Ngày 1-7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết nơi đây vừa cứu sống bệnh nhân uốn ván nặng do bị cây đâm.
Bệnh nhân là ông TVB (65 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) được chuyển đến từ bệnh viện địa phương trong tình trạng cứng hàm, tăng trương lực cơ toàn thân, bụng gồng cứng, co giật toàn thân, nuốt sặc, co thắt thanh quản.
Khoảng một tuần trước bệnh nhân bị cây đâm ở chân nhưng không đi tiêm ngừa uốn ván.
Bệnh nhân được chẩn đoán uốn ván toàn thể giai đoạn toàn phát mức độ nặng, vết thương cẳng chân trái. Các bác sĩ nhanh chóng xử trí huyết thanh kháng độc tố uốn ván (tuyến dưới đã cho), an thần, dinh dưỡng qua sonde dạ dày, kháng sinh diệt vi trùng uốn ván và mở khí quản thở máy, giãn cơ… cho bệnh nhân.
Bệnh nhân bị uốn ván thể nặng vẫn tiếp tục được điều trị. Ảnh: BVCC
Tiến hành siêu âm vết thương, bác sĩ phát hiện bên trong vết thương đã lành chứa dịch, còn dị vật nên rạch lấy dị vật, mủ, làm sạch, để hở vết thương và phối hợp kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
Đáng nói, sau 2 ngày nhập viện bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật như mạch, huyết áp dao động liên tục… với chẩn đoán uốn ván toàn thể giai đoạn toàn phát mức độ rất nặng (rối loạn thần kinh thực vật), viêm phổi/ mở khí quản- thở máy.
Sau 18 ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhân tỉnh, rối loạn thần kinh thực vật đã ổn định, hết gồng giật, vết thương không dấu hiệu nhiễm trùng, tiêu tiểu bình thường, đang trong quá trình cai thở máy.
Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận hai nhân uốn ván khác. Trong đó một bệnh nhân có vết thương nhỏ ở chân do gà đá, ủ bệnh hơn 1 tháng. Bệnh nhân còn có vết thương xây xát nhẹ ở cánh tay do tự té ngã. Cả 2 bệnh nhân đều không tiêm ngừa uốn ván. Hai bệnh nhân này tiến triển ổn định, đã được chuyển về bệnh viện địa phương điều trị tiếp.
Theo BS.CK2 Trần Ngô Phúc Mỹ - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, uốn ván là bệnh có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra.
Ngõ vào của trực khuẩn uốn ván thường từ những vết thương da niêm, có thể chỉ là những xây xát ngoài da, vết đâm do tăm tre, vết sây sát nhỏ trong tai nạn sinh hoạt, lao động và giao thông nhưng người dân thường hay chủ quan.
Thời gian ủ bệnh từ 5 ngày đến 1 tháng, thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là đau mỏi hàm, cứng hàm sau đó cứng cơ các phần khác của cơ thể, rồi co giật, co thắt hầu họng thanh quản… Rối loạn hệ thần kinh thực vật là biểu hiện rất nặng của bệnh, thường xuất hiện cuối tuần 1 và tuần 2.
Bác sĩ khuyên người dân cần chủ động tiêm phòng bệnh khi có vết thương ngõ vào kể cả các vết trầy xước nhẹ do tai nạn giao thông, vết đứt nhỏ trong lao động, sinh hoạt hàng ngày và cần tiêm ngừa ở người chưa có miễn dịch… Ngay cả bệnh nhân mắc bệnh uốn ván sau khi khỏi bệnh không gây đủ miễn dịch bảo vệ nên vẫn phải tiêm ngừa đầy đủ để phòng bệnh.