Đóng cửa thị trường ngày 1-7, VN-Index tăng 8,53 điểm, lên 1.417,08 điểm; HNX-Index tăng 2,4 điểm, lên 325,72 điểm; UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,21%) lên 90,44 điểm.
Phiên giao dịch này khẳng định lại phiên giảm điểm cuối tháng 6 chỉ là phiên điều chỉnh, tạo cơ hội vào hàng cho nhà đầu tư. Ngoài ra, dự đoán về việc các công ty chứng khoán sẽ bung margin sau khi chốt NAV cuối tháng là chính xác đã giải tỏa được tâm lý cho nhà đầu tư, kéo dòng tiền lớn nhập cuộc giúp thanh khoản tăng vọt.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường phiên này lên tới gần 31.900 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng khối lượng giao dịch sàn HOSE đã đạt hơn 753,56 triệu đơn vị, trị giá 26.131,4 tỉ đồng, tăng gần 27% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên hôm qua.
Sắc xanh lan tỏa trên toàn thị trường trong phiên giao dịch đầu tháng 7. Ảnh: Hoàng Triều
Góp công lớn nhất cho thị trường trong phiên này đến từ nhóm cổ phiếu chứng khoán khi hàng loạt mã tăng giá mạnh. Trong đó, nổi bật là AGR, CTS tăng kịch trần lên 14.750 đồng và 24.800 đồng.
Các mã còn lại như HCM +5,7% lên 54.000 đồng, APG +4,2% lên 11.200 đồng, VCI +4,2% lên 54.400 đồng, VDS +6,8% lên 26.700 đồng, FTS +6,8% lên 39.400 đồng.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng đóng góp không ít cho thị trường, với VPB +4% lên 70.400 đồng, HDB +2,7% lên 36.450 đồng, MSB +2,6% lên 31.000 đồng, các mã STB, TPB, TCB nhích hơn 1%, ACB +0,7%, MBB và BID tăng nhẹ và chỉ còn CTG giảm nhẹ 0,6% cùng VCB đứng tham chiếu.
Dự báo phiên giao dịch ngày mai (2-7), các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường chung có tín hiệu lạc quan, bước vào sóng tăng mới nhưng lại khá dè dặt khi đưa ra các khuyến nghị mua bán cho nhà đầu tư.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) đánh giá phiên đầu tháng 7, VN-Index tăng điểm nhưng chỉ số này vẫn chưa thể vượt qua được mốc kháng cự mạnh quanh ngưỡng 1.420 điểm nên xu hướng hiện tại tiếp tục được đánh giá ở mức trung tính. Do đó, các giao dịch ngắn hạn mua đuổi ở vùng giá hiện tại không được khuyến nghị.
Công ty này khuyến nghị các nhà đầu tư đã chốt lời danh mục cổ phiếu trong tuần trước nên hạn chế mua đuổi ở vùng giá hiện tại và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại. Còn các nhà đầu tư đang có tỉ trọng cổ phiếu lớn cũng nên hạn chế mua thêm mà nên tận dụng những nhịp tăng điểm trong tuần này để chốt lời dần các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng.
Lạc quan hơn, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng việc dòng tiền được kích hoạt cho thấy nhà đầu tư đã chờ đợi thị trường tạo sóng rõ ràng để tự tin mua vào. Về kỹ thuật, điểm số tăng kèm sự hỗ trợ của thanh khoản là dấu hiệu xác nhận xu hướng tiếp tục tăng của thị trường. Khả năng mốc cản 1.450 điểm hoàn toàn có thể bị chinh phục.
Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thứ 2 thế giới
Một thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những thành quả đáng nhớ.
Theo đó, tính đến 30-6, VN-Index đã đạt mức 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. HNX-Index cũng tăng tới 59,2% lên 323,32 điểm, UPCoM-Index tăng 21,2% lên 90,25 điểm.
VN-Index là chỉ số có mức tăng mạnh thứ 2 thế giới trong 6 tháng đầu năm 2021, đứng sau Abu Dhabi-Index của Abu Dhabi. Chỉ tính riêng trong tháng 6, VN-Index đã tăng 6,67% và đứng sau Chinext của Thẩm Quyến, Trung Quốc.
So với khu vực, 6 tháng qua, VN-Index tăng mạnh nhất. Theo đó, SET Composite Index (Thái Lan) tăng 9,55%, Straits Times Index (Singapore) tăng 10,08%, Jakarta Composite (Indonesia) tăng 0,11%, trong khi PSEi Composite (Philippines) giảm 3,33%, KLCI Index (Malaysia) giảm 5,81%.
Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam vào cuối tháng 6 trên 6,8 triệu tỉ đồng, tăng hơn 29% so với cuối năm 2020. Trong đó, vốn hóa tại HNX tăng mạnh nhất với 90,2% lên 403.848 tỉ đồng. Vốn hóa sàn HOSE tăng 29,5% lên gần 5,29 triệu tỉ đồng. Trên UPCoM cũng tăng 15% lên gần 1,15 triệu tỉ đồng.
Thanh khoản trên thị trường cũng tăng mạnh, với tổng khối lượng giao dịch trên 3 sàn đạt 111,6 tỉ cổ phiếu (tăng 73,4%), trị giá 2,73 triệu tỉ đồng (tăng 130,4%).