Bệnh nhân có vấn đề hô hấp nằm chờ bên ngoài một bệnh viện ở Indonesia ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS
Thông cáo của Nhà Trắng ngày 2-7 (giờ Mỹ) cho biết ông Sullivan đưa ra cam kết trên trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh sự hỗ trợ và sự xem trọng của chính quyền Biden-Harris đối với Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung, khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc chấm dứt đại dịch trên toàn cầu.
Hai quan chức cũng thảo luận về kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường hỗ trợ cho các nỗ lực đối phó COVID-19 lớn hơn của Indonesia, theo Nhà Trắng.
Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới (ngay sau Mỹ) và đang phải chiến đấu với một trong những đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất châu Á. Quốc gia này liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong hơn 1 tuần qua, bao gồm 25.830 ca nhiễm và kỷ lục 539 ca tử vong trong ngày 2-7.
Chương trình tiêm chủng của Indonesia phụ thuộc phần lớn vào vắc xin Sinovac của Trung Quốc. Theo Hãng tin Reuters, chính quyền Jakarta đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và đã cấp phép khẩn cấp cho một số loại vắc xin khác, bao gồm Moderna của Mỹ.
Trong một cuộc họp báo tại Jakarta ngày 2-7, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho rằng việc số ca mắc COVID-19 tăng vọt trở lại không phải do Indonesia sử dụng vắc xin Trung Quốc.
Ông chỉ ra các nước sử dụng vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca cũng gặp tình trạng tương tự Indonesia, nhấn mạnh biến thể Delta dễ lây nhiễm mới là nguyên nhân vấn đề.
Bắt đầu từ hôm nay 3-7, các đảo Java và Bali chính thức bước vào giai đoạn hạn chế hoạt động công cộng trong 18 ngày. Theo ông Budi, đây chỉ là một biện pháp nhằm giảm số ca lây nhiễm hàng ngày xuống dưới 10.000 người.
"Nếu có ai hỏi tôi khi nào Indonesia làm phẳng được biểu đồ ca nhiễm, thành thật mà nói tôi cũng không biết là khi nào. Ngay cả các nhà dịch tễ học cũng đã mắc sai lầm vì mô hình dự báo dịch", ông Budi thừa nhận.
Washington đã và đang cạnh tranh với Bắc Kinh để tăng cường ảnh hưởng địa chính trị bằng ngoại giao vắc xin. Ngoài 4 triệu liều Moderna, Indonesia dự kiến sẽ nhận lô đầu tiên trong hợp đồng 50 triệu liều Pfizer vào tháng 8 tới.
Trong các tuyên bố chính thức, Mỹ khẳng định không chia sẻ vắc xin để đổi lại sự thỏa hiệp của các nước mà thực sự mong muốn cứu người và chấm dứt đại dịch, theo Reuters.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden tháng trước đã cam kết chia sẻ 80 triệu vắc xin do Mỹ sản xuất với các nước đang phát triển và kém phát triển. Một số nước Đông Nam Á nằm trong danh sách gồm Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, theo Reuters.
TTO - Vì không có đủ lượng vắc xin AstraZeneca, Mỹ dự định thay hàng chục triệu liều vắc xin này bằng các loại khác như Pfizer, Moderna, BioNTech, Johnson & Johnson trong chương trình chia sẻ vắc xin COVID-19 cho thế giới.