vĐồng tin tức tài chính 365

Khát hàng nhập khẩu, Mỹ trở thành cỗ máy chính giúp kinh tế toàn cầu hồi sinh ngoạn mục

2021-07-03 12:56

Có một dòng tiền đang chảy mạnh mẽ trong nền kinh tế Mỹ và lan toả ra cả thế giới, là động lực để kinh tế toàn cầu hồi phục với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ trở lại đây và đem đến cho các doanh nghiệp sự tự tin để họ sẵn sàng đầu tư mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ của nước Mỹ.

Theo các chuyên gia phân tích, nền kinh tế Mỹ - mà được tiếp sức bởi các gói kích thích khổng lồ có tổng trị giá 6.000 tỷ USD và đang trong cơn thèm khát hàng hoá nhập khẩu – đang nhận lấy vai trò đầu tàu kéo kinh tế thế giới hồi phục giống như Trung Quốc đã làm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mặc dù phần lớn các quốc gia hào hứng chào đón lực cầu bùng nổ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, một số tác động không mong muốn cũng đã xuất hiện như thị trường tài chính, tiền tệ biến động mạnh vì lo ngại lạm phát hay các nút thắt cổ chai trên chuỗi cung ứng ở Đông Á.

Tác động lan toả lớn hơn gấp nhiều lần so với Trung Quốc năm 2008

Khát hàng nhập khẩu, Mỹ trở thành cỗ máy chính giúp kinh tế toàn cầu hồi sinh ngoạn mục - Ảnh 1.

Thời kỳ giữa những năm 2000, Mỹ là đầu tàu tăng trưởng chính của kinh tế thế giới. Sau đó kinh tế Trung Quốc bùng nổ và đóng vai trò quan trọng không kém. Giờ đây, mặc dù Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được dự báo sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm nay do chính phủ nước này siết chặt tín dụng. Còn châu Âu hồi phục chậm chạp hơn và đang bị đè nặng bởi chi tiêu tiêu dùng yếu ớt. Ngược lại, Mỹ đã thông qua gói kích thích có quy mô lớn gấp khoảng 7 lần so với gói kích thích tài khoá của Trung Quốc sau khủng hoảng 2008 nếu tính theo tỷ lệ so với GDP toàn cầu.

Theo OECD, chỉ riêng gói chi tiêu mới đây nhất của Mỹ cũng sẽ giúp tăng trưởng GDP của Nhật Bản, Trung Quốc và eurozone tăng thêm 0,5 điểm phần trăm trong 12 tháng tới; Canada và Mexico tăng thêm 1 điểm phần trăm. Hồi tháng 5, OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 lên 5,8% - mức cao nhất kể từ năm 1973. "Quy mô khổng lồ của các gói kích thích tài khoá của Mỹ là chưa từng có tiền lệ trong thời bình", ông Adam Posen, cựu quan chức của NHTW Anh nói.

Đối với Mỹ, lực cầu bùng nổ giúp củng cố mối quan hệ với các đồng minh ngay trong lúc Trung Quốc ngày càng chú trọng phát triển kinh tế nội địa và bị hoài nghi ở nước ngoài. Mặc dù Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Mỹ ở châu Á đã suy giảm đáng kể trong thập kỷ vừa qua do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những nền kinh tế như Australia và Đài Loan trở nên mong manh hơn trước các đợt trả đũa thương mại nhằm đạt được mục tiêu chính trị của Trung Quốc.

Khát hàng nhập khẩu, Mỹ trở thành cỗ máy chính giúp kinh tế toàn cầu hồi sinh ngoạn mục - Ảnh 2.

OECD dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm nay, thậm chí trong mỗi năm kể từ nay đến 2026 GDP nước này sẽ tăng thêm 1 phần tương đương với toàn bộ GDP Australia. Trong khi đó Mỹ được dự báo tăng trưởng 6,9% trong năm nay, đánh dấu đà hồi phục mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980. Điều này đặc biệt quan trọng đối với kinh tế thế giới bởi người tiêu dùng Mỹ chính là nền tảng quan trọng của thương mại toàn cầu. Mỹ đóng góp khoảng 27% tổng chi tiêu tiêu dùng cuối cùng của toàn thế giới, so với mức chỉ khoảng 11% của Trung Quốc, theo số liệu năm 2017 của Deloitte.

Nhiều nước có một phần lớn GDP phụ thuộc vào chi tiêu tiêu dùng của Mỹ - chỉ số được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10% trong năm nay sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Đây sẽ là mức cao nhất kể từ năm 1946.

Bất chấp đại dịch, thu nhập của người dân Mỹ vẫn tăng lên. Theo tính toán của Moody’s, năm 2020 các hộ gia đình Mỹ đã tích luỹ được thêm 2.600 tỷ USD so với năm 2019. Và họ đang chi tiêu mạnh tay cho hàng hoá nhập khẩu. HSBC dự báo nhập khẩu của Mỹ sẽ tăng trưởng 170 tỷ USD đều đặn mỗi năm suốt từ nay đến năm 2026, so với mức tăng trưởng 140 tỷ USD của Trung Quốc.

IMF ước tính thâm hụt cán cân vãng lai của Mỹ trong năm nay sẽ đạt kỷ lục 876 tỷ USD, trong khi Trung Quốc thặng dư 274 tỷ USD. Trung Quốc – nước vốn đã có thặng dư cán cân vãng lai lớn nhất thế giới trong năm ngoái – chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng gần 40% trong quý I/2021. Nhu cầu đối với hàng nhập khẩu tăng vọt ở Mỹ đối lập hoàn toàn với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008, khi nhiều hộ gia đình tập trung vào trả nợ thay vì chi tiêu.

Kỳ vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt cũng thôi thúc các doanh nghiệp trên khắp thế giới đầu tư nâng công suất. Morgan Stanley dự báo đến cuối năm 2022 đầu tư toàn cầu sẽ tăng trưởng hơn 20% so với trước dịch. Điều này rất quan trọng đối với Trung Quốc, nơi đầu tư và xuất khẩu tăng trưởng tốt sẽ giúp bù đắp sự hồi phục chậm chạp của tiêu dùng nội địa.

"Gói kích thích khổng lồ của Mỹ thực sự là tin tức tốt lành đối với công ty chúng tôi cũng như toàn ngành", Lin Guo’ai, đồng sáng lập của nhà sản xuất xe điện Myatu Pedelec Techonology nói. Lượng đơn hàng từ nước ngoài mà công ty ông nhận được đã tăng hơn 80% trong năm ngoái, với gần 2/3 lượng đơn hàng mới là đến từ các khách hàng Mỹ. Nhu cầu mạnh đến nỗi Lin không còn lo lắng về mức thuế suất 25% mà Mỹ áp dụng với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Công ty chi 120 triệu nhân dân tệ (tương đương 18,8 triệu USD) để xây dựng nhà máy sản xuất các linh kiện mà hiện đang phải thuê các nhà cung ứng bên ngoài sản xuất.

Trong khi đó, các công ty cơ khí của Đức chứng kiến nhu cầu về máy móc của các nhà máy châu Á chuyên xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt. Những người nông dân ở các nước như Brazil thì đặt hàng máy móc để tăng năng suất nhằm cung ứng cho thị trường Mỹ.

Khát hàng nhập khẩu, Mỹ trở thành cỗ máy chính giúp kinh tế toàn cầu hồi sinh ngoạn mục - Ảnh 3.

Thị trường nhà ở Mỹ bùng nổ là nguyên nhân khiến Uponor Oyi, công ty chuyên sản xuất đường ống của Phần Lan có sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong các ngôi nhà ở Mỹ, mở thêm dây chuyền sản xuất tại nhà máy mới ở Minnesota. Doanh thu quý I tại thị trường Bắc Mỹ đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng trưởng 8% ở thị trường châu Âu.

