Thí sinh của Trường THPT Trưng Vương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại điểm xét nghiệm Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM sáng 3-7 - Ảnh: QuANG ĐỊNH
Việc lấy mẫu diễn ra tại 155 địa điểm, được phân luồng như khi thí sinh đi thi. Do đó, đây cũng được xem là bước tổng dợt cho kỳ thi chính thức diễn ra vào ngày 7 và 8-7 theo lịch chung của Bộ GD-ĐT.
8 hàng cách biệt
7h sáng, Trường tiểu học Thiên Hộ Dương (Q.10, TP.HCM) đón nhiều thí sinh đến lấy mẫu xét nghiệm. Khoảng sân rộng của trường được chia thành nhiều khu khác nhau để đảm bảo tiêu chuẩn giãn cách.
Từ cổng vào, thí sinh được đo thân nhiệt, rửa tay, rồi đến nơi làm thủ tục khai báo y tế, điền thông tin. Ở khâu này, các bạn được phân thành tám hàng cách biệt, mỗi hàng tương ứng với các thí sinh của 3 - 4 phòng thi. Điều này hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ khi cung cấp thông tin.
Kế đó, thí sinh di chuyển vào lấy mẫu, tiếp tục theo đường đã vạch sẵn đến nơi lấy giấy xác nhận đã được xét nghiệm rồi ra về ngay.
Theo đại diện đơn vị lấy mẫu tại Trường tiểu học Thiên Hộ Dương, các khu trên sân trường được sắp xếp khéo léo để từ khi vào đến lúc ra thí sinh đi một mạch theo một chiều, tạo sự thông thoáng. Toàn bộ quá trình lấy mẫu không quá 15 phút, tính cả thời gian chờ đợi.
Tương tự tại điểm lấy mẫu ở Trường mầm non 9 (Q.5, TP.HCM), thí sinh sẽ theo một đường thẳng từ cổng trên đường Nguyễn Duy Dương ra đến cổng trên đường An Dương Vương là xong tất cả thủ tục.
Công an khu vực tận dụng một phần của đường Nguyễn Duy Dương phía trước trường làm điểm chờ cho các thí sinh. Lực lượng này cũng góp phần đảm bảo cho không gian bên ngoài, tránh phụ huynh và học sinh tụ tập đông người.
Tại Trường tiểu học Bắc Hải (Q.10, TP.HCM), khu vực trước cổng trường cũng được đảm bảo thông thoáng. Người nhà đi cùng thí sinh sẽ chờ bên ngoài và đều tự giác đứng cách nhau một khoảng 2m.
Được biết, Trường tiểu học Bắc Hải là nơi lấy mẫu cho khoảng 500 thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM). Theo ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng, sự phân chia này nhằm đảm bảo nơi lấy mẫu không trùng với điểm thi để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Còn tại Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM), việc lấy mẫu cho thí sinh và giáo viên diễn ra trật tự, theo từng người, khoảng cách. Một tốp gồm 10 người, phân chia từng nhóm thí sinh cụ thể, từng thời gian khác nhau. Ông Lý Văn Huệ - hiệu trưởng - cho biết trường đã vận động 15 giáo viên cho hai buổi sáng, chiều.
"Chúng tôi sắp xếp một tốp đi vào lấy mẫu gồm 10 người, mất khoảng 10 - 15 phút. Giáo viên của trường sẽ dùng loa để đọc tên từng người trong tốp theo phiếu đã điền trước đó. Tất cả giáo viên của trường được huy động để hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm.
Mỗi buổi sáng, chiều gồm 15 giáo viên. Chiều qua giáo viên được tập huấn, thực hiện "tiền trạm" trước để điều phối sao cho hôm nay làm nhanh, gọn, đảm bảo an toàn", ông Huệ nói.
Khai báo y tế trước qua Zalo
Đến lấy mẫu từ sớm, Thảo Nguyên - học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) - chia sẻ không quá lo ngại nguy cơ lây nhiễm bởi quy trình rất nhanh và được thực hiện gọn gàng. Mỗi thí sinh đã chuẩn bị khai báo y tế từ trước qua phần mềm Zalo, đến nơi chỉ cần xác nhận một số thông tin cá nhân là vào lấy mẫu.
Bản thân từng thí sinh cũng tự giác tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang, rửa tay, đứng giãn cách nên theo Thảo Nguyên, mức an toàn có thể được đảm bảo.
Trong khi đó, Huỳnh Gia Bảo - học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) - cho biết dù thời gian đầu giãn cách có đôi chút lo lắng nhưng đến nay đã thấy thoải mái hơn. Với Gia Bảo, dịch bệnh không làm gián đoạn nhiều đến quá trình ôn tập bởi trước nay bạn vẫn xem việc tự học ở nhà là chính.
"Những ngày cuối mình cũng sẽ để tâm lý thoải mái, không lo nghĩ nhiều nữa, chỉ tập trung dành sức lực cho ngày thi quyết định" - Gia Bảo nói.
Đồng quan điểm, Lương Quang Huy Bảo - học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) - nói vui rằng việc đến lấy mẫu xét nghiệm với bạn cũng là cách để ra ngoài khuây khỏa đầu óc sau những ngày "trốn" dịch trong nhà.
"Mình cũng muốn thi đợt 1 cho xong luôn. Chứ ở nhà ôn tập hoài mà không biết tới bao giờ thi thì rất lê thê và mệt mỏi…" - Huy Bảo tâm sự.
Bạn Hoàng Hải - lớp 12CA2 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM) - cho biết lâu lắm bạn mới ra khỏi nhà và cứ nghĩ đông thí sinh thì chờ rất lâu.
"Tôi không nghĩ lấy mẫu nhanh chóng như vậy. Từ khi có lệnh giãn cách, hôm nay tôi mới ra khỏi nhà. Tôi ở nhà ôn thi trực tuyến để thi vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), lớp chất lượng cao ngành công nghệ thông tin" - Hoàng Hải chia sẻ.
Điểm lấy mẫu được chia làm 4 ca bắt đầu từ 7h30, mỗi ca buổi sáng là 1 giờ. Trần Quốc Tuấn (học sinh lớp 12A2 Trường THCS-THPT Đăng Khoa) cho biết: "Tôi nhận được thông tin thời gian và địa điểm xét nghiệm qua giáo viên chủ nhiệm. Mẹ đưa tôi đến sớm và đợi ở cổng. Tôi xin phiếu điền thông tin xét nghiệm và lên lầu 2 có phòng mát mẻ ngồi chờ đến ca mình thì di chuyển xuống. Quan sát thấy các bạn đi ra rất nhanh nên tôi an tâm đến lượt mình…".
Trong quá trình làm bài mà đeo khẩu trang hay đeo kính chống giọt bắn suốt sẽ hơi khó chịu. Tôi mong hội đồng thi, giám thị đừng quá cứng nhắc, khoảng đôi ba phút cho thí sinh được kéo khẩu trang ra rồi thả lỏng cơ thể để tiếp tục làm bài.
Mỹ Duyên (Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM)
Việc lấy mẫu xét nghiệm cho thí sinh sáng 3-7 cũng là đợt tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dự phòng thêm các tình huống
Từ thực tế việc lấy mẫu, một số phụ huynh cũng góp ý cho việc chuẩn bị kỳ thi sắp tới tốt hơn.
Ông Trần Trọng Thi (phụ huynh ở Q.3, TP.HCM) nói: "Phải dự phòng tình huống đầu vào giãn cách rất nghiêm ngặt nhưng đến khi trống đánh hết giờ làm bài thí sinh vẫn chưa được ra khỏi cổng, dồn ứ với lý do chờ giám thị thu xong bài thi.
Phụ huynh cũng ùn bên ngoài nhìn ngóng con chen lấn bên trong. Khung cảnh này trong hoàn cảnh bình thường không sao chứ dịch bệnh thì nên cẩn thận. Tôi mong từng điểm thi xử lý cách thí sinh ra về cũng giãn cách, an toàn, trật tự như lúc thí sinh vào cổng".
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Vy (Q. Tân Phú, TP.HCM), cần tính chuyện hàng trăm phụ huynh đón con cùng lúc. "Tôi thấy đợt lấy mẫu xét nghiệm phụ huynh không tập trung đông đưa rước con. Trước cổng trường những điểm lấy mẫu, khá ít phụ huynh đậu xe trên lề đợi con. Có lẽ một phần do lấy mẫu không bắt buộc thời gian cố định mà chỉ quy định khung giờ nên mọi người được thoải mái.
Tuy nhiên không chắc đến ngày thi chính thức cổng trường vẫn trống vắng như vậy. Cha mẹ nào cũng muốn đưa đón con để đảm bảo an toàn và tiếp sức cho con. Ngay cả tôi cũng có tâm lý này. Khi đó có thể hàng trăm phụ huynh sẽ đón con cùng một lúc".
Bà Vy nói thêm: "Vì vậy, tôi nghĩ các điểm thi cần có tính toán thật khéo léo không gian đậu xe của phụ huynh. Theo tôi, có thể chia nơi đậu xe theo từng nhóm phòng học của con, quy định mỗi bạn chỉ có 1 người đến đón, kết hợp cho thí sinh ra về lần lượt để giảm áp lực cho khu vực cổng trường, giảm rủi ro từ việc tập trung đông người".
Để con tự đi
Bà Nguyễn Mỹ Lệ (Q.Tân Phú, TP.HCM, phụ huynh có con sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1) tâm sự hôm 2-7 bà và chồng có bàn bạc ai sẽ là người đưa con đến lấy mẫu xét nghiệm trước kỳ thi nhưng cuối cùng đã thống nhất phương án: con sẽ tự đi. Gia đình cho rằng COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM, bớt một người ra đường cũng là bớt một rủi ro cho cộng đồng. Nếu phụ huynh nào cũng vì thương con mà chở đến nơi hóa ra lại khiến điểm lấy mẫu căng thẳng hơn.
Ngoài ra, theo bà Lệ, con đã 18 tuổi và có thể tập dần cách đương đầu với những bước ngoặt trọng đại trong cuộc đời mình. "Thi tốt nghiệp THPT là một bước ngoặt như vậy. Gia đình luôn ở sau lưng ủng hộ nhưng con cần tập tính tự lập dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có hay không có COVID-19. Vậy là vợ chồng tôi chốt lại, để con tự đi lấy mẫu để cho con nó lớn".
* PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên (trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM):
Nên ngủ đủ giấc
Dù thời điểm thi có sát nút, thí sinh nên ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng để giúp các em tỉnh táo và khỏe khoắn vào sáng ngày hôm sau. Về chế độ dinh dưỡng, thức ăn có thể ảnh hưởng lên cách thức cảm nhận hoặc suy nghĩ, khả năng tập trung, nên mỗi bữa ăn nên ăn vừa đủ no. Mỗi ngày ba bữa ăn và kèm theo bữa phụ; tránh bỏ bữa ăn sáng, chọn thực phẩm ít đường, thức ăn nhanh, đồ chiên xào.
Các em thường uống cà phê, nước tăng lực để học bài khuya nhưng điều đó không nên vì nó ảnh hưởng giấc ngủ, nhịp tim. Ngoài ra, thí sinh cũng cần lưu ý không nên học bài liên tục mà cứ 45 phút nghỉ giải lao, thư giãn 15 phút; uống đủ nước 1,5 - 2 lít/ngày; có những bài tập vận động cơ thể nhẹ nhàng vào thời gian phù hợp trong ngày.
* Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (giám đốc Trung tâm kỹ năng sống Ý tưởng Việt):
Tâm lý thoải mái để làm bài
Thí sinh cần lưu ý 4 điều. Thứ nhất, phải có tâm thế tốt, xuất phát từ việc chuẩn bị tốt kiến thức. Tiếp đến, hãy tự tin, đừng quá đặt nặng chuyện thắng thua mà quan trọng thắng chính bản thân mình. Và đừng nghĩ rằng cuộc thi là đích đến, là cánh cửa cuối cùng mà chỉ là bước ngoặt, thử thách để tâm lý được thoải mái mà làm bài tốt. Cuối cùng, các em cân bằng những cảm xúc và lịch trình sinh hoạt vì kỳ thi càng đến gần càng hồi hộp và căng thẳng. Tâm trạng thoải mái, mang nhiều nước uống và những dụng cụ thi chuẩn bị sớm sẽ giúp các em thi tốt hơn.
TTO - Theo tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, trong ngày 3-7 đã có 85.036/89.275 học sinh lớp 12 đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại 155 địa điểm do sở quy định, đạt tỉ lệ 95,26%.
Xem thêm: mth.97150831230701202-hcid-aum-auig-nol-iht-yk-ohc-toud-gnot-couc/nv.ertiout