Chiều 1-7, tại buổi họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ vừa ban hành nghị quyết hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ lần hai này gồm 12 nhóm chính sách, với số tiền 26.000 tỉ đồng.
Ưu tiên người lao động bị ngừng việc, cách ly
Theo đó, nghị quyết cho phép người sử dụng lao động được miễn đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thời gian miễn đóng là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1-7-2021 đến 30-6-2022.
Doanh nghiệp cũng được hưởng chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, điều kiện tạm dừng đóng vào hai quỹ này là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là sáu tháng, kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cung cấp thông tin tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1-7. Ảnh: VGP
“Với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thời gian qua, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng…” - ông Đào Ngọc Dung cho hay.
Nghị quyết cũng cho phép doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/NLĐ/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa sáu tháng.
Đối với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do thực hiện các quy định cách ly, phong tỏa, nghị quyết cho phép hỗ trợ một lần, với mức tiền từ 1.855.000 đồng đến 3.710.000 đồng/người, tùy vào thời gian nghỉ việc. “Sở dĩ có mức hỗ trợ có số lẻ như vậy vì chúng tôi căn cứ vào lương tối thiểu vùng” - ông Đào Ngọc Dung giải thích thêm.
Nghị quyết cũng hỗ trợ NLĐ bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên, trong thời gian từ ngày 1-5 đến hết 31-12; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/người.
Chính phủ cũng hỗ trợ một lần với số tiền hơn 3,7 triệu đồng đối với NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều kiện hưởng là đối tượng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với NLĐ đang mang thai, Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Trường hợp nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ sáu tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ và chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha.
Cạnh đó, nghị quyết cũng hỗ trợ thêm 1 triệu đồng đối với trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế. Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị COVID-19, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày. Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) nhưng thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
Ngoài ra, nghị quyết có chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế. Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%...
Địa phương quyết định hỗ trợ người lao động tự do
Theo ông Đào Ngọc Dung, mục tiêu của Nghị quyết 68 tập trung vào hỗ trợ cho NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho NLĐ…
“Bộ Chính trị cũng như Chính phủ trong phiên họp chiều nay đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải chăm lo các đối tượng lao động tự do. Đây là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng sâu, trực tiếp nhưng cũng là đối tượng khó có thể triển khai nhất” - ông Dung nói.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, thực tiễn việc triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. “Có những bác tổ trưởng dân phố nói chúng tôi phải đi tới 8-9 lần, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được. Bởi lao động tự do di chuyển biến động thường xuyên, nay ở đây mai ở chỗ khác; rồi phải lấy xác nhận giữa nơi ở với nơi cư trú” - ông Dung cho biết và khẳng định nếu Chính phủ ban hành chính sách và đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm này là “khó khả thi”.
“Chính phủ thống nhất có chủ trương hỗ trợ nhóm này nhưng giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, khả năng ngân sách để chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, xác định mức tiền…” - ông Dung nói và khẳng định chủ trương này nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của TP.HCM, Hà Nội cũng như một số đơn vị có đông lực lượng lao động tự do.
“Về ngân sách hỗ trợ cho lao động tự do này do các địa phương cân đối nguồn thu của mình và dự phòng” - ông Dung nói thêm.
Gói 26.000 tỉ đồng không thực hiện song song với gói 62.000 tỉ đồng Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin tổng số chính sách hỗ trợ từ khi xuất hiện COVID-19 là 160.000 tỉ đồng. Chính sách từ Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng, với số tiền là 39.000 tỉ đồng, trong đó riêng ngân sách nhà nước hỗ trợ 13.000 tỉ đồng. Ông Dung cho biết gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng lần này không thực hiện song song với gói 62.000 tỉ đồng trước đây, do gói hỗ trợ theo Nghị định 42 là gói ngắn hạn và hết hạn từ 31-12-2020. Số tiền còn lại theo quy định được chuyển sang sử dụng vào việc khác. Về thủ tục để được nhận hỗ trợ, Bộ trưởng Dung khẳng định sẽ tinh giản tối đa các thủ tục, điều kiện để thông thoáng nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ. “Chúng tôi đưa ra quy định khi cán bộ nhận hồ sơ 2-3 ngày là phải xử lý ngay, nếu hồ sơ không đạt thì phải trả lời ngay với NLĐ, sử dụng lao động” - ông Dung nói. |