Sau khi lợi nhuận tăng vọt, các công ty vận tải biển như A.P. Moller – Maersk và Hapag-Lloyd đang lên kế hoạch mở rộng đội tàu. Lượng đơn đặt hàng tàu container mới trong 5 tháng đầu năm 2021 cao gấp đôi so với năm 2019 và 2020 cộng lại.

Trong khi đó các điểm du lịch đang háo hức chờ đợi những du khách Mỹ. Marriott International ghi nhận lượng khác Mỹ đặt tour tới EU tăng 40% trong 2 tuần sau khi EU thông báo kế hoạch mùa xuân này sẽ mở cửa cho các du khách Mỹ đã tiêm vaccine. Những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch như Hy Lạp và Italy đã mở cửa đón khách Mỹ.

Các hãng hàng không Mỹ gồm Delta và Alaska Air bắt đầu đặt mua máy bay mới từ các nhà sản xuất nước ngoài như Airbus và Embraer. Các chặng bay tới châu Âu và Mỹ Latinh đã mở cửa trở lại, đồng thời thị trường nội địa cũng đã hồi phục.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt còn giúp gia tăng lượng kiều hối mà những người nhập cư gửi về cho gia đình họ ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Những tác động lan toả của kinh tế Mỹ lên hệ thống tài chính toàn cầu lớn hơn rất nhiều so với của Trung Quốc năm 2008. Nguyên nhân là do thị trường vốn Trung Quốc vẫn chưa mở cửa, trong khi đồng USD thống trị thị trường nợ toàn cầu cũng như kho dự trữ ngoại hối của các nước.

Cũng có những nền kinh tế "méo mặt"

Những tác động đến các nước cũng là khác nhau. Trong khi một số hưởng lợi vì xuất khẩu tăng vọt để phục vụ nhu cầu của Mỹ, không ít quốc gia đối mặt với nguy cơ đến từ lạm phát, đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu tăng – những yếu tố đe doạ đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.

"Chúng tôi nhìn thấy làn sóng lạm phát đang tới", Angelo Trocchia, CEO của công ty kính mắt Safilo (Italy) nói. Nhà máy ở Trung Quốc của Safilo đang hoạt động hết công suất nhưng cũng phải đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào (như nhựa) tăng cao. "Chúng tôi cần phải biết các NHTW sẽ làm gì tiếp theo".

Đồng USD đã tăng mạnh so với các đồng tiền khác kể từ khi Fed phát tín hiệu vào giữa tháng 6 rằng sẽ có ít nhất 2 lần tăng lãi suất trước cuối năm 2023. Để kiểm soát lạm phát và ngăn đồng nội tệ tăng giá, các NHTW Nga, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất trong những tuần gần đây.

"Đối với 1 nền kinh tế đã bị đôla hoá, bạn sẽ buộc phải tăng lãi suất kể cả khi bạn không nghĩ rằng điều đó sẽ giải quyết được vấn đề", Tamara Basic Vasiljev, chuyên gia kinh tế đang công tác tại Oxford Economics ở London nhận định. Những nước có thâm hụt cán cân vãng lai lớn đặc biệt dễ bị tổn hại.

Một làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu với Fed ở trung tâm đe doạ đà hồi phục ở nhiều nơi, nhất là trong bối cảnh nợ của thị trường mới nổi cao như hiện nay. Theo IIF, nợ của nhóm này đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 86.000 tỷ USD.

Thế nhưng nếu như Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp, bong bóng tài sản sẽ xuất hiện trên khắp thế giới. NHTW các nước Bắc Âu và Hàn Quốc đã lên kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ một phần để chặn đứng các bong bóng tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Tham khảo Wall Street Journal

Xem thêm: nhc.8552521130701202-cum-naogn-hnis-ioh-uac-naot-et-hnik-puig-hnihc-yam-oc-hnaht-ort-ym-uahk-pahn-gnah-tahk/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khát hàng nhập khẩu, Mỹ trở thành cỗ máy chính giúp kinh tế toàn cầu hồi sinh ngoạn mục”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools