Quản lý tài chính và lập ngân sách hàng tháng là một thách thức, đối với cả sinh viên mới ra trường hay người đã đi làm lâu năm. Nếu lo lắng không biết bắt đầu từ đâu thì quy tắc 50/30/20 có thể giúp bạn làm quen với việc này nhờ sự đơn giản của nó. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren từng gọi quy tắc này là "kế hoạch tiền bạc tối thượng" trong một cuốn sách của mình.
Cụ thể, bạn cần chia thu nhập thành ba loại lớn: nhu cầu thiết yếu, mong muốn, tiết kiệm và đầu tư. Sau đó, hãy phân bổ thu nhập hàng tháng vào từng loại này, lần lượt theo tỷ lệ 50%, 30% và 20%.
Nhu cầu thiết yếu
Mục này bao gồm tất cả những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của bạn như tiền thuê nhà, tiền điện nước, bảo hiểm, trả nợ, trả góp, đồ ăn, đồ tạp hóa hay các chi phí sinh hoạt không thể tránh khỏi khác. Đây là khoản chi thường xuyên và không biến động quá nhiều giữa các tháng.
Nếu khoản này chiếm hơn một nửa thu nhập, bạn nên tìm cách cắt giảm những thứ không thực sự cần thiết. Đó có thể là thuê nhà nhỏ hơn hoặc tìm người ở ghép, sử dụng phương tiện công cộng thay vì gọi xe hoặc nấu cơm ở nhà thường xuyên hơn.
Mong muốn
Mục này bao gồm bất cứ thứ gì không được coi là chi phí thiết yếu như du lịch, đăng ký các gói dịch vụ trực tuyến, mua sắm và giải trí. Bên cạnh đó, "mong muốn" còn có thể là nâng cấp các đồ dùng hiện có, chẳng hạn như "lên đời" xe máy hay đơn thuần là chọn một món ăn đắt tiền thay vì món ăn bình dân.
Đây là khoản chi thường biến động giữa các tháng vì tùy thuộc vào lối sống và sở thích của từng người.
Tuy nhiên, không phải ai cũng giới hạn được việc chỉ dành 30% thu nhập hàng tháng bởi họ bị cám dỗ bởi quá nhiều thứ khác nhau. Đặc biệt, với sự lên ngôi của các sàn thương mại điện tử, mọi người càng dễ sa đà vào việc "săn hàng" và tiêu quá 30% cho mong muốn của mình.
Sau này, khi đã quen với quy tắc trên và muốn tiết kiệm được nhiều hơn, bạn có thể tìm lựa chọn thay thế cho mong muốn cá nhân. Ví dụ, thay vì du lịch nước ngoài, bạn có thể đi đâu đó trong nước để tích lũy được thêm tiền mà vẫn đảm bảo nhu cầu nghỉ dưỡng.
Tiết kiệm và đầu tư
Mục này bao gồm tiền tiết kiệm, quỹ khẩn cấp và bất kỳ khoản đầu tư nào khác. Theo các chuyên gia tài chính, bạn nên tích lũy đủ tiền mặt trong quỹ khẩn cấp để trang trải chi phí sinh hoạt từ 3 – 6 tháng, ngay cả khi bạn không có thu nhập vì đột ngột mất việc hay bị bệnh. Một số người khuyên rằng bạn nên tích lũy khoản tiết kiệm khẩn cấp trước rồi mới tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, cũng có người nói rằng bạn có thể tích lũy song song.
Còn về đầu tư, các chuyên gia khuyến khích việc tìm hiểu, phân tích hay thậm chí là tham khảo ý kiến của người có kinh nghiệm. Quan trọng nhất là không nên sốt ruột làm giàu nhanh chóng và đầu tư thận trọng.
Tất nhiên, không có cách tiếp cận nào là đúng tuyệt đối nhưng 50/30/20 có thể là một quy tắc phù hợp cho những người chưa bao giờ lập ngân sách và phân bổ thu nhập hàng tháng.
Quy tắc này sẽ giúp bạn có kỷ luật với tiền bạc hơn cũng như cải thiện tình hình tài chính cá nhân. Khi đã quen hoặc muốn tiết kiệm nhiều hơn, bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ trên cho phù hợp.
Một chuyên gia tài chính cho biết: "Điều quan trọng hơn cả là bạn bắt đầu có ý thức trong việc lập ngân sách và phân bổ thu nhập, bất kể tuân theo quy tắc với tỷ lệ ra sao".
Nguồn: CNBC, IV
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị