Đoàn nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 175 tiến vào một con hẻm đã được cách ly ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn sau khi có ca F0 để lấy mẫu cho toàn bộ người dân ở đây
Lấy mẫu COVID-19 nguy hiểm, điều lo sợ nhất là họ tiếp xúc đầu tiên và trực tiếp với người nghi nhiễm. Tuy vậy, nhiều tháng nay họ vẫn ngày đêm, đội nắng đội mưa đến từng điểm lấy mẫu cộng đồng hoặc vào tận khu cách ly gõ cửa từng nhà để truy tìm F0.
Đến giờ họ không nhớ nổi mình đã đi lấy bao nhiêu mẫu và gặp bao nhiêu người, thậm chí nhiều lần đích thân họ lấy mẫu của những người sau đó có kết quả dương tính. Dù vậy, các nhân viên y tế không hề nao núng, bình tĩnh xử lý tình huống đúng quy trình và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Những bữa cơm vội, những giấc ngủ chập chờn, vạ vật không làm họ lùi bước.
"Sài Gòn những ngày này nắng nóng, khi mặc đồ bảo hộ mồ hôi vã ra như tắm, nhiều lúc chân đứng không vững nhưng chúng tôi thường động viên nhau mỗi người cố gắng một chút vì mục tiêu chung" - bác sĩ Thùy Dương, Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ.
Có theo chân những "chiến sĩ" như bác sĩ Dương, mới hiểu và thông cảm được với những vất vả, rủi ro của họ, dù trên người có đầy đủ đồ bảo hộ nhưng nguy cơ lúc nào chẳng có. Dù vậy ở họ vẫn luôn có sự lạc quan và niềm tin sẽ "bắt" được hết F0 trả lại cuộc sống bình thường cho người dân.
Thiếu tá Lê Thùy Dương đến tận nhà dân nằm trong khu vực cách ly để hướng dẫn người dân đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
Nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 175 lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân
Đứng cả ngày nhiều lúc chân họ không trụ vững nhưng vẫn gắng gượng vì mục đích truy tìm ra những ca nhiễm mới
Điều dưỡng Vũ Thị Liên cùng đồng nghiệp đảm nhiệm luôn cả việc dọn dẹp khu vực lấy mẫu sau khi người dân ra về
Khuôn mặt hằn vết khẩu trang do ca làm việc kéo dài của bác sĩ Dương
Bàn tay nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng tay nhiều giờ liền
Bữa cơm trưa vội tại nơi tập trung lấy mẫu của các nhân viên y tế trước khi di chuyển đến những điểm lấy mẫu khác
Thanh Tâm - nhân viên tổ chăm sóc khách hàng Bệnh viện Quân y 175, cùng Diễm My - sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM - không mệt mỏi dù phải di chuyển liên tục để làm việc
Bác sĩ Nguyễn Đặng Duy tranh thủ mặc đồ bảo hộ trên xe để tiết kiệm thời gian
Công việc kéo dài đến tận khuya nhưng không ai có một lời than vãn, họ động viên nhau "cố lên, còn vài người nữa thôi"
12h đêm, khi mọi người ai về nhà nấy yên giấc, các nhân viên y tế mới ra khỏi khu vực cách ly để di chuyển về bệnh viện sau một ngày làm việc căng thẳng
TTO - Tại TP.HCM, 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin. Các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ.