Ngày 2/7 tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm theo hình thức trực tuyến.
Một trong những nội dung được quan tâm tại hội nghị này là việc quản lý chất lượng, tiến độ các dự án giao thông trọng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án này.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, để kiểm soát tiến độ các dự án giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm tra hiện trường và chủ động chủ trì 54 đợt kiểm tra hiện trường các dự án cùng với cơ quan tham mưu. Sau kiểm tra, phát hiện các tồn tại, vi phạm, Bộ đã ban hành các văn bản yêu cầu chấn chỉnh, phê bình 23 đơn vị; trong đó, có 10 chủ đầu tư, ban quản lý dự án; 3 từ vấn giám sát và tư vấn thiết kế, 10 nhà thầu thi công còn tồn tại, khiếm khuyết về tiến độ, chất lượng…
Trong 7 dự án cao tốc Bắc - Nam đang thi công có 2 dự án đáp ứng tiến độ, còn 4 dự án chậm so với kế hoạch. (Ảnh: TTXVN)
Đi vào cụ thể các dự án trọng điểm đang triển khai, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 11 dự án và hiện 7/11 dự án đang triển khai thi công. Số dự án còn lại dự kiến khởi công trong tháng 7 tới.
Về thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam, đối với 7 dự án đang thi công, có 2 dự án đáp ứng tiến độ, 1 dự án mới khởi công tháng 5/2021, còn 4 dự án chậm so với kế hoạch từ 0,5 - 2%. Nguyên nhân chậm chủ yếu do khó khăn vật liệu đất đắp và thời gian xử lý nền đất yếu kéo dài.
Để tháo gỡ khó khăn tại dự án cao tốc Bắc - Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ đã báo cáo và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về giải phóng mặt bằng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 686/CĐ-TTg ngày 27/5/2021 chỉ đạo các địa phương hoàn thành các khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại trong quý II/2021.
Về khó khăn nguồn vật liệu đắp nền đường, Chính phủ đã có Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Với mức giá vật liệu tăng cao so với thời điểm ký hợp đồng, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 503/TTg-CN ngày 17/4/2021 yêu cầu các địa phương bảo đảm đủ nguồn cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án; nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá.
Đặc biệt về biến động giá vật liệu thép xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về ảnh hưởng biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng và đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn để đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai dự án.
Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, hiện mặt bằng của dự án đã bàn giao là 21,21 km trong tổng số 22,97km, đạt 92,3% và dự kiến hoàn thành trong quý III/2021. Để đẩy nhanh dự án này, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp, An Giang để giải quyết khó khăn về cát đắp. Đến nay, khối lượng cát đến công trường đã được cải thiện, nhưng còn chậm và dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Về dự án án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc rà phá bom mìn do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành vào tháng 1/2022. Đối với các hạng mục công trình quản lý bay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư đang lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế.
Trong 6 tháng cuối năm, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn tất các thủ tục để phấn đấu khởi công 13 dự án.
Các dự án này gồm: cao tốc Bắc Nam, đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo; dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; tuyến nối Quốc lộ 91 - tuyến tránh TP Long Xuyên; tuyến tránh Quốc lộ A, thành phố Cà Mau; Cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; luồng Sông Hậu (giai đoạn 2); kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên quốc lộ; đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch…
Ngoài ra, Bộ Gao thông Vận tải cũng sẽ hoàn thành thành 18 dự án, bao gồm các dự án: cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn Cam Lộ - La Sơn; 4 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam; dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt, để đảm bảo chỉ tiêu đề ra là giải ngân trên 90% vốn đầu tư được giao năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ; kịp thời tham mưu Bộ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
VTV.vn - Không ít công trình trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng tiến độ, chủ yếu do từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng các loại tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!