Mùa dịch hạn chế ra ngoài, “tủ quần áo 0 đồng” online giúp mọi người có được những bộ quần áo chất lượng mà không phải tốn tiền hay ra ngoài tìm kiếm. Riêng người tham gia quyên góp sẽ được hỗ trợ đến thu trực tiếp tại TP.HCM và không tốn phí.
Tái tạo vòng đời mới cho quần áo
“Tủ quần áo 0 đồng” online được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ REshare. REshare là nền tảng giúp quyên góp và thu mua những món quần áo đã qua sử dụng, tối giản không gian sống tiện lợi và hoàn toàn miễn phí. Đây là dự án do anh Nguyễn Trung Nghĩa - CEO của một công ty phần mềm sáng lập với mong muốn ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của xã hội.
Dự án ra đời giúp tái tạo vòng đời mới cho quần áo, giảm thiểu một lượng lớn rác thải và thay đổi hành vi tiêu dùng của con người với quần áo đã qua sử dụng.
Sau khi được làm sạch, quần áo được đo đạc kích thước để cập nhật lên “Tủ quần áo 0 đồng” - Ảnh: NVCC
Anh Nghĩa bắt đầu lên ý tưởng triển khai dự án vào cuối tháng 12-2020. Đến nay, dự án nhận được hơn 270 đơn quyên góp. Mỗi đơn quyên góp, REshare nhận được nhiều mặt hàng quần áo đa dạng, số lượng lớn, thậm chí có người còn gửi 2 - 3 lần.
Mùa dịch kéo dài, chị Nguyễn Thủy (25 tuổi), ngụ quận Gò Vấp làm gọn tủ quần áo của mình bằng cách quyên góp. Mọi lần, chị quyên góp cho người quen, các nhóm từ thiện. Nhưng lần này, thông qua REshare chị thấy mình chủ động hơn. Chị tự chụp ảnh, đăng ảnh và phân loại đóng gói, chọn nút quyên góp, sau đó chờ nhóm tới lấy các kiện hàng đã được phân loại sẵn.
“Tôi thấy dự án này rất hay và ý nghĩa, giúp nhiều người có cơ hội mua quần áo giá rẻ và những ai muốn dọn tủ đồ. Việc quyên góp cũng hình thành một thói quen tốt. Xu hướng hiện nay sử dụng quần áo cũ còn tốt. Mỗi người có thể xử lý tủ quần áo tinh gọn hơn, dù là quyên góp hay đăng ký bán lại đều tiện. Tôi hy vọng nhóm có thể chia sẻ hoặc đăng bán giá 0 đồng giúp cho nhiều người cần. Bản thân tôi cũng thích mua lại quần áo cũ, miễn nó phù hợp với mình, mặc đẹp xinh là được” - chị Thủy chia sẻ.
Chụp ảnh sản phẩm để cập nhật lên “Tủ quần áo 0 đồng” - Ảnh: NVCC
Còn theo chị Nguyễn Thị Thùy Trang (28 tuổi), ngụ Quảng Trị, dự án giúp tiết kiệm nhiều chi phí và tránh lãng phí.
“Mình biết dự án này qua group lối sống tối giản. Khi đặt đồ 0 đồng thì đồ không dùng nữa mình lại xếp cho người khác. Về phần chi phí, tôi chỉ cần trả tiền ship, mua 4-5 lần vẫn chưa bằng tiền chi cho 1 áo thun đơn giản mà đổi lại quá trời đồ để phối với nhau. Tủ đồ vẫn cân bằng, mình có đồ mới, người khác cũng có. Ai cũng vui. Có những đồ mình thấy hợp với bạn, đặt xong làm quà tặng, bạn mình rất ngạc nhiên” - chị Trang nói.
Đối tượng khách hàng mục tiêu REshare hướng đến là những người có nhiều quần áo dư thừa nhưng không dùng đến. Đồng thời là những người không có thu nhập cao hoặc không thể chi trả cho quần áo hằng ngày của mình. Họ có xu hướng chọn quần áo giá rẻ, bình dân và không yêu cầu cao về mẫu mã, chất lượng.
Quần áo sau khi được quyên góp sẽ trải qua các bước như phân loại, gấp gọn, sắp xếp quần áo vào kit và giặt sạch, ủi ngay thẳng và chụp hình, đo thông số và cập nhật lên website.
“Những ngày đầu, mất khoảng hai tháng, chúng mình mới xử lý xong hàng ngàn món quần áo cho “tủ quần áo 0 đồng”. Nhưng sau này, quần áo mọi người quyên góp về, chỉ trong một tuần, chúng mình đã có thể cập nhật số quần áo mới lên “tủ quần áo 0 đồng”” - Nguyễn Tường Vy, sinh viên năm 2, ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại Thương là thành viên của dự án, chia sẻ.
Mỗi chiếc quần áo đều có mã code để tiện theo dõi trên website - Ảnh: NVCC
Giải quyết các vấn đề
Dự án giải quyết các vấn đề mà nhiều người đang gặp phải như có quá nhiều quần áo đã qua sử dụng nhưng chưa tìm được nơi quyên góp hoặc xử lý chúng; tâm lý hoang mang, không hiểu rõ nguồn gốc khi mua các món đồ “secondhand” giá rẻ.
Nhận thấy hình thức hoạt động của Reshare hay nên Nguyễn Thị Thu Hiền - (27 tuổi) ngụ quận 4, TP.HCM quyết định quyên góp quần áo của mình tại đây.
“Tôi rất quan tâm đến môi trường nên những thứ còn sử dụng được thì không muốn bỏ đi. Tôi để số quần áo tầm nửa năm rồi nhưng không biết làm sao để giải quyết. Quyên góp quần áo cho dự án này, tôi rất vui khi tìm được nơi phù hợp để quần áo có cơ hội được sử dụng lại và đến với những người thật sự cần” - chị Hiền cho biết.
Quần áo được đưa đi làm sạch - Ảnh: NVCC
Anh Nghĩa cho rằng, thời điểm dịch cũng tạo điều kiện thuận lợi để anh triển khai dự án. Theo anh, mô hình offline như cửa hàng ký gửi hay cửa hàng đồ si sẽ có những rào cản nhất định nên họ không thể chuyển đổi sang online được.
“Thực tế, nhiều người quyên góp quần áo nhưng không biết quần áo mình đi về đâu. Nhưng khi họ gửi quyên góp vào REshare, họ sẽ thấy quần áo của họ được đăng trên website của REshare. Có nhiều người gửi phản hồi, họ rất vui, chỉ cần nghĩ quần áo mình được người khác mặc là cảm thấy hạnh phúc rồi” - Anh Nghĩa chia sẻ.
Trải nghiệm “tủ quần áo 0 đồng” online, chị Nguyễn Kim Ánh (28 tuổi) - ngụ quận Thủ Đức nhận xét, thao tác quyên góp hay nhận quần áo đều rất nhanh chóng và tiện lợi.
Chị Ánh chia sẻ: “Tôi thích ý nghĩa và lợi ích của dự án mang lại. Chất lượng quần áo giống với mô tả. Quần áo được giặt sạch, thơm tho, một số quần áo còn rất mới. Tôi có chia sẻ thông tin về dự án Reshare về trang facebook của mình. Những người bạn của tôi khá thích dự án này nhưng họ không ở thành phố Hồ Chí Minh nên cũng tiếc. Mong dự án được mở rộng để nhiều người tham gia hơn”.
Khách hàng chia sẻ về "Tủ quần áo 0 đồng" của REshare - Ảnh: NVCC
Nói về vấn đề quần áo đã qua sử dụng, anh Nghĩa cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi được biết số quần áo dư thừa trong xã hội rất nhiều. Mấy năm gần đây, “tủ quần áo 0 đồng” xuất hiện rất nhiều nơi trên địa bàn thành phố, nhưng vẫn còn nhiều bất cập như quần áo chưa được phân loại kỹ càng. Đồng thời, “tủ quần áo 0 đồng” chỉ giới hạn một vài khu vực, không được phổ cập cho nhiều người”.
Theo anh Nghĩa, rất nhiều đơn đăng ký nhận quần áo, tuy nhiên mỗi người chỉ được giới hạn 3 món đồ/ngày. Mọi người lựa chọn những bộ quần áo thật sự phù hợp với mình nhưng không được lấy nhiều. Điều này giúp hạn chế trường hợp người dùng sử dụng không đúng mục đích và tạo cơ hội cho nhiều người nhận được món đồ họ thật sự cần.
Từ khi ra đời, dự án được sự đón nhận nhiệt tình của cộng đồng. Hầu hết, mọi người cảm thấy hài lòng về mặt dịch vụ như thư cảm ơn, đóng hộp kỹ lưỡng, quần áo sạch sẽ. Rất nhiều nơi đồng ý quyên góp, nhưng điều này cũng khiến anh Nghĩa khá lo lắng. “Giai đoạn đầu tiên khá quan trọng đối với hình ảnh của dự án. Chúng tôi nhận quyên góp nhiều nhưng nếu không có ai nhận thì không ổn. Mục đích là nhận vào thì phải phát ra được, điều này giúp khép kín mô hình” - anh Nghĩa bộc bạch.