ lạ khiến nhiều người tò mò nhất chính là chạy kéo dây. Đa số đàn ông ngồi trên máy bện dây còn phụ nữ lại trực tiếp chạy mắc dây vào "ngựa". Tùy yêu cầu của thương lái mà độ dài đường chạy khoảng 100-200m, mỗi sa dây chạy nhiều hay ít vòng. Trung bình mỗi sa họ phải chạy khoảng 200-400m, một ngày 40 sa vậy trung bình một người phải chạy khoảng 10km. 

"Nhìn thì nhẹ chứ chạy đi chạy về liên tục cũng mệt rã người. Người trẻ thì cố gắng dậy sớm, chạy dây từ sáng đến tối mịt. Nhiều hôm chạy về chỉ muốn nằm một chỗ, chẳng muốn đi đâu" - chị Nguyễn Thị Loan, người chạy dây, chia sẻ.

Không khí làm việc vô cùng nhộn nhịp, phấn khởi bởi tiếng mọi người cười nói, chọc ghẹo nhau chuyện chạy nhiều ra tiền nhiều. "Dạo này mi nhon dữ, nay chạy nhiều, vô bạc nha chị Loan", "Vợ chồng nó chạy nhiều nhất khu này đó", "Thấy tao chạy mà ăn tiền ngon hơ không?"...

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 2: Kiếm tiền nhờ... chạy - Ảnh 4.

Bé Võ Thanh Thái ra bãi phụ cha mẹ giăng dây keo - Ảnh: THÀNH NHƠN

Những tay chạy, đấu dây nhí

Nghỉ hè, nhiều cô cậu học sinh cũng theo cha mẹ phụ lặt vặt việc chạy dây keo. Hình ảnh em Đỗ Văn Tới (10 tuổi) đứng trên bao cát đấu nối dây khiến nhiều người lớn chọc ghẹo: "Uống sữa con voi cho mau lớn, thấp quá không đấu dây được đâu nha mày". Do em thấp, không với đến "ngựa" nên ông nội chất bao cát phía dưới để em trèo lên. Hỏi Tới biết đấu dây không, em cười hiền: "Dạ, biết chứ. Con làm cũng mấy năm rồi mà. Dễ ợt à, chú đến đây con chỉ cho".

Bà Nguyễn Thị Nẫm (55 tuổi) đứng gần đó chen vào: "Thấy nó giỏi ghê không? Kêu ở nhà nghỉ mà nhất quyết không chịu, cứ ra bãi phụ ông bà. Làm thuần thục chẳng khác gì người lớn".

Trong khi đó cậu bé Võ Thanh Thái (12 tuổi) con của anh Hải và chị Giàu cũng đòi mẹ cho đi theo chạy dây. Cậu bé nhanh thoăn thoắt giăng dây lên "ngựa", di chuyển đi về ngọt xớt. "Tại ở nhà cũng buồn nên con ra đây phụ cha mẹ. Có thêm tiền mua sách vở, dụng cụ học tập cho năm học mới. Việc cũng đơn giản, không có gì khó cả" - Thái vui vẻ nói.

Em Nguyễn Thị Ngọc Thư (9 tuổi) thì đang xé dính những sợi dây lỡ mắc vào nhau. Thư theo chân mẹ ra bãi vào những ngày cuối tuần để phụ giúp khoảng 2 năm nay. Đôi tay của cô bé đấu dây nhanh lẹ và vô cùng thuần thục. "Con làm việc này mấy năm rồi, ban đầu cũng lớ ngớ, mẹ con sửa lại nhiều. Sau dần cũng quen, giờ con chẳng cần ai chỉ dạy hết, cứ chạy giỏi vài bãi là làm được thôi" - Thư cười nói.

Xuất khẩu sang Campuchia

Sản phẩm dây keo ngoài tiêu thụ trong nước, cũng được xuất khẩu sang Campuchia. Do dây keo được sử dụng nhiều trong nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản nên những năm gần đây sản phẩm được thị trường ưa chuộng vì tính tiện lợi.

"Bỏ mối chủ yếu cho các cơ sở trên TP.HCM. Mấy năm gần đây thì xuất qua Campuchia, bên đó tiêu thụ nhiều nên mình cũng có hàng cho người dân bên đây làm. Tui có cơm, anh cũng có cháo" - ông Nguyễn Thanh Lợi, một thương lái thu mua dây keo, cho biết.

***********

Nghề làm dép từ lốp xe hư bỏ đi tưởng đã biến mất mấy chục năm nay, ít ai nghĩ CEO của thương hiệu Vua dép lốp đã âm thầm đưa đôi dép kỳ lạ này sang 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

>> Kỳ tới: Làm sống lại đôi dép vỏ xe

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 1: Nghề gánh nước thuêNghề hiếm còn sót lại - Kỳ 1: Nghề gánh nước thuê

TTO - Gánh nước giếng đi bán, làm dép lốp, 'nuôi hoa' trong ruột chai thủy tinh, chăn chim trời, lặn tìm luồng cá… là những nghề hiếm vẫn còn sót lại đến nay. Đặc biệt là những nghề này vẫn tồn tại được trong mùa dịch đầy khó khăn.

Xem thêm: mth.33394511203601202-yahc-ohn-neit-meik-2-yk-ial-tos-noc-meih-ehgn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 2: Kiếm tiền nhờ... chạy”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools