Trong 6 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu: Chỉ đạt 29,02% kế hoạch Chính phủ giao.
Danh sách "đội sổ" về tốc độ giải ngân
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), trong 6 tháng đầu năm 2021, có 3 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 1% .
Có 9 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Từ sự "ỳ ạch" của các bộ, ban, ngành và một số địa phương, dẫn đến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2021 (tính đến 30.6.2021) là 133.890,16 tỉ đồng, chỉ đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (34%), trong đó vốn trong nước đạt 31,75%, vốn nước ngoài đạt 7,37%.
Nguyên nhân chính: Thiếu thống nhất, "né" trách nhiệm
Phân tích về lý do khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm không đạt kế hoạch, Bộ KHĐT nhấn mạnh:
Do một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm, trong đó nổi cộm là công tác giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quan tâm đúng mức, chỉ đạo sát sao. Nhiều dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đến năm 2021 đã hết thời hạn bố trí vốn theo quy định nhưng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không chủ động trình cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn bố trí vốn….
Bộ KHĐT cũng thẳng thắn chỉ rõ: Nguyên nhân gây ỳ trệ giải ngân vốn đầu tư công là do người đứng đầu ở một số nơi còn chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra, né tránh trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư công “giẫm chân tại chỗ”, chậm quyết toán...
Riêng nguồn vốn ODA, việc giải ngân chậm do nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay, mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân...
Theo Bộ KHĐT, có 9 bộ và 32 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (29,02%), trong đó, một số bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân cao như:
TP.Hải Phòng (76,2%), Thái Bình (64,4%), Thái Nguyên (60%), Nam Định (59,8%), Quảng Ninh (59,6%), Thanh Hóa (57,9%), Hưng Yên (54,6%), Kiểm toán Nhà nước (51,7%)...
Xem thêm: odl.284629-meihn-hcart-en-od-hca-y-man-uad-gnaht-6-gnoc-ut-uad-nov-nagn-iaig/et-hnik/nv.gnodoal