Ngày 1-7, Mỹ cho biết đại dịch COVID-19 đã tạo ra một "môi trường lý tưởng" cho nạn buôn người phát triển mạnh, khi lúc chính phủ các nước đang tập trung nguồn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế cũng là thời điểm những thành phần buôn người lợi dụng để nhắm đến những người dễ bị tổn thương, hãng AFP đưa tin.
"Báo cáo Nạn buôn người năm 2021" của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng hạng nhiều quốc gia vì những nỗ lực trong việc chống lại nạn buôn người, đồng thời cũng hạ bậc đối với một số quốc gia.
Mỹ: Đại dịch COVID-19 tạo 'môi trường lý tưởng' cho nạn buôn người. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 1-7 đã công bố báo cáo thường niên về nạn buôn người, cho biết ước tính gần 25 triệu người trên thế giới là nạn nhân của vấn nạn này.
“Nhiều người bị ép buộc tham gia hoạt động mại dâm thương mại. Nhiều người bị buộc phải làm việc trong các nhà máy hoặc cánh đồng hoặc tham gia các nhóm vũ trang” – ông Blinken nói.
“Đó là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đó là một nỗi đau to lớn của con người" – ông Blinken nói thêm.
Theo báo cáo, đại dịch COVID-19 đã "tạo ra các điều kiện làm gia tăng số người có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người và làm gián đoạn các hoạt động can thiệp chống buôn người hiện có và đã được lên kế hoạch".
"Các chính phủ trên toàn thế giới chuyển hướng nguồn lực cho đại dịch, nhưng thường gặp bất lợi trong nỗ lực chống buôn người" – báo cáo nêu.
"Đồng thời, những kẻ buôn người nhanh chóng thích nghi để tận dụng các lỗ hổng được bộc lộ trong tình hình đại dịch và hiện đang trầm trọng hơn" - báo cáo nêu thêm.
AFP dẫn lời bà Kari Johnstone - quyền giám đốc Văn phòng giám sát và chống nạn buôn người - cho biết sự kết hợp của các yếu tố trên đã "dẫn đến một môi trường lý tưởng cho nạn buôn người nhen nhúm và phát triển".
Báo cáo đưa ra dẫn chứng rằng “ở Ấn Độ và Nepal, các cô gái trẻ đến từ các vùng nông thôn nghèo thường phải nghỉ học để giúp đỡ gia đình vì khó khăn về kinh tế. Một số bị ép buộc phải kết hôn để đổi lấy tiền, trong khi những người khác bị buộc phải làm việc để có thêm nguồn thu nhập".
Ở một số quốc gia, gồm cả Mỹ, chủ nhà buộc người thuê nhà, thường là phụ nữ, phải quan hệ tình dục với họ khi những người này không thể trả tiền thuê nhà. Trong khi đó, nhiều băng nhóm ở một số quốc gia lại nhắm vào những người trong các trại di cư.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xếp hạng các quốc gia trên thế giới dựa trên việc họ tuân thủ Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người (TVPA) năm 2000, AFP đưa tin.
Theo đó, sáu quốc gia bị tụt hạng từ Bậc 1 - thứ hạng cao nhất - xuống Bậc 2 gồm Síp, Israel, New Zealand, Na Uy, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ.
Danh sách Bậc 2 gồm các nước không "đáp ứng đầy đủ" các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA "nhưng đang nỗ lực đáng kể để tự tuân thủ".
Báo cáo đã đưa hai quốc gia là Guinea-Bissau và Malaysia vào danh sách Bậc 3 những nước có tình hình phạm tội tệ nhất, hiện gồm Afghanistan, Algeria, Trung Quốc, Comoros, Cuba, Eritrea, Iran, Myanmar, Nicaragua, Triều Tiên, Nga, Nam Sudan, Syria, Turkmenistan và Venezuela.
Bốn quốc gia - Belarus, Burundi, Lesotho và Papua New Guinea – được loại khỏi danh sách Bậc 3 và được đưa vào danh sách theo dõi Bậc 2.