- Đa dạng hình thức quảng bá vải thiều Việt Nam tại Nhật Bản
- Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia
Từ những con bò bay ở Thụy Sĩ
Những ai lang thang gần dãy Alps ở Thụy Sĩ có thể bắt gặp một cảnh tượng kỳ lạ: những con bò bay ngang sườn núi, v ới dây cáp quấn bụng. Trực thăng thường là sẽ đưa chúng đến một bệnh viện thú y. Đấy là những gì diễn ra ở Valais, một bang của Thụy Sĩ có đặc sản là sữa, pho-mát, rượu vang, bơ và thịt bò.
Việc đối xử tốt với bò đã trở thành đặc trưng văn hóa ở đây. Người nông dân đặt tên cho các thành viên trong đàn bò của họ. Hằng năm, một phi công của công ty trực thăng địa phương có thể giải cứu trung bình 250 con bò từ trên núi. Nhưng, những vụ “giải cứu” xa xỉ này không hẳn là biểu hiện của một vùng đất tôn sùng bò. Những con bò phải được cứu vì ở Thụy Sĩ, người ta không thể để một con vật chết thối rữa. Nó sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, gây bệnh cho những làng mạc lân cận. Thêm vào đó, người chủ con bò bị chết sẽ được nhận một khoản tiền hỗ trợ của chính phủ, có thể lên đến 2.000-2.500 franc Thụy Sĩ/con.
Những con bò bay bằng trực thăng không phải là cảnh hiếm thấy ở Valais, bên sườn núi thuộc dãy Alps ở Thụy Sĩ. Ảnh: ABC News |
Ở Thụy Sĩ, bò cũng được luật pháp bảo vệ mạnh mẽ (chống hành hạ, đánh đập) và chính phủ cũng sẵn sàng trả tiền cho nông dân để đối xử tốt với động vật lẫn duy trì cảnh quan, để có thể đưa chúng ra không khí trong lành thường xuyên chẳng hạn.
Lý do chính phủ thanh toán cho các chi phí kiểu này vì những người nông dân đang làm một công việc phục vụ quốc gia. Không phải giải cứu nông sản, mà Thụy Sĩ trả công để người nông dân giữ cho đồng cỏ lẫn nguồn nước sạch sẽ và đàn bò được đối xử tốt. Họ được trả tiền để duy trì cấu trúc xã hội ở nông thôn. Đấy là một cách suy nghĩ khác về việc sử dụng đất đai, được những học giả môi trường gọi là “thanh toán cho dịch vụ duy trì sinh thái”.
Họ không phải những người đầu tiên làm vậy. Vào những năm 1930, Chính phủ Mỹ bắt đầu trả tiền cho nông dân để họ đừng... canh tác quá độ. Năm 2000, Trung Quốc cũng trả tiền để người nông dân không phá rừng, khiến đất bị xói mòn nhanh hơn trong quá trình khai thác. Với Thụy Sĩ, một đất nước diện tích nhỏ (hơn 41 ngàn km2) đa phần bị dãy Alps bao phủ, việc bảo vệ hệ sinh thái thật sự hệ trọng. Thêm vào đó, việc chăm sóc tốt môi trường xung quanh cũng như đàn bò của mình cho ra những sản phẩm tốt nhất và bản thân sự chăm sóc ấy cũng gia tăng thương hiệu cho các sản phẩm ở đây.
John McPhee, một nhà báo người Mỹ nổi danh của tạp chí New Yorker, từng viết trong một cuốn sách về Thụy Sĩ rằng: “Mọi người thường nghĩ về Thụy Sĩ như một dân tộc lý tưởng hóa lãng mạn chủ nghĩa, trong khi thực sự thì họ lại rất đơn giản và thực tế”. Ông cho rằng nếu bạn thấy Thụy Sĩ đẹp, thì đó cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế, chứ không phải một sự duy mỹ: “Nếu đây được cho là quốc gia có cảnh quan đẹp nhất hành tinh, thì điều này là cần thiết, bởi Thụy Sĩ quá nhỏ”.
Trong mạch tư duy này, những con bò bay trong không trung, ý tưởng có vẻ lãng mạn và nhân văn, hóa ra lại là kết quả của một phép tính thực dụng và phức tạp liên quan đến nguồn lực hạn chế (của đất đai Thụy Sĩ), làm thương hiệu và cả lòng trắc ẩn. Một chú bò không phải là trung tâm của cuộc giải cứu, mà nó là một phần của chính sách. Tôn trọng bò không chỉ phát sinh từ tình cảm tự nhiên của người nuôi, mà còn là từ thái độ tôn trọng chính sách chung này.
