Ngày 30/6, Facebook đã thông báo khởi kiện 4 cá nhân cư trú tại Việt Nam vì vi phạm Chính sách và Điều khoản quảng cáo. Trong đơn kiện dài 35 trang của mình, mạng xã hội của Mark Zuckerberg cho biết nhóm người này đã xâm phạm tài khoản các nhân viên của nhiều đại lý quảng cáo, tiếp thị và sau đó chạy quảng cáo trái phép cho các mặt hàng như cốc chén, quần áo, đồ chơi,... Facebook cho rằng họ đã chịu thiệt hại 36 triệu USD vì hành vi lừa đảo này.
Sau khi được công bố, thông tin này ngay lập tức khiến dư luận và cả giới kinh doanh xôn xao. Trong đó, nhiều doanh nhân, KOL có “tiếng nói” cũng bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi của 4 cá nhân, làm ảnh hưởng tới uy tín chung cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động chạy quảng cáo Facebook tại thị trường Việt Nam.
Đơn cử, “cá mập” Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech đăng đàn: “Ủng hộ sớm tóm gọn và xử thật nặng những “con SÂU” làm thương hiệu Việt trở nên cực kỳ xấu xí trên không gian mạng toàn cầu, ảnh hưởng cực xấu đến hàng vạn doanh nghiệp chân chính khác (bị xiết chính sách), trong khi chúng ăn chơi hưởng lạc phè phỡn với hàng triệu đô tiền bẩn như trong đơn kiện này.
Nếu các cơ quan công quyền không mạnh tay thì kinh tế số sẽ trở thành kinh tế bẩn bởi những đối tượng như này và lây lan ra hàng ngàn kẻ “bắt chước” theo khác”.
Facebook chỉ đích danh những Fanpage, Instagram sử dụng quảng cáo trái phép từ 4 cá nhân tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Trình - Chủ tịch Clever Group, một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, hay ông Nguyễn Hồng Phúc - cựu Giám đốc Công nghệ tại OPPO cũng lên án mạnh mẽ hành vi sai trái này.
Còn chia sẻ với chúng tôi, anh Thái Bình - một người có kinh nghiệm chạy quảng cáo Facebook nhiều năm cho biết những nhóm đối tượng lừa đảo thường hướng đến mục tiêu là các tài khoản chạy quảng cáo invoice (trả sau) của doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, với mức chi tiêu rất lớn, có khi tới trăm tỷ đồng/tháng. Dạng tài khoản này được cung cấp hạn mức tín dụng, cho phép chi tiêu trước và trả tiền sau. Doanh nghiệp chi tiêu càng nhiều, tín nhiệm càng cao thì hạn mức tín dụng càng lớn, có thể lên tới vài triệu USD.
Sau khi xâm phạm, đánh cắp thành công tài khoản invoice, các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng để chạy quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình, hoặc rao bán lại cho các nhà bán hàng online khác với chiết khấu rẻ hơn.
“Việc một vài cá nhân lừa đảo như trên sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động Facebook Ads chung tại Việt Nam. Trong quá trình chạy Invoice (thường gọi ngắn gọn là Voi), anh em trong ngành cũng bị tăng CPM (chi phí trên 1.000 lượt hiển thị). Chi phí CPM cao còn có thể dẫn đến số lượng tin nhắn thu về, hoặc lượng khách hàng để lại thông tin giảm đi. Chưa kể, việc hay “bùng” thanh toán của các cá nhân cũng khiến Facebook có cái nhìn thiếu thiện cảm hơn với thị trường Việt Nam”, anh Bình cho biết thêm.
Hoàng Thùy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị