Đang có nhiều ý kiến khác nhau khi phân tích về động lực tạo ra những nhịp tăng bứt phá trên thị trường chứng khoán giúp cho chỉ số VN-Index liên tục vượt qua các ngưỡng kháng cự quan trọng và tạo ra các đỉnh mới.
Vượt 2 ngưỡng kháng cự mạnh cách nhau hơn 1 tháng
Phiên giao dịch ngày 25.5, chỉ số VN-Index chính thức vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm với mức tăng hơn 10 điểm trong phiên này. Đây là môt phiên tăng vượt ngưỡng nằm trong nhịp tăng mạnh liên tục 6 phiên liên tiếp trên sàn HoSE.
Hơn 1 tháng sau, vào phiên giao dịch ngày 28.6, VN-Index tiếp tục có một phiên vượt ngưỡng kháng cự 1.400 điểm với mức tăng hơn 15 điểm trong phiên này, nằm trong nhịp 4 phiên tăng liên tục.
Một điểm chung của 2 phiên tăng vượt ngưỡng kháng cự mạnh dù cách nhau hơn 1 tháng chính là dòng tiền. Phiên ngày 25.5 sàn HoSE đạt tổng thanh khoản hơn 21.246 tỉ đồng. Còn phiên ngày 28.6, thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 23.192 tỉ đồng.
Nhìn chung, dòng tiền tham gia tích cực vào thị trường đã góp phần quan trọng tạo nên động lực tăng điểm của VN-Index trong thời gian qua. Trong đó, số nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản chứng khoán, còn được gọi là các F0, đã được hãng tin Bloomberg đánh giá là đã góp phần tạo ra sự tăng trưởng ấn tượng cho thị trường chứng khoán Việt Nam ở tốp đầu thế giới.
Dòng tiền từ đâu?
Trên thực tế, thanh khoản hơn 21.246 tỉ đồng của phiên vượt ngưỡng 1.300 điểm và hơn 21.246 tỉ đồng trong phiên vượt ngưỡng 1.400 điểm của VN-Index không phải là mức thanh khoản lớn nhất trong thời gian qua.
Kỉ lục thanh khoản trên sàn HoSE rơi vào các phiên ngày 3-4.6 và 7-8.6, trong đó có những phiên thanh khoản đạt từ mức trên 28.000 tỉ đồng đến trên 31.000 tỉ đồng.
Mới đây, trong một cuộc tọa đàm liên quan về thị trường chứng khoán, giám đốc một quĩ đầu tư cho rằng dòng tiền trên thị trường đến từ 3 nguồn chính là nhà đầu tư ngoại, các quĩ ETF và nhà đầu tư mới tham gia thị trường hay còn gọi là F0. Và cũng theo vị giám đốc này, dòng tiền từ F0 có phải từ tiền túi hay không cần xem xét thêm.
Theo đó, tính đến cuối quí 1/2021 lượng tiền F0 đưa vào thị trường khoảng 85.000 tỉ đồng, chỉ tăng hơn 4,2% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong khi đó, tính đến hết quí 1/2021, dư nợ vay giao dịch kí quĩ (margin) tại các công ty chứng khoán khoảng 101.000 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kì và tăng hơn 25% so với quí 4/2020.
Tuy nhiên, lí giải này chưa đủ cơ sở khẳng định rằng động lực chính trên thị trường chứng khoán đến từ lượng tiền margin.
Thứ nhất, theo biểu đồ phân tích nguồn dữ liệu từ FiinPro, trong nhiều tháng qua giá trị giao dịch trên HoSE từ nhà đầu tư cá nhân trong nước luôn chiếm trên 80%.
Thứ hai, các nhà đầu tư F0 “chân ướt chân ráo” thường ngại, nhát vay tiền để chơi chứng khoán, thay vào đó chủ yếu họ dùng tiền túi tự có, hoặc chuyển từ tài khoản tiết kiệm ngân hàng sang, hay tiền nhàn rỗi trong kinh doanh…
Thứ ba, điều kiện vay margin tại hầu hết các công ty chứng khoán theo tỉ lệ cao nhất là 100% vốn – 100% vay. Có nghĩa là nhà đầu tư bỏ vào 100 đồng thì được vay tối đa 100 đồng. Tuy nhiên, các danh mục cho vay margin có tỉ lệ không nhỏ các cổ phiếu chỉ được cho vay 80%, 70%, 50% hoặc thấp hơn. Như vậy, nếu dư nợ cho vay margin 101.000 tỉ đồng thì tiền túi nhà đầu tư đổ vào chứng khoán chắc chắn phải lớn hơn con số này.
Tất nhiên có một yếu tố rất quan trọng là, trong các nhịp thị trường bước vào sóng tăng điểm, các nhà đầu tư mạnh dạn vay margin để giải ngân giúp tạo ra xung lực tác động trực tiếp thúc đẩy thị trường bùng nổ.
Xem thêm: odl.009629-yav-neit-yah-iut-neit-naohk-gnuhc-gnourt-iht-yad-cuht-hnihc-cul-gnod/et-hnik/nv.gnodoal