Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các đại biểu tập trung ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề để đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu cho phù hợp. Với tinh thần là càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải phát huy dân chủ, giữ nguyên tắc, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe cả những ý kiến phản biện trái chiều, trên cơ sở đó căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay đưa ra được những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, để tổ chức thực hiện sao cho có hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương nắm rõ tinh thần 5 thật: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để đánh giá toàn bộ tình hình 6 tháng vừa qua, những cái được, chưa được. Tinh thần là không báo cáo, giải thích, mà tập trung vào báo cáo của Chính phủ, để Chính phủ cùng với các địa phương cụ thể hóa các chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện làm sao cho có hiệu quả trong những tháng tới đây.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các tỉnh đã có kinh nghiệm thì phổ biến cho cả nước; các bộ, các ngành cần khiêm tốn lắng nghe và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiếp tục cùng các địa phương tổ chức thực hiện thật tốt. Cần đề xuất vướng mắc, cần tháo gỡ, nhất là về mặt thể chế.
Tinh thần của Chính phủ là những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của các bộ, ngành là phải giải quyết ngay, tháo gỡ ngay, còn những gì không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của các bộ, ngành thì tập hợp nhanh chóng để đề xuất với các cấp có thẩm quyền, giải quyết; nếu quy định, quy chế chưa có, hoặc luật, quy định, quy chế vượt qua thực tiễn thì phải bổ sung, hoàn thiện, sửa đổi. Các bộ, ngành giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các địa phương, với tinh thần 3 không: không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
Sau khi nghe dự thảo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi đánh giá về những kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế cần khắc phục và những bài học kinh nghiệm.
Đa số đại biểu các tỉnh đồng tình với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao việc thực hiện mục tiêu kép của chính phủ trong thời gian qua. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay việc tăng trưởng kinh tế của cả nước như vậy là rất tốt: “Vĩnh Phúc đồng tình và nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ trình bày riêng quý I năm 2021. Theo báo cáo của Chính phủ tăng trưởng 6,61 % là rất ấn tượng, cho thấy những thành quả của Chính phủ và hệ thống chính trị trong việc theo đuổi mục tiêu kép. Điều này cũng cho thấy sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh như vậy là rất tốt”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, sự điều hành của Chính phủ thời gian qua đã tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, khối đại đoàn kết thì được tăng cường.
“Kinh tế của cả nước vẫn tăng trưởng 5,64%, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. An sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, đặc biệt là vào niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước được nâng lên; khối đại đoàn kết được tăng cường.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều cách làm rất quyết liệt, như là ba không, năm thật, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương, đang tập trung để tháo gỡ về thể chế trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Đối với địa phương, chúng tôi thấy đây là những điều thiết thực; nếu như các thể chế, những vướng mắc, rào cản được tháo gỡ thì sẽ huy động nguồn lực đầu tư phát triển”, ông Dương Văn Thái nói.
Sau khi nghe các ý kiến của các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp: "Chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội. Các cân đối lớn vẫn đảm bảo, kinh tế tăng trưởng 5,64%, thu ngân sách 58,2%. An sinh xã hội, dù trong điều kiện khó khăn nhưng các địa phương vẫn giải quyết theo thẩm quyền, không để người dân nào ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo thiếu ăn, thiếu mặc. Thành quả đạt được góp phần tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước".
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần phải thẳng thắn với những hạn chế, bất cập. Kinh tế tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là ODA.
Dịch bệnh tại một số địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp. Thủ tướng chỉ ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm như còn một số địa phương, cơ quan đơn vị, một bộ phận nhân dân lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch bệnh và khi dịch bệnh đi qua. Ngược lại, có khuynh hướng mất bản lĩnh, lúng túng khi có dịch, đưa ra biện pháp không phù hợp, thiếu hiệu quả và cực đoan.
Một số lãnh đạo ở các địa phương chưa quyết tâm cao, chưa nỗ lực lớn, có hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm. Phải tự soi, tự sửa, nhìn lại quá trình lãnh đạo để rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Phân cấp phân quyền vẫn chưa triệt để, tập trung nhiều ở Trung ương, gây ách tắc, còn nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục rườm rà, trách nhiệm thì không rõ ràng. Đặc biệt trong tình hình này, phải phân cấp phân quyền, phát huy tích cực, sáng tạo.
Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách còn lúng túng, chưa quyết liệt. Các cấp, ngành, địa phương phải rà soát vướng mắc từ cơ chế chính sách, từ thực tiễn địa phương đơn vị mình phải tìm ra để tháo gỡ. Chưa huy động được nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp, trong xã hội một cách hiệu quả trong khi dư địa còn rất nhiều. Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép và 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%.
Xem thêm: /233846-et-hnik-gnourt-gnat-nab-hcik-2-av-pek-ueit-cum-neih-cuht-irt-neiK/us-ioht/nv.moc.dnac