Doanh nghiệp mong muốn các gói hỗ trợ cần có tính hiệu quả, thực thi cao - Ảnh: N.A
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa có báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội tháng 6 - 2021 gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh cấp thiết cần phải có các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả tới người dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở khảo sát lấy ý kiến về ba nhóm chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại và chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, Ban IV cho hay đang có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua.
Nguyên nhân là việc thực thi chính sách chưa sát thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương trong việc tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn trong chính sách hỗ trợ tới đây cần chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, đảm bảo tính thực thi cao và truyền thông chính sách đáp ứng yêu cầu minh bạch, thuận tiện.
Doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ và các bộ ngành chú trọng nhiều hơn vào các cuộc trao đổi, tham vấn, tìm ra giải pháp mang tính dài hơn hơn, nhận diện xu hướng trong bối cảnh đại dịch từ đó có hành động phù hợp.
Với các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt gói hỗ trợ, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ cho người lao động bị cách ly về chi phí xét nghiệm và chi phí lương cơ bản trong những ngày không lao động được do yêu cầu cách ly.
Đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu cải thiện ngay các điều kiện giải ngân gói vay trả lương cho người lao động thuộc các ngành bị tổn thương do dịch bệnh.
Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực đang kêu gọi xã hội hóa, lĩnh vực bị "đóng băng" hoạt động trong dịch như du lịch, dịch vụ du lịch,... để được vay mà không cần điều kiện. Bởi hiện nay do yêu cầu phòng chống dịch, hầu hết doanh nghiệp các ngành này đã phải đóng cửa hoạt động, hoàn toàn không có nguồn chi trả lương.
Các ý kiến cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xây dựng các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021. Thực tế, hiện nhiều ngân hàng thông báo đã cho vay vượt quy mô vốn ưu đãi cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch nên dừng giải ngân, dẫn tới tăng trở lại các khoản lãi suất vay liên quan sản xuất, kinh doanh.
Có chính sách kích cầu tiêu dùng một số ngành, hạn chế tăng thuế, phí, ngân sách đầu tư của doanh nghiệp để đáp ứng các điều kiện kinh doanh, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; xây dựng các quy trình "luồng xanh" cho hàng hóa xuất nhập khẩu để hỗ trợ tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch.
Nghiên cứu hợp tác công tư trong tìm kiếm vắc xin
Đối với chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cho rà soát việc triển khai đang còn rất khác nhau tại các ngành, các địa phương, minh bạch tiêu chí xét đối tượng ưu tiên và công bố quy trình chuyên môn.
Đồng thời xây dựng mô hình "hợp tác công - tư" trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vắc xin COVID-19, nghiên cứu triển khai chiến lược tự xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 tại nhà phục vụ cho xét nghiệm, truy vết.
TTO - Đợt dịch COVID-19 (từ 27-4) khiến hàng triệu doanh nghiệp, người lao động lao đao, khốn đốn và dự kiến sẽ có gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lên tới 26.000 tỉ đồng…
Xem thêm: mth.23063806110701202-nov-yav-neik-ueid-ion-hnis-na-ort-oh-iog-oc-mos-gnom-peihgn-hnaod/nv.ertiout