Gian hàng 0 đồng hoạt động nhờ thu gom rác thải nhựa
"Ai có thì mang đến, ai khó khăn thì đến nhận" là khẩu hiệu được in chỉn chu tại cửa hàng 0 đồng do "Hội Tự nguyện sống đẹp" khởi xướng. Suốt 7 tháng nay, gian hàng này đã trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều người lao động nghèo ở Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Cường (SN 1968, hội trưởng) cho biết, gian hàng 0 đồng này được tạo ra nhờ sự chung sức của những người có tinh thần thiện nguyện, với phương châm làm nhịp cầu yêu thương kết nối giữa người thừa và người thiếu, người cho và người nhận, nhằm sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời còn khốn khó.
Clip: Ấm lòng cửa hàng 0 đồng không người trông coi, ai cần gì cứ lấy ở Đà Nẵng
Hiện cửa hàng miễn phí đầu tiên ở Đà Nẵng này mở cửa từ 5 giờ sáng tới 22 giờ tất cả các ngày trong tuần. Bên trong cửa hàng có các sào treo nhiều quần áo cũ, cùng các kệ tủ để vô số mặt hàng, từ các đồ dùng cá nhân tới một số nhu yếu phẩm như mì tôm, cháo gói, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, muối, đường, sữa tươi...
Cửa hàng 0 đồng đầu tiên ở Đà Nẵng
Cửa hàng này không chỉ đem lại niềm vui cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn tạo nên nhịp cầu chung để kết nối và lan tỏa tình thương
"Ban đầu, tất cả các nhu yếu phẩm đều được mua sắm từ nguồn quỹ của các thành viên trong hội. Còn các loại áo quần thì được vận động từ khắp nơi, rồi sau đó được phân loại, chọn lọc và đem giặt sạch sẽ rồi mới treo lên để bà con đến lựa. Từ ngày được một số mạnh thường quân khác cùng chung tay, giờ đây các mặt hàng được 'bày bán' tại gian hàng 0 đồng càng phong phú hơn. Nhiều người lao động nghèo, người thất nghiệp… đến 'mua hàng' cũng vui và hạnh phúc hơn", ông Cường bộc bạch.
Đặc biệt, cạnh gian hàng, ông Cường còn đặt một thùng thu gom ve chai, rác thải nhựa. Mô hình này vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp gây quỹ để duy trì hoạt động của gian hàng. Theo ông Cường, mỗi ngày đều có nhiều người dân, người đi đường và các em học sinh mang ve chai đến đây để ủng hộ.
Thoải mái lựa chọn và mang đi
Theo người sáng lập ra cửa hàng 0 đồng chia sẻ: "Của cho không bằng cách cho". Do đó, để người đến nhận không cảm thấy ngại, anh đặt tên điểm phát đồ tự thiện của mình là gian hàng.
Nói là cửa hàng nhưng nơi đây hoàn toàn không có người bán hay trông coi. Bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể đến chọn mua hàng, tất cả đều "0 đồng". Cứ như thế, hằng ngày có rất nhiều người ghé vào cửa hàng và thoải mái chọn cho mình món đồ ưng ý. Những người đến đây hầu hết đều là người lao động nghèo, và chẳng ai tham lam cả. Họ chỉ lấy đúng thứ mình cần.
Trên đường đi học về, 2 em nhỏ lượm nhặt chai nhựa ven đường để "góp quỹ" cho cửa hàng 0 đồng
Trưa đứng bóng, dừng chiếc xe đạp chở đầy ve chai phía trước, cô Nguyễn Thu Phương (34 tuổi, quê Quảng Nam) cùng người đồng nghiệp lúi húi bước vào gian hàng 0 đồng. Loay hoay một hồi, người phụ nữ với vẻ ngoài lam lũ cũng chọn cho mình được một cái áo khoác ưng ý. Xong rồi, cô lấy thêm một lốc sữa tươi và mấy gói mì tôm,…
Nở nụ cười mãn nguyện, cô Phương bộc bạch, gia đình cô thuộc hộ nghèo, chồng mất sớm, suốt mấy chục năm nay cô gồng gánh mưu sinh nuôi 3 đứa con ăn học. Chiếc áo khoác bị rách đã lâu, nhưng hoàn cảnh chật vật nên không cho phép cô sắm sửa. Nghe mọi người "mách miệng" nên hôm nay cô tranh thủ ghé qua đây, chọn một chiếc áo phông để che nắng mưa.
"Thấy cửa hàng còn có nhiều thực phẩm nên ngoài cái áo khoác, tôi xin thêm vài hộp sữa và mì tôm về cho đứa con út ở nhà. Dù ở đây không có người đứng giữ, nhưng ai đến cũng chỉ lấy đủ những thứ mình cần thôi. Chúng tôi rất biết ơn những người đã tạo nên cửa hàng đặc biệt này", cô Phương trải lòng.
Một người phụ nhặt ve chai tiện đường ghé vào, xin chiếc áo khoác và vài nhu yếu phẩm nhà còn thiếu
Với người lao động nghèo hay những hoàn cảnh khó khăn, gian hàng 0 đồng này như một điều kỳ diệu với họ vậy
Cầm trên tay chiếc quần jean màu xanh đậm ưng ý, chú Nguyễn Tám (52 tuổi) hào hứng khoe: "Cái này còn mới đẹp quá, chắc vài bữa mặc đi đám cưới được lắm nè".
Bị tật bẩm sinh ở chân nên không thể lao động nặng, không vợ con, cha mẹ đều qua đời nên hơn 10 năm nay chú Tám sống cô độc và mưu sinh bằng những tấm vé số. Cuộc sống chạy ăn từng bữa nên chẳng biết đã bao lâu rồi chú không dám tự sắm cho mình một bộ đồ mới để không bị "lỗi thời". Nhờ có gian hàng miễn phí này mà suốt mấy tháng nay, chú Tám đã có được cho mình những bộ áo quần tươm tất hơn, bữa cơm hằng ngày cũng được cải thiện hơn nhờ những nhu yếu phẩm "mua" được ở cửa hàng 0 đồng.
"Ðồ cũ nhưng vẫn còn mới và đẹp lắm, nhất là với những người như tôi. Thỉnh thoảng, chọn được cái áo, cái quần hợp với mình cũng đỡ tốn tiền mua. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Mong sẽ có thêm nhiều gian hàng ý nghĩa như này để người còn khó khăn luôn cảm thấy được sẻ chia, giúp đỡ", chú Tám chia sẻ và rời đi về phía những ngã đường oi ả nắng trưa.
Lan tỏa những điều tử tế
Có nhiều người đến nhận và cũng có không ít người tới cho. Dường như ngày nào cũng có vài người chở đồ đến tặng cho cửa hàng. Có người mang đến những bọc đồ của gia đình, có người chở đến mấy bao tải do gom từ người thân, bạn bè, rồi cũng có người đi đường ghé vào ủng hộ 100.000 đồng để mua thêm thực phẩm,…
Sau đại dịch Covid-19, cũng như nhiều thành phố lớn khác, Đà Nẵng có nhiều người cần sự giúp đỡ, nhưng từ đây cũng xuất hiện nhiều tấm lòng sẵn sàng chia sớt, sẻ san. Và cửa hàng 0 đồng này như một nhịp cầu trung gian nối kết hai điều ấy. Nơi đây đã và đang trở thành địa chỉ thiện nguyện uy tín để nhiều nhà hảo tâm an tâm gửi gắm những món đồ mình dư và có thể trực tiếp chứng kiến những thứ mình đã bỏ ra mang đến niềm vui cho người khác thế nào.
Người thừa mang đến, người thiếu lấy đi, ngày này qua tháng nọ, cửa hàng 0 đồng này đã và đang lan tỏa sự tử tế đến với người Đà Nẵng
Chập choạng tối, lọm khọm chở bao áo quần cũ đến ủng hộ cho cửa hàng 0 đồng, chú Ngô Văn Tuấn (48 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cười tươi chia sẻ: "Hôm trước đi ngang qua đây thấy cửa hàng này, nên hôm nay chú mang mấy bộ áo quần mà mình không dùng nữa đến để người khác dùng, vừa không lãng phí, vừa giúp được những người còn khó khăn hơn mình. Ai có tiền góp tiền, ai có đồ dư thì góp đồ, ai có sức cũng có thể góp sức. Chú nghĩ chỉ cần mình có lòng tốt, thì bất kể là thứ gì, mình đều có thể mang đến hạnh phúc cho những người khác".
Người thừa mang đến, người thiếu lấy đi - Đà Nẵng tình người là thế đó! Chỉ cần một bàn tay xòe ra là sẽ có một bàn tay khác nắm lấy. Chẳng cần phát động cũng chẳng cần hô hào, cứ lặng lẽ, những con người ấy cứ làm, cứ san sẻ và cứ cho đi. Cảm ơn thành phố đáng sống và những con người Đà thành tử tế!
Hà Nam
Tri thức trẻ