Tình hình đại dịch COVID-19 ở các nước Đông Nam Á chưa có nhiều dấu hiệu khả quan khi sự xuất hiện của biến thể Delta tại một số nước đã khiến số ca nhiễm mới và số người tử vong tiếp tục tăng cao.
Đợt bùng phát dịch mới đã khiến các cơ sở y tế của nhiều nước trong khu vực rơi vào tình trạng quá tải, trong khi chương trình tiêm chủng vaccine vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Các cơ sở xét nghiệm ở Philippines hoạt động hết công suất
Tờ Inquirer cho biết số người chết do COVID-19 ở Philippines đã vượt qua mốc 25.000 người sau khi Bộ Y tế (DOH) nước này báo cáo thêm 90 trường hợp tử vong mới vào ngày 3-7.
Theo DOH, 25.063 ca tử vong chiếm tổng cộng 1,75 phần trăm tổng số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trong cả nước: 1.430.419 triệu người tính đến thời điểm hiện tại. Trong số đó, DOH cũng ghi nhận 7.698 được chữa khỏi bệnh.
Một nhân viên y tế Philippines trong bộ đồ bảo hộ đợi bên ngoài cơ sở hỏa táng ở Manila vào ngày 29-4-2020. Ảnh: AFP
DOH tiết lộ thêm rằng trong tất cả các cơ sở xét nghiệm của Philippines đã hoạt động hết công suất hôm 1-7, tuy nhiên có năm cơ sở đã không thể gửi dữ liệu của họ lên hệ thống lưu trữ tài liệu về COVID-19.
Dựa trên dữ liệu thu thập được trong suốt 14 ngày qua, năm cơ sở này chiếm 2,2% tổng số mẫu xét nghiệm được gửi lên hệ thống và chiếm khoảng 2,9% tổng số ca dương tính được phát hiện tại các cơ sở xét nghiệm cả nước.
Đợt dịch tồi tệ nhất tại Indonesia
Cùng ngày, Indonesia đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Jakarta và trên khắp hòn đảo Java cũng như Bali khi quốc gia này phải vật lộn với làn sóng nhiễm COVID-19 tồi tệ nhất.
Các nơi thờ tự, nhà hàng và trung tâm mua sắm đều đã bị đóng cửa tại các điểm nóng dịch bệnh trên khắp cả nước. Chỉ trong ngày 2-7, Indonesia ghi