vĐồng tin tức tài chính 365

Nhận định chứng khoán tuần từ 5 - 9/7: Tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn có thể khó khăn hơn

2021-07-03 17:51

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập đỉnh lịch sử trong tuần qua (từ 28/6 - 2/7), cùng thanh khoản duy trì ở mức cao và khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong nửa đầu năm. Diễn biến tích cực này cùng thông tin tuần tới (từ 5- 9/7), HOSE chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới do Công ty cổ phần Chứng khoán FPT cung cấp là yếu tố hỗ trợ thị trường. Dù vậy, giới phân tích từ các công ty chứng khoán vẫn có nhận định không mấy khả quan về xu hướng thị trường tuần tới và cho rằng, việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn đã trở nên khó khăn hơn.

Kết quả kinh doanh quý II chi phối diễn biến thị trường

Ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tuần tới, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có biến động giằng co trong biên độ hẹp, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

Về mặt xu hướng, nếu bứt phá thành công qua vùng kháng cự 1.405-1.420 điểm, VN-Index nhiều khả năng sẽ hướng đến vùng kháng cự mạnh tiếp theo nằm tại 1.455-1.480 điểm trong ngắn hạn. Thông tin kết quả kinh doanh quý II/2021 sẽ là yếu tố chính chi phối diễn biến thị trường trong giai đoạn này.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SHS), thị trường có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp với thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 tuần cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường. Dù vậy, độ rộng thị trường cũng không thực sự tốt với việc số mã giảm giá cao hơn số mã tăng giá trong hầu hết các phiên giao dịch.

Việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đang trở nên khó khăn hơn. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index có kháng cự mạnh trong sóng tăng lần này quanh ngưỡng 1.420 điểm.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục theo dõi giao dịch trong tuần tới khi hệ thống mới của HOSE được đưa vào vận hành, để có thể xác định xu hướng tiếp theo của thị trường.

Nhận định về diễn biến thị trường tuần tới, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho biết, về kỹ thuật, VN-Index tiếp tục tăng điểm và vượt qua ngưỡng kháng cự 1.420 điểm. Tuy nhiên, sự phân hóa đã gia tăng trên thị trường cùng sự giằng co giữa bên mua và bên bán. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ xuất hiện trạng thái giằng co và tích lũy trong vùng 1.420 - 1.430 điểm trong một vài phiên. Nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên duy trì danh mục hiện tại và tăng cường quản trị rủi ro.

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, dòng tiền là yếu tố tạo sự khác biệt trong phiên cuối tuần (2/7), chỉ số tăng điểm và tâm lý nhà đầu tư cũng hứng khởi.

Dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng, nhóm này đóng góp tới 1/2 số điểm tăng của thị trường trong phiên cuối tuần. Rủi ro lúc này là khả năng điều chỉnh của các thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra cũng không đáng ngại vì đó cũng là cơ hội để mở thêm vị thế mua mới, MBS khuyến nghị.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 30,15 điểm lên 1.420,27 điểm; HNX-Index tăng 9,79 điểm lên 328,01 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với tuần trước, trung bình khoảng 26.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 13,1% lên 117.364 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 8% lên 16.039 tỷ đồng.

Thực tế, phần lớn các nhóm cổ phiếu chính đều tăng trưởng trong tuần qua. Theo thống kê của SHS, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 7,2% giá trị vốn hóa, chủ yếu do mức tăng của các trụ cột như: FPT tăng 7,9%, CMG tăng 6,8%.

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 4,2% giá trị vốn hóa. Các mã tăng tiêu biểu như: VJC tăng 4,1%, HVN tăng 0,6%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 3,1% giá trị vốn hóa, nhờ vào các mã trụ cột: VCB tăng 2%, BID tăng 3,3%, TCB tăng 5,2%, VPB tăng 5,7%, SHB tăng 7%.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng 2,9% giá trị vốn hóa do đà tăng mạnh của các mã lớn như: HSG tăng 2,7%, HPG tăng 3,2%, DPM tăng 4,2%, NKG tăng 10,7%.

Nhóm cổ phiếu ngành tài chính tăng 2,2%, nhờ sự tích cực từ VHM tăng 5,3%, VND tăng 7,6%, SSI tăng 7,8%, SHS tăng 9%, VCI tăng 9,7%, HCM tăng 12,7%.

Nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng tăng 1,3% giá trị vốn hóa và nhóm tiện ích cộng đồng tăng 1% giá trị vốn hóa trong tuần qua.

Điểm tích cực nữa là khối ngoại đã có tuần (từ 28/6 - 2/7) mua ròng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2021, với tổng giá trị lên tới gần 3.300 tỷ đồng,

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam thuận lợi lập các mốc cao lịch sử trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới cũng diễn biến rất tích cực; trong đó chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục.

Chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục

Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 2/7 đã lập các mức cao kỷ lục mới, với chỉ số tổng hợp S&P 500 lập kỷ lục phiên thứ bảy liên tiếp. Diễn biến này đánh dấu giai đoạn tăng điểm cao kỷ lục dài nhất kể từ năm 1997, sau báo cáo việc làm tích cực hơn dự kiến.

Cả ba chỉ số đều ở các mức cao kỷ lục mới của mọi thời đại, với chỉ số công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên chốt phiên kỷ lục kể từ tháng Năm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,4% lên 34.786,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 4.352,34 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,8% lên 14.639,33 điểm. Trong cả tuần, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng tương ứng 1%, 1,7% và 1,9%.

Tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán cũng lên điểm trong phiên cuối tuần qua 2/7.

Các thị trường Tokyo, Sydney, Singapore, Wellington, Manila, Mumbai và Jakarta đều tăng. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,27% lên 28.783,28 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,8%, hay 517,53 điểm, xuống 28.310,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,95%, hay 70,02 điểm, xuống 3.518,76 điểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.48291006130701202-noh-nahk-ohk-eht-oc-nah-nagn-nauhn-iol-meik-mit-7-9-5-ut-naut-naohk-gnuhc-hnid-nahn/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhận định chứng khoán tuần từ 5 - 9/7: Tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn có thể khó khăn hơn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools