Trung Quốc đang rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng. Thời tiết cực đoan, nhu cầu năng lượng tăng vọt và các biện pháp hạn chế sử dụng than hà khắc đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống lưới điện quốc gia của nước này. Vấn đề này có thể kéo dài trong nhiều tháng và gây áp lực lên đà phục hồi kinh tế Trung Quốc cũng như thương mại toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất 10 năm qua
Một số tỉnh của Trung Quốc, bao gồm cả những nơi vốn là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế, cho biết họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện trong vài tuần gần đây.
Quảng Đông là trung tâm sản xuất đóng góp 1.700 tỷ USD, tương đương hơn 10% sản lượng kinh tế hàng năm và chiếm phần lớn trong thương mại quốc tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, tỉnh này đã phải phân bổ điện trong hơn một tháng qua. Các biện pháp hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19 buộc doanh nghiệp trên toàn tỉnh phải đóng cửa trong vài ngày mỗi tuần. Một số cơ quan chức năng của tỉnh cảnh báo việc phân bổ điện có thể kéo dài đến cuối năm nay.
Không riêng gì Quảng Đông, ít nhất 9 tỉnh khác ở Trung Quốc cũng cho biết họ đang phải đối mặt với vấn đề tương tự, như Vân Nam, Quảng Tây và trung tâm sản xuất Chiết Giang. Điều này buộc chính quyền khu vực phải tuyên bố hạn chế cung ứng điện cho khu vực có tổng diện tích bằng Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản cộng lại.
Khủng hoảng thiếu điện thậm chí còn kéo giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất ở Trung Quốc trong tháng 6, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận ngày 30/6. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc trong tháng 6 là 50,9 điểm, thấp hơn mức 51 điểm của tháng 5.
Đây là cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2011, thời điểm hạn hán và giá than tăng cao khiến 17 tỉnh phải hạn chế sử dụng điện. Các nhà máy điện không muốn sản xuất nhiều điện khi giá than đắt đỏ vì chính phủ quản lý giá điện nên các nhà sản xuất không thể tự tăng giá.
Đến nay, sự bùng nổ của giá hàng hóa và tình trạng thời tiết khắc nghiệt một lần nữa buộc các nhà máy điện than phải hạn chế sản lượng, đồng thời cũng cản trở hoạt động của thủy điện. Tuy nhiên, lần này có một điểm khác biệt lớn so với thời gian trước: Trung Quốc đang vật lộn với mục tiêu trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2060 mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra trước đó.
Đối với quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới này, mục tiêu tham vọng trên đồng nghĩa các mỏ than phải sản xuất ít hơn, dẫn đến giá cao hơn, theo Yao Pei, trưởng phòng chiến lược của công ty môi giới Soochow Securities.
Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đang bị thiếu điện trầm trọng. Ảnh: Bloomberg.
Cú đấm có một không hai với kinh tế Trung Quốc
Thiếu điện có thể là "cú đấm" có một không hai đối với kinh tế Trung Quốc, khiến đà phục hồi mong manh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị chệch hướng, đồng thời gây thêm rắc rối cho các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn cũng đang chật vật. "Việc phải phân bổ điện chắc chắn gây tổn hại cho nền kinh tế", Yan Qin, chuyên gia phân tích của Refinitiv, nhận định.
Tình trạng thiếu điện có thể kéo giảm sản lượng ở hầu hết lĩnh vực, bao gồm cả ngành xây dựng và sản xuất quan trọng. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh nghiệp trong hoạt động trong các lĩnh vực này sử dụng gần 70% lượng điện của Trung Quốc vào năm ngoái và họ đều là động lực chính cho đà phục hồi vào năm 2021.
Chengde New Material, một trong những nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất của Trung Quốc, thông báo sẽ đóng cửa hoạt động trong hai ngày mỗi tuần cho đến khi điện không cần phải phân bổ nữa. Công ty dự kiến khối lượng sản xuất giảm 20%, tương đương 10.000 tấn thép mỗi tháng.
"Các công ty không hài lòng về điều này", Klaus Zenkel, Chủ tịch EuroCham ở Nam Trung Quốc, cho biết. Ông cho biết có đến 80 công ty thành viên bị ảnh hưởng bởi yêu cầu dừng hoạt động vài ngày trong tuần của chính phủ. Một số công ty thậm chí phải thuê máy phát điện chạy dầu diesel đắt tiền để duy trì hoạt động.
Chính sách phân bổ điện tại nơi sản xuất kim loại chính, Vân Nam, thậm chí khiến nguồn cung một số kim loại như nhôm và thiếc giảm mạnh, theo số liệu của chính phủ và các nghiên cứu độc lập.
