Đứng nhìn những đồng nghiệp trong tổ Cầu Diễn - Tây Mỗ được hỗ trợ tiền từ nhóm từ thiện Hạt Vừng và Soha, chị Nguyễn Thu Phương khóc nức nở. Chị khóc, vì những nỗi niềm giấu kín suốt thời gian qua giờ mới dám kể; khóc vì nghĩ đến 6 tháng lương chưa biết ngày về tay; khóc vì hoàn cảnh riêng tư của mình...
Ai cũng hỏi sao có học mà lại cắm đầu đi bốc rác
Khác với phần đông công nhân dọn rác, tài xế lái xe rác bị công ty Minh Quân (tên cũ) nợ lương, chị Thu Phương, công nhân gom rác của tổ Trung Văn có học hành bài bản. Chị kể, mình là cử nhân Triết học, đã từng làm hành chính - nhân sự ở một công ty xây dựng 7 năm.
3 năm trước, sau khi sinh em bé thứ hai, chị quyết định từ bỏ công việc văn phòng. "Mình cứ nghĩ, đi làm văn phòng từ sáng 8h rồi 17h mới về, ai sẽ đưa đón con cho mình. Bé thứ hai còn nhỏ, bé thứ nhất thì cứ chậm phát triển, đi khám mới biết con tự kỷ dạng nhẹ. Mình đành tìm công việc nào có thời gian nhiều hơn để chăm chút cho điều quan trọng nhất cuộc đời mình, đó là các con.
Cái ngày đầu tiên đi xuống hầm, vừa đẩy cái xe, mình khóc như mưa đổ. Mới hôm qua mình còn là dân văn phòng, làm việc trong điều hòa, mặc đồ công sở. Thế mà hôm sau mình đã là một công nhân gom rác, cắm đầu trong hầm chung cư hôi thối. Mình khóc mà cũng không hiểu vì sao. Mình chọn rồi thì mình tự chịu, nhưng nước mắt cứ thế tuôn" - chị Phương nhớ lại.
Chị Nguyễn Thu Phương là 1 trong gần 300 công nhân bị công ty Minh Quân (tên cũ) nợ lương.
Chị tâm sự, ngoài thời gian dọn rác ca ngày, chị cũng làm shipper để kiếm thêm thu nhập, cảm thấy cũng có thời gian linh hoạt hơn để chăm sóc con. Em bé lớn đã 11 tuổi, đáng lẽ năm nay lên lớp 5, nhưng chị đang tính cho con học lại lớp 4 cho chắc.
Có thời gian chị cho đi học can thiệp, nhưng học phí 250 nghìn đồng/tiếng, bằng gấp rưỡi cả ngày công của mẹ. Chị cố được đúng 1 tháng hết 20 triệu, rồi không kham nổi nữa, phải cho con nghỉ. Bố mẹ và hàng xóm tự tìm cách hỗ trợ, nói chuyện với con cho con dạn dĩ hơn. "Chỉ mong con biết đọc biết viết, sau học được cái nghề, tự nuôi thân được là đủ rồi, chứ mình cũng không mong gì hơn".
Đồng nghiệp cứ hỏi sao học hành tử tế thế lại cắm đầu đẩy rác làm gì, không tìm việc văn phòng khác mà làm, chị chỉ cười buồn, vì mỗi người một hoàn cảnh.
Không biết bao giờ mới đến lượt mình đòi được tiền
Nghĩ đến những tháng lương bị nợ, chị Thu Phương òa khóc. Nếu không bị nợ lương, có lẽ việc làm công nhân rác cũng chẳng có gì nghiêm trọng quá. Mấy năm nay, chị đã bỏ qua những lăn tăn về bằng cấp và công việc rồi.
Nhưng điều chị buồn nhất là đi làm rác lại bị chậm lương. Tết năm ngoái, tổ trưởng hứa để sẽ có lương để công nhân về quê ăn Tết. Nhưng Tết qua mấy tháng rồi vẫn không thấy tiền đâu. Năm ngoái, chị "trốn" chẳng dám về quê ở Đông Hưng, Thái Bình.
Chị Thu Phương vẫn mòn mỏi đợi ngày đồng lương của mình về tay.
Chồng chị làm lái xe taxi cho hãng, nhưng mùa dịch này cũng không có nhiều việc. Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 10 triệu, trừ đi tiền thuê căn phòng 15m2 ở Đại Linh, ăn uống, học hành cho các con chẳng còn dư là bao.
Bọn trẻ chưa được trở lại trường, chị đành gửi con lớn về quê, con nhỏ theo chân mẹ đi lấy rác. Nhưng mang con vào hầm cũng không được, chị nhờ hàng nước, nhà sách gần đó trông hộ thằng bé. Con tha thẩn chơi đợi mẹ xong việc, rồi lại dắt díu nhau về.
Chị Thu Phương trầm ngâm: "Trước đây mình tự tin lắm, nghĩ là không thể nào công ty quỵt lương được, vì còn có công đoàn, có các tổ trưởng. Nhưng 6 tháng con kiến kiện củ khoai, tổ của mình vẫn chưa đòi được nợ. Hôm trước nghe tin tổ chị Phương đòi được 500 triệu rồi, không biết tổ mình bao giờ mới cầm được tiền trong tay".
Thiên Yết-Việt Hùng
Nhịp sống Việt