Với lời nhạc nhẹ nhàng, bài hát này khắc họa sự hy sinh của những bác sĩ, bộ đội, nhân viên y tế… đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch, nhận tin người thân mất mà chẳng thể về nhà.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Võ Việt Phương để hiểu hơn những gửi gắm mà tác giả gửi vào ca khúc.
Chàng trai Võ Việt Phương, nam sinh Trường Phổ thông Năng Khiếu, TP.HCM, sáng tác bài hát "Đặt xuống một nhành hoa" gửi đến tuyến đầu chống dịch. Ảnh: NVCC
. Phóng viên: Việt Phương sáng tác bài hát “Đặt xuống một nhành hoa” trong hoàn cảnh như thế nào?
+ Võ Việt Phương: Những ngày khu phố tôi ở (hẻm 413 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3, TP.HCM) bị phong tỏa, tôi ở nhà, có thời gian trò chuyện với bố mẹ nhiều hơn. Tối ngày 20-6, bố tôi kể cho gia đình nghe về một số bác sĩ, nhân viên y tế, bộ đội nhận tin người thân, bố mẹ mất mà không thể về chịu tang.
Nghe chuyện, trong tôi có một luồng cảm xúc khó tả. Tôi đọc bản tin về câu chuyện bố nói, và ít nhất là bốn trường hợp tương tự trước đó nên cảm nhận rõ thêm nỗi đau, mất mát quá lớn của lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Tôi muốn viết ra ngay những suy nghĩ trong đầu mình, viết về nỗi đau của người con đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch hướng về nhà. Tôi mong được xoa dịu phần nào sự hy sinh to lớn ấy.
. Thời điểm sáng tác bài hát, gia đình ở trong khu phong tỏa, làm thế nào để bạn có thể thu âm, hoàn chỉnh bài hát?
+ Do nhà tôi ở trong khu phong tỏa, còn phòng thu thì lại ở bên ngoài, tôi quyết định tự thu âm bằng điện thoại, nhờ một người chú nhạc sĩ Nguyễn Dân làm beat (nhịp, phách). Tiếp đó, hai chú cháu hòa âm, phối khí chỉ trong đúng một ngày.
Nếu tôi có thể đến phòng thu thì bài hát sẽ được thể hiện tốt hơn. Tuy nhiên, tôi khá hài lòng khi bản thu tại nhà mang cảm xúc trọn vẹn, tức thời.
Lời bài hát nhẹ nhàng, giàu hình tượng dành tặng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
. Bạn muốn truyền đi thông điệp gì thông qua bài hát?
+ Với sự trải nghiệm của người đang ở trong vùng có dịch, tôi nhận thấy sự hy sinh của các y bác sĩ nói riêng và lực lượng phòng chống dịch ở tuyến đầu nói chung là quá lớn, trong một thời gian dài. Họ phải chấp nhận tạm xa người thân để chăm sóc, hỗ trợ cho đồng bào đang cần họ. Nỗi đau của những người đang làm nhiệm vụ nhận tin bố mẹ qua đời mà không về được là một nỗi đau quá lớn, không đau đớn nào bằng bố mẹ mất mà chẳng thể kề bên.
Nước mắt tôi đã rưng rưng khi viết đến đoạn điệp khúc của bài hát “Đặt xuống một nhành hoa”. Tôi muốn nỗi buồn đó chạm đến trái tim của nhiều người. Từ đó, chúng ta san sẻ nỗi đau này bằng lòng biết ơn.
. Phương còn rất trẻ nhưng đã cảm được những nỗi đau sâu sắc. Điều gì giúp chàng trai năng động sở hữu một nội tâm đa cảm?
+ Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình hạnh phúc, có bố mẹ yêu thương hết mực. Chính hạnh phúc ấy nhắc tôi phải biết trân trọng cuộc đời và nhạy cảm trước những câu chuyện, cuộc đời kém may mắn hơn.
. Xin cảm ơn!
Từng gây xúc động với ca khúc về đề tài xã hội
Ngoài bài hát “Đặt xuống một nhành hoa”, Phương còn sáng tác và phát hành nhiều ca khúc khác. Một số ca khúc đã phát hành gây xúc động mạnh, từng gây sốt trên cộng đồng mạng như: “Tạm biệt, cha đi”, “Rồi trăm năm ta gặp lại”… Trong đó, ca khúc “Tạm biệt, cha đi” tưởng nhớ 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong vụ sạt lở đất ở Rào Trăng tại trạm kiểm lâm 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bài hát “Rồi trăm năm ta gặp lại” lấy cảm hứng từ tình yêu vợ chồng nghệ sĩ Chí Tài - Phương Loan. Phương sáng tác ca khúc này lúc nam nghệ sĩ Chí Tài qua đời đột ngột. Nhiều người hâm mộ của nghệ sĩ Chí Tài đã chia sẻ bài hát với sự đồng cảm. |