Rút kinh nghiệm từ năm 2020, năm nay, những sĩ tử dù thi tốt nghiệp THPT ở đợt 1 hay đợt 2 cũng sẽ được tham gia xét tuyển vào ĐH-CĐ cùng một lần.
Đó là đề xuất mới nhất từ PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), trước tình hình nhiều thí sinh ở nhiều địa phương năm nay phải thi tốt nghiệp THPT ở đợt 2 vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đề xuất tưởng chừng rất nhỏ này nhưng đã giải tỏa phần nào áp lực lớn cho nhiều phụ huynh, thí sinh ở vùng dịch đang trông ngóng ngày thi từng ngày.
Thực ra, những năm gần đây, các trường ĐH-CĐ đã đa dạng hơn các phương thức tuyển sinh, trung bình mỗi trường sử dụng 4-5 phương thức, có trường thậm chí xét đến bảy phương thức. Việc này vừa để làm sao tuyển chọn được thí sinh chất lượng, vừa tạo thêm nhiều cơ hội thuận lợi cho các em.
Tuy vậy, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được các trường ĐH-CĐ sử dụng làm phương thức chính trong tuyển sinh đầu vào.
Nó thể hiện rõ từ kết quả thống kê của Bộ GD&ĐT khi năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 55%, chỉ tiêu xét tuyển bằng các hình thức khác chiếm khoảng 45%.
Tính trên cả nước, năm nay có đến hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, gần 80% thí sinh có đăng ký thi để xét tuyển vào ĐH-CĐ với 3,8 triệu nguyện vọng.
Điều đó cho thấy nguyện vọng vào ĐH-CĐ của các em học sinh sau 12 năm học tập là rất lớn. Sự cạnh tranh cũng không hề nhỏ khi chỉ tiêu tuyển sinh năm nay chỉ gần 545.000 em.
Rõ ràng, thi đợt 1 hay đợt 2 có lẽ sẽ không quan trọng nếu các em không phải lo lắng cho việc xét tuyển sau đó của mình.
Như năm 2020, cả nước có hơn 26.000 thí sinh của 27 tỉnh, thành phải thi đợt 2 vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 (chiếm 3% thí sinh cả nước). Một số trường ĐH-CĐ cũng đã có những chỉ tiêu riêng cho thí sinh thi đợt 2 nhưng cơ hội với các em vẫn rất mong manh vì phụ thuộc quyết định riêng của từng trường.
Lãnh đạo một trường phổ thông tại TP.HCM cũng thẳng thắn thừa nhận: Qua khảo sát ý kiến phụ huynh, phần lớn phụ huynh của hơn 800 học sinh lớp 12 của trường đã lựa chọn “không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi đợt 1”. Theo vị này, họ sợ dịch bệnh thì ít mà lo con em họ mất cơ hội xét tuyển ĐH thì nhiều.
Trước những nỗi lo có thật ấy, với đề xuất kịp thời của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), giải pháp này sẽ giúp các em thi đợt 1 và 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng.
Các cơ sở đào tạo cũng không phải lo tính toán các phương án để dành lại chỉ tiêu xét tuyển đợt 2.