Từng được công nhận là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới, Hong Kong hiện phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa về nguy cơ khủng bố trong nước sau khi một người đàn ông đâm một cảnh sát và sau đó tự tử vào tối ngày 1-7.
Sự việc làm dấy lên quan ngại rằng sẽ xảy ra nhiều vụ tấn công theo kiểu "sói đơn độc" hơn và tệ hơn là dẫn tới tình trạng khủng bố trong thành phố, theo tờ South China Morning Post.
Cảnh sát Hong Kong đang kiểm tra người đi đường. Ảnh: K. Y. CHENG
Sau khi sự việc diễn ra, Bộ trưởng An ninh Chris Tang Ping-keung gọi đây là "hành động khủng bố trong thành phố theo kiểu sói đơn độc". Ông khẳng định không chỉ kẻ tấn công mà những người thường ủng hộ bạo lực, kích động lòng thù hận chống lại đất nước và ủng hộ cuộc tấn công này cũng cần phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, ông Tang cũng cho biết kẻ tấn công đã bị cực đoan hóa bằng những lời nói căm thù và những người đã "kích động" anh ta cũng "dính máu".
Chưa thể kết luận vội
Tuy nhiên, trong khi cuộc tranh luận xung quanh việc liệu "khủng bố trong thành phố" có thật hay không vẫn đang nổ ra, một số chuyên gia về khủng bố và sức khỏe tâm thần đã cảnh báo không nên dán nhãn sớm hoặc đưa kết luận rằng cuộc tấn công có thể báo hiệu một xu hướng. Họ cảnh báo việc này có thể tạo ra một "vấn đề kéo dài".
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc nhiều người đã gọi kẻ tấn công là "người tử vì đạo". Họ cảnh báo những câu chuyện như vậy có thể khuyến khích cho những hành động tương tự.
Ông Raffaello Pantucci, cộng sự cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, người chuyên nghiên cứu về khủng bố và chống khủng bố cho biết: "Khi một hành động xảy ra thu hút nhiều sự chú ý, có thể là khủng bố hoặc bất cứ điều gì khác, nhiều người sẽ có xu hướng làm theo".
Theo ông Jason Blazakis, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Soufan ở Mỹ, một cuộc tấn công sói đơn độc được thực hiện bên ngoài một cấu trúc nhóm có thể được thúc đẩy bằng nhiều yếu tố, bao gồm cả thế tục, tài chính và tôn giáo. Ông giải thích rằng các xung lực cũng có thể bắt nguồn từ vấn đề đơn lẻ hoặc do chính bản thân người thực hiện.
Đáng chú ý là vụ tấn công diễn ra gần đúng một năm sau khi luật an ninh quốc gia được áp dụng lên thành phố. Dù vậy, ông Blazakis lưu ý rằng không thể biết chính xác động cơ của kẻ tấn công là gì nếu không có thêm bằng chứng.
Trong khi đó, ông Pantucci đồng ý rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận do thông tin công khai hạn chế.
"Có tài liệu cho thấy nghi phạm bị cực đoan hóa, nhưng chúng tôi không biết tài liệu đó là gì. Hành động đâm một cảnh sát có thể xuất phát từ động cơ chính trị, song, nó cũng có thể là sản phẩm của một thứ khác" - ông nói.
"Vì vậy, nếu không có thêm thông tin, rất khó để biết liệu đây có thể được phân loại là một hành động khủng bố sói đơn độc hay không" - ông nói.
Không thể dùng các biện pháp an ninh
Giáo sư Paul Yip Siu-fai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phòng ngừa Tự tử của Đại học Hong Kong, cho biết điều quan trọng là chính phủ phải hiểu những bức xúc của công chúng và đưa ra hỗ trợ kịp thời cho bất kỳ ai, kể cả những người bị bệnh tâm thần.
"Thật là một bi kịch khi có một người nào đó, vì bất cứ lý do gì, dùng cách cực đoan và tàn nhẫn như vậy để làm tổn thương người khác và chính mình. Nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với xã hội" - giáo sư này nói.
Ông lập luận rằng tăng cường các biện pháp an ninh hoặc thậm chí chi tiêu cho an ninh quốc gia sẽ không giải quyết được các vấn đề.
"Khi bạn chặn tất cả các kênh, những người bình thường vẫn có thể tìm ra lối thoát để trút bỏ sự bực bội của họ, nhưng một số kẻ cực đoan có thể sẽ chọn những cách quyết liệt hơn để bày tỏ sự bất bình của họ" - ông nói thêm.
Hướng đi nào cho Hong Kong?
Tân chủ tịch đảng Nhân dân Regina Ip Lau Suk-yee, cựu giám đốc an ninh và thành viên nội các trên thực tế của lãnh đạo thành phố đã kêu gọi cảnh sát triển khai thêm nguồn lực và đẩy mạnh công tác thu thập thông tin tình báo. Theo bà, rất khó để ngăn các cuộc tấn công sói đơn độc vì nó thường diễn ra một cách ngẫu nhiên.
Chuyên gia Blazakis đồng ý rằng việc ngăn chặn các tác nhân đơn độc sẽ là rất khó. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một loạt các nghiên cứu học thuật đã kết luận rằng những kẻ tấn công thường tiết lộ trên mạng xã hội hoặc cho các thành viên trong gia đình biết về ý định của họ.
"Khai thác phương tiện truyền thông xã hội và sự tham gia của gia đình là hai phương pháp rất quan trọng mà cơ quan thực thi pháp luật có thể sử dụng để chống lại các mối đe dọa từ tác nhân đơn độc" - ông nói.