Một đặc trưng của virus, bao gồm cả SARS-CoV-2, là chúng luôn đột biến và đột biến rất nhanh. Cứ sau một lần phân chia, virus lại tích lũy được những thay đổi trên bộ gen của chúng. Mặc dù hầu hết các thay đổi di truyền này là vô hại, nhưng vẫn có một số đột biến có thể khiến virus trở nên nguy hiểm hơn, lây nhiễm nhanh hơn hoặc có khả năng trốn tránh các cơ chế miễn dịch.
Các biến thể mạnh lên của virus vì vậy có thể cạnh tranh với các chủng virus cũ, sau đó trở thành nguồn lây nhiễm chính trong cộng đồng. Đối với COVID-19, kể từ đầu đại dịch tới nay các nhà khoa học đã xác định được rất nhiều biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm.
Đáng lo ngại nhất cho đến nay là biến thể Delta. Mới được xác định lần đầu vào tháng 10 năm ngoái ở Ấn Độ, nhưng tới nay đã xuất hiện ở gần 100 quốc gia dẫn đến sự gia tăng số ca bệnh và số ca nhập viện, đặc biệt là ở những khu vực chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao.
Bài viết này sẽ tóm tắt cho bạn toàn bộ những thông tin xung quanh những biến thể COVID-19, sự hiệu quả của vắc-xin đối với chúng và cách phản ứng của chúng ta.
1. Biến thể là gì?
Trong quá trình nhân lên, virus thường trải qua những thay đổi di truyền có thể tạo ra thứ được gọi là biến thể.
Trong đó, một số đột biến làm suy yếu virus, những đột biến khác có thể mang lại cho virus lợi thế sinh sôi nảy nở. Nếu những thay đổi di truyền tạo ra được một phiên bản virus có các đặc điểm vật lý khác biệt rõ ràng so với chủng gốc ban đầu, biến thể đó có thể được gọi là một chủng mới.
Một biến thể có những thay đổi đáng kể so với virus tổ tiên của nó có thể được xác định là một dòng mới, hoặc một nhánh trên cây phả hệ tiến hóa. Tuy nhiên, trong các diễn ngôn đại chúng, các thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau.
2. Những biến thể đáng lo ngại nhất
Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng thuật ngữ "biến đáng lo ngại" để biểu thị các chủng SARS-CoV-2 đang làm gia tăng rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. Họ sử dụng thuật ngữ "biến thể mới nổi cần quan tâm" cho những biến thể cần phải được giám sát chặt chẽ vì nguy cơ tiềm ẩn mà chúng gây ra đang tăng lên.
Các biến thể bây giờ được gọi tên bằng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp để nhận dạng. Tính đến hiện tại, WHO đã xác định được 4 biến thể đáng lo ngại của SARS-CoV-2 và 7 biến thể mới nổi cần quan tâm. Dưới đây là danh tính cụ thể của chúng:
Alpha
Biến thể này xuất hiện ở Anh vào tháng 9 năm 2020, sau đó, đã tạo ra một đợt bùng phát mạnh vào mùa đông khiến Vương quốc Anh phải ra lệnh tái phong tỏa hồi tháng 1. Các quốc gia khác đặc biệt là ở Châu Âu kế đó cũng việc áp dụng lại các lệnh hạn chế di chuyển. Alpha đã trở thành biến thể chủng virus thống trị ở Mỹ từ đầu tháng 4 và đã được báo cáo ở ít nhất 172 quốc gia, theo WHO.
Beta
Biến thể này xuất hiện ở Nam Phi vào tháng 8 năm 2020. Nó cũng đã dẫn đến sự tăng mạnh số lượng các ca nhiễm COVID-19 ở miền nam Châu Phi, sau đó đã được báo cáo ở ít nhất 120 quốc gia.
Gamma
Biến thể này lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Manaus, Brazil vào tháng 12 năm 2020. Nó đã góp phần gây ra làn sóng lây nhiễm và tử vong lớn ở Brazil, làm quá tải hệ thống y tế của đất nước này và dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Cho tới nay, biến thể Gamma đã được báo cáo ở ít nhất 72 quốc gia.
Delta
Biến thể này xuất hiện ở Ấn Độ đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng y tế vô cùng trầm trọng ở quốc gia Nam Á. Các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân COVID-19, lò hỏa táng bị quá tải và thi thể bệnh nhân chất đầy vỉa hè. Kể từ khi nó được phát hiện, biến thể Delta đã lây lan tới ít nhất 96 quốc gia.
Các nhà nghiên cứu từ WHO, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới và Đại học Hoàng gia London cho biết biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao hơn 55% so với biến thể Alpha. Họ dự đoán lợi thế này sẽ biến Delta trở thành chủng virus thống trị đại dịch toàn cầu trong những tháng tới.
R0: Con số đánh giá một người nhiễm virus có thể lây truyền cho trung bình bao nhiêu người khác của các biến thể SARS-CoV-2 so với chủng ban đầu ở Vũ Hán
Cơ quan Y tế công cộng Anh cho biết biến thể Delta gây ra nguy cơ nhập viện cao hơn so với Alpha. Các bằng chứng khác cho thấy Delta có xu hướng né tránh các phương pháp điều trị dựa trên kháng thể và nó có khả năng làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã bình phục COVID-19 do một chủng khác gây ra.
3. Các biến thể virus ảnh hưởng đến vắc-xin như thế nào?
Các nhà khoa học hiện chú ý nhất đến các đột biến trong gen mã hóa protein gai của virus, thứ giúp SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào và là mục tiêu của vắc-xin COVID-19. Bốn biến thể đáng lo ngại hiện nay đều mang nhiều đột biến ảnh hưởng đến protein gai của chúng.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Liệu những người đã tiêm vắc-xin có khả năng miễn nhiễm đến đâu với các biến chủng mới này?
Trong một nghiên cứu hồi tháng 5, các nhà khoa học tại Đại học Florida phát hiện biến thể Alpha có thể khiến hiệu quả của các loại vắc-xin COVID-19 đang được triển khai trên quy mô toàn cầu suy giảm "một chút" so với khả năng chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu. Trong khi các biến thể Beta và Gamma sẽ khiến hiệu quả của vắc-xin thấp đi đáng kể.
Đối với chủng Delta, dữ liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho thấy vắc-xin kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa các ca bệnh có triệu chứng so với chủng Alpha, đặc biệt là khi mới tiêm một liều.
Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng 2 liều vắc-xin vẫn có thể bảo vệ bạn khỏi nhiễm COVID-19 với các triệu chứng nghiêm trọng.
4. Liệu có một loại vắc-xin nào tốt hơn hẳn các loại khác hay không?
Hiện không có thử nghiệm lâm sàng nào so sánh trực tiếp khả năng bảo vệ của các loại vắc-xin khác nhau trong việc chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu, chứ chưa nói đến các biến thể của nó. Tuy nhiên, các dữ liệu mới cho thấy vẫn có sự khác biệt trong hiệu quả của các loại vắc-xin.
Nghiên cứu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh dựa trên hồ sơ bệnh nhân cho thấy 2 liều vắc-xin AstraZeneca kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa COVID-19 do biến thể Delta gây ra, trong so sánh với 2 liều vắc-xin do Pfizer và đối tác BioNTech sản xuất.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh cũng phát hiện một liều Pfizer-BioNTech duy nhất đã làm tốt hơn vắc-xin AstraZeneca trong việc bảo vệ người tiêm khỏi nhập viện, nếu họ không may vẫn nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, hiệu quả sau 2 liều của 2 loại vắc-xin này là tương đương nhau.
Kết quả này một lần nữa được đối chiếu và đúng với những gì mà các nhà nghiên cứu tại Viện Francis Crick ở London công bố trên tạp chí The Lancet vào ngày 28 tháng 6. Trong đó, họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của liều vắc-xin thứ hai giúp tăng cường khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta.
Thậm chí, các nhà nghiên cứu gợi ý có thể cần tiêm thêm liều vắc-xin thứ ba trên các nhóm nhạy cảm, chẳng hạn như những người nhận cấy ghép nội tạng.
5. Chúng ta có thể tiêm mũi 1 là một loại vắc-xin và mũi 2 là một loại vắc-xin khác hay không?
Câu trả lời nhiều khả năng là: Có!
Điều này đã được thực hiện một cách hạn chế cho các trường hợp lo ngại vắc-xin của AstraZeneca gây ra hiện tượng đông máu hiếm gặp. Một số nghiên cứu nhỏ chưa được bình duyệt gợi ý rằng việc sử dụng một liều vắc-xin COVID-19 của hãng này, sau đó tiêm liều thứ hai từ một hãng khác thậm chí cho hiệu quả bảo vệ cao hơn so với tiêm hai liều của cùng một hãng.
Các nghiên cứu khác vẫn đang được tiến hành để đánh giá việc pha trộn vắc-xin. Theo WHO, những thử nghiệm như vậy có thể hữu ích trong việc tối ưu hóa việc triển khai các chế phẩm có sẵn.
6. Có những biến thể đáng lo ngại khác không?
Các biến thể Delta mới đã được báo cáo ở một số quốc gia bao gồm Ấn Độ, Vương quốc Anh và Việt Nam. Một chủng chứa đột biến K417N - được gọi là "delta-plus" ở Ấn Độ - đã xuất hiện và gây ra một số lo ngại, bởi các đột biến này cũng từng xuất hiện trên chủng Beta liên quan đến việc làm tăng nguy cơ tái nhiễm.
Nhưng cho đến cuối tháng 6, các nhà nghiên cứu tại Vương quốc Anh cho biết vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy đột biến bổ sung này gây ra sự lo ngại lớn. Trước đó, WHO đã nhấn mạnh một thực tế là trong tương lai có thể còn xuất hiện nhiều biến chủng virus hơn nữa, khi COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan.
7. Các hãng dược phẩm đang làm gì?
Giáo sư Sarah Gilbert tại Đại học Oxford, một trong những nhà nghiên cứu chế tạo vắc-xin AstraZeneca, nói với BBC: "Những nỗ lực đang được tiến hành để phát triển một thế hệ vắc-xin mới cho phép chuyển hướng bảo vệ sang các biến thể mới nổi. Nó sẽ xuất hiện dưới dạng một mũi tiêm tăng cường nếu thực tế cho thấy chúng ta cần phải làm điều đó".
Việc cần phải tinh chỉnh vắc-xin và tiêm nhắc lại hàng năm không phải chưa từng xảy ra. Đó là điều mà chúng ta vẫn luôn làm với bệnh cúm. Nhưng khác với virus cúm, SARS-CoV-2 có tốc độ đột biến chậm hơn, do chúng có một cơ chế tự sửa chữa di truyền để giảm thiểu thay đổi trong RNA.
Hiện vẫn chưa rõ nếu có các mũi tiêm nhắc lại, chúng ta cần tiêm chúng mỗi năm một lần, mỗi hai năm hay lâu hơn.
8. Còn vấn đề nào chúng ta cần quan tâm nữa không?
Có, các câu hỏi hiện vẫn đang được đặt ra với phương pháp điều trị, chẩn đoán và sự lây lan của SARS-CoV-2 trên động vật.
ĐIỀU TRỊ: Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi đã phát hiện một số kháng thể đang được phát triển để điều trị COVID-19, trên lý thuyết, có thể không còn hiệu quả đối với biến thể Beta.
Nhưng các nghiên cứu tại Đại học Columbia hỗ trợ thử nghiệm của Regeneron Pharmaceuticals cho thấy rằng một loại cocktail kháng thể của họ từng được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Hoa Kỳ và được sử dụng cho Tổng thống Donald Trump khi đó, có hiệu quả trong việc vô hiệu hóa biến thể Beta cũng như Alpha.
Các nhà sản xuất thuốc đang sử dụng kết hợp các kháng thể để nhắm vào nhiều đặc điểm riêng biệt của virus, làm giảm khả năng virus có thể kháng lại điều trị từ phương pháp sử dụng đơn kháng thể.
CHẨN ĐOÁN: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết các biến thể SARS-CoV-2 mới có thể làm suy yếu hiệu suất của một số xét nghiệm chẩn đoán sử dụng quy trình gọi là phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR).
Một nghiên cứu của Đức cho thấy các xét nghiệm kháng nguyên nhanh - rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn nhưng có độ nhạy thấp hơn - cho hiệu suất tương đương trong việc phát hiện các biến thể Alpha và Beta so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.
LÂY NHIỄM ĐỘNG VẬT: Các nhà nghiên cứu tại Viện Pasteur của Pháp đã chỉ ra các biến thể Beta và Gamma có khả năng lây nhiễm cho chuột trong phòng thí nghiệm và nhân lên với nồng độ cao trong phổi của chúng - một kỳ tích mà các chủng virus trước đó không thể làm được.
Điều này làm tăng khả năng chuột hoặc các loài gặm nhấm khác sống gần con người sẽ trở thành ổ chứa SARS-CoV-2, gây ra khả năng lây lan trở lại cộng đồng ở những vùng có biến thể lưu hành.
Tham khảo Bloomberg