Số đơn đặt hàng giảm kỷ lục vì làn sóng Covid-19 mới
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) – Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch vào đầu năm 2020. Các công ty phản ứng bằng cách giảm tương ứng số lượng việc làm và hoạt động mua hàng, trong bối cảnh thời gian giao hàng bị kéo dài ở mức gần kỷ lục.
Theo số liệu của IHS Markit công bố ngày 1-7, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers' Index - PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm mạnh từ 53,1 điểm của tháng 5 xuống còn 44,1 trong tháng 6. Đây là chỉ số khảo sát các nhà sản xuất tại Việt Nam về tình trạng số đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và tồn kho hàng hóa.
IHS Markit cho biết, làn sóng các ca lây nhiễm COVID-19 mới nhất ở Việt Nam đã khiến các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất suy giảm mạnh trong tháng 6.
Theo đó, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch vào đầu năm 2020. Các công ty đã giảm tương ứng số lượng việc làm và hoạt động mua hàng trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong thời gian qua.
Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng giảm trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn vì tình trạng khan hiếm container, khan hiếm nguyên vật liệu và những hạn chế liên quan đến đại dịch. Mức độ chậm chễ giao hàng ghi nhận cao thứ hai trong lịch sử khảo sát, chỉ thấp hơn mức được ghi nhận vào tháng 4-2020, tức đợt bùng phát dịch Covid-19 lần đầu vào năm ngoái.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Việt Nam đã cắt giảm số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trước tình trạng khối lượng công việc giảm vào cuối quí 2. Số việc làm lần đầu tiên giảm trong 5 tháng, với mức giảm mạnh và nhanh xếp thứ hai kể từ khi IHS Markit bắt đầu khảo sát từ tháng 3-2011.
Hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm đã khiến tồn kho hàng mua giảm mạnh. Tồn kho thành phẩm cũng giảm trong tháng 6 sau khi hầu như không thay đổi trong tháng 5.
“Dữ liệu PMI tháng 6 cho thấy rõ ảnh hưởng của làn sóng mới nhất của đại dịch Covid-19 lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam khi các công ty phải đóng cửa ở những khu vực bị giãn cách, từ đó dẫn đến sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của toàn bộ lĩnh vực sản xuất bị giảm mạnh. Theo đó, các công ty đã phản ứng nhanh chóng với khối lượng công việc giảm bằng cách giảm số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng”, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit bình luận về kết quả khảo sát mới đây.
Niềm tin kinh doanh cũng ghi nhận giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, phản ánh những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch. Dù vậy, các công ty nhìn chung vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới.
Trong diễn biến có liên quan, Tổng cục thống kê cho biết trong 6 tháng đầu năm nay đã có 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 22,1% so với cùng kỳ), 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 25,7%), 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 33,8%).
Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quí 2-2021 cho thấy có 30,5% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quí 1, 37,7% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quí 3-2021, có 39,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quí trước, 22,2% dự báo khó khăn hơn và 38,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Xem thêm: lmth.iom-91-divoc-gnos-nal-iv-cul-yk-maig-gnah-tad-nod-os/539713/nv.semitnogiaseht.www