Sản lượng giảm cộng với khả năng giao hàng chậm trễ có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu thêm căng thẳng.
Trong các tỉnh thiếu điện, Quảng Đông là trung tâm sản xuất chiếm 1/4 kim ngạch giao thương của Trung Quốc với các mặt hàng chính như quần áo, đồ chơi và đồ điện tử. Chưa kể, các cảng container từng rất nhộn nhịp ở Quảng Đông giờ lại đang bị tắc nghẽn vì dịch bùng phát. Việc tồn đọng hàng hóa có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt hàng hóa cho mùa mua sắm lễ hội cuối năm và phải mất nhiều tháng để giải quyết.
Nhu cầu cao và thời tiết khắc nghiệt
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang thiếu điện do nhiều nguyên nhân, từ nhu cầu năng lượng cao đến thời tiết khắc nghiệt.
Kế hoạch phục hồi kinh tế tập trung vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc sẽ sản sinh ra một lượng carbon khổng lồ, Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, cho hay. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, tiêu thụ điện ở Nam Trung Quốc đã vượt mức trước đại dịch, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019, theo nhà điều hành lưới điện China Southern Power Grid.
Than vẫn là nguyên liệu được sử dụng để tạo ra khoảng 60% lượng điện của Trung Quốc. Bắc Kinh đang rất cảnh giác bởi con số này có thể lên cao hơn. Quốc gia này đang cố gắng giảm tiêu thụ than để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2060.
Tuy nhiên, khi than bị hạn chế sử dụng thị lại sinh ra sự thèm khát năng lượng bởi Trung Quốc đang trong quá trình trẻ hóa nền kinh tế. Điều này khiến căng thẳng giữa cung và cầu càng thêm căng thẳng. Thời tiết nắng nóng bất thường ở một số khu vực khiến nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh do người dân tăng dùng điều hòa và tủ lạnh.
Vấn đề mà ngành năng lượng Trung Quốc phải đối mặt là làm thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng vừa đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, hoạt động sản xuất năng lượng lại gặp trở ngại lớn, đặc biệt là thủy điện, do hạn hán. Nơi sản xuất thủy điện lớn, Vân Nam, đang gặp khó trong việc duy trì được lượng nước cần thiết ở các hồ chứa, theo Myllyvirta.
Với nhiệt điện, một cuộc kiểm tra an toàn trên phạm vi toàn quốc trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc đã dẫn tới việc hàng loạt mỏ than bị đình chỉ hoạt động, khiến tình trạng thiếu than thêm trầm trọng.
Trung Quốc cũng đang chật vật để nhập khẩu nguồn cung từ nước ngoài. Ông Henning Gloystein của Eurasia cho biết giá nhập khẩu than đã tăng hơn hai lần trong năm ngoái. Căng thẳng thương mại với Australia, nước cung ứng gần 60% lượng than cho Trung Quốc, khiến nguồn cung nguyên liệu này càng thêm hạn hẹp. Kể từ đó, họ nhập nhiều than hơn từ Indonesia và Nam Phi nhưng vẫn không đủ. Chưa kể rất khó để có thêm nguồn cung trong thời gian ngắn từ những nơi như Indonesia.
Tình trạng thiếu điện sẽ còn tiếp diễn
Trung Quốc có khả năng vẫn thiếu điện trong ít nhất vài tháng tới, đặc biệt khi nhu cầu còn cao trong những tháng mùa hè nóng bức. Ông Qin của Refinitiv cho rằng nguy cơ miền nam và miền trung Trung Quốc sẽ cần tiếp tục phân bổ điện là rất lớn, đặc biệt nếu thời tiết nóng hơn bình thường.
Chính phủ có một số lựa chọn khác để giải quyết tình trạng thiếu điện. Ông Gloystein gợi ý Trung Quốc có thể dỡ bỏ các rào cản đối với than Australia, mặc dù lựa chọn này có thể khiến Bắc Kinh rơi vào thế yếu hơn trong đối đầu thương mại.
Các nhà chức trách cũng có thể đưa ra mục tiêu khí hậu nhẹ nhàng hơn vì như vậy ho có thể tái hoạt động các nhà máy điện từng bị đóng cửa trước đó.
Thiếu điện vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi quốc gia này đã cam kết kiểm soát năng lượng bẩn và đang cố gắng tăng cường sử dụng các nguồn tái tạo, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù Trung Quốc đang phát triển rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo, song tất cả đều chưa ổn định.
“Vấn đề mà ngành năng lượng Trung Quốc phải đối mặt là làm thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng vừa đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon”, ông Qin nói.
Xem thêm: nhc.76195055130701202-ohk-pag-gnuc-ioig-eht-gnort-mart-neid-ueiht-couq-gnurt/nv.fefac