Không cần giải cứu
Hãy quay lại với vải thiều. Ngoài gửi văn bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bắc Giang còn chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh yêu cầu nhiều xe tải phải gỡ bỏ băng rôn “giải cứu nông sản” mới được tiếp tục lưu thông. Thái độ ở đây là rất rõ ràng: quả vải, dù từ vùng dịch ra và đang đối diện với rủi ro khó tiêu thụ, không cần phải được giải cứu.
Vải thiều không cần phải giải cứu. |
Trên mạng vài ngày qua, sự cương quyết này thậm chí bị chỉ trích. Nhiều người đã tự ái vì sự tự tôn của vải thiều. Văn hóa “giải cứu” mùa nào thức nấy đã ngấm sâu vào các hành vi tiêu dùng của chúng ta, và việc một tỉnh từ chối dùng từ này giống như gáo nước lạnh. Sao lại có cái kiểu sĩ diện đến thế, đang dịch bệnh cơ mà?
Nhưng, hãy nghĩ lại về thái độ với những con bò biết bay ở Thụy Sĩ: chính phủ không trả tiền để giải cứu nông sản, mà để người nông dân chăm sóc tốt hơn những thứ sẽ quyết định giá trị của nông sản, như hệ sinh thái xung quanh và những câu chuyện có thể tăng thương hiệu. Như chính con bò bay kia hôm nay được kể trong bài viết này.
Mỗi lần nông sản ế và sau đó được rao bán với giá rẻ như cho dưới danh nghĩa “giải cứu” là một lần nó tự xuống thêm một nấc trong thang giá trị. Việc giải cứu có thể là con cá cứu đói khi khẩn cấp nhưng không bao giờ là cần câu. Chúng ta tác động vào chiếc thang giá trị này với nhận thức rằng mình đang giúp đỡ những người nông dân. Việc này không có gì sai nhưng với bức tranh lớn hơn, đôi khi sự trắc ẩn thuần túy không có lợi.
Bắc Giang rất chủ động với các chính sách của họ. Sau khi làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông, tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương mở “làn xanh” cho phép xe chở vải thiều được lưu thông nhanh qua các chốt kiểm dịch nếu có giấy xác nhận an toàn do Chủ tịch UBND tỉnh cấp. Trên “mặt trận” thương mại điện tử, tỉnh làm việc với Bộ Công thương để đẩy vải thiều lên các sàn lớn nhất Việt Nam.
Hiện, Bắc Giang vẫn xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều mỗi ngày sang Trung Quốc và hàng trăm tấn sang Nhật Bản cùng nhiều nước ở thị trường châu Âu. Tỉnh lập một đường dây nóng để tiếp nhận và kiểm tra việc tiêu thụ vải thiều đi trong và ngoài nước.
Đấy là những nỗ lực tiêu thụ vải thiều với công suất tốt nhất cũng như giá trị cao nhất có thể. Việc từ chối cái mác “giải cứu” không chỉ một sự tự hào suông với quả vải, mà là một mắt xích trong kế hoạch tổng thế này: tỉnh có thể tính toán được rằng với tất cả các kênh phân phối và sự giúp đỡ tích cực từ chính phủ, thì việc tiêu thụ vải thiều với số lượng như cũ trong điều kiện dịch bệnh vẫn khả thi. Nếu bị coi như một thứ nông sản ế, anh không thể giữ giá cho sản phẩm.
Tính đến ngày 14-6, Bắc Giang đã tiêu thụ xong hơn 100 ngàn tấn vải thiều, tức gần 60% sản lượng của mùa vụ 2021. Vải thiều đưa sang Nhật được bày bán ở các siêu thị với giá lên đến 340 ngàn/kg và lập tức “cháy hàng”. Việc từ chối giải cứu, tưởng như chỉ đến từ sự tự tôn của những người trồng vải thiều, hóa ra cũng là một con tính phức tạp.
Trong tư duy giải cứu (và cả chấp nhận giải cứu quá dễ dàng) nông sản, không có sự thực dụng này. Hành động giải cứu có thể xuất phát từ lòng trắc ẩn thật sự, khi cộng đồng cảm thấy rằng cần phải làm một cái gì đó cho những người xung quanh, trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch. Nhưng, để tạo ra một guồng máy hiệu quả, từ sản xuất cho đến tiêu thụ và phân phối, chúng ta cần nghĩ về mỗi quyết định ứng xử với nông sản như một phép tính tổng hợp với nhiều yếu tố cần phải cân nhắc.
Khi Bắc Giang yêu cầu không dùng từ “giải cứu”, điều này không chỉ đáng mừng vì họ đã tự tôn với sản phẩm của mình. Đằng sau đó là một chiến dịch duy lý được tính toán tỉ mỉ và quyết liệt hành động, đấy mới là cột mốc nhận thức đáng ghi nhớ hơn cả.
Ban CầmXem thêm: /002746-ueiht-iav-auc-not-ut-uS/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna