Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Queen Alexandra, Anh - Ảnh: AFP
Theo báo New York Times, mặc dù dịch COVID-19 ở Anh bùng lên vài tuần gần đây do biến chủng Delta, dữ liệu của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) công bố ngày 1-7 ghi nhận tỉ lệ nhập viện vẫn duy trì ở mức thấp.
Cụ thể, từ ngày 21 đến 27-6, tỉ lệ nhập viện do COVID-19 ở Anh là 1,9/100.000 dân, tương đương với một tuần trước đó. Nếu so với đầu tháng 6, tỉ lệ này có tăng nhẹ từ mức 1,1/100.000.
Tuy nhiên, số ca nhập viện như vậy là thấp đáng kể so với đợt bùng dịch ở Anh mùa đông năm ngoái, lúc đó cứ mỗi 100.000 người sẽ có 35 người nhập viện.
Dữ liệu của PHE nhận định quốc gia nào có tỉ lệ tiêm chủng cao nhiều khả năng sẽ không rơi vào tình huống bệnh viện quá tải, mặc dù biến thể Delta vẫn có thể lây nhanh và rộng.
Hiện tại gần 75% người lớn ở Anh - bao gồm 95% người từ 80 tuổi trở lên - đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19.
Trong đợt dịch này, số người nhiễm nhiều nhất rơi vào nhóm trẻ tuổi, đa số chưa được tiêm ngừa (chỉ 34% người dưới 40 tuổi đã tiêm ít nhất 1 liều).
Trong cuộc họp báo ngày 1-7, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) lưu ý một số loại vắc xin có thể bảo vệ tốt trước biến thể Delta.
"Theo các nghiên cứu cho đến nay, 4 loại vắc xin đã được EU thông qua, bao gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Jonson, đều có hiệu quả chống lại chủng Delta" - ông Marco Cavaleri, quan chức thuộc EMA, cho biết.
Theo một nghiên cứu gần đây, 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech cung cấp bảo vệ khoảng 88% chống lại bệnh COVID-19 có triệu chứng, giảm một chút so với hiệu quả 95% trước chủng virus gốc. Nhưng 1 liều vắc xin thì hiệu quả không đáng kể.
TTO - Số ca mắc COVID-19 tại Campuchia đã tăng đột biến chỉ trong thời gian rất ngắn. Sự xuất hiện của biến thể Delta ở biên giới Thái Lan khiến Campuchia nâng mức cảnh giác, đóng cửa toàn bộ biên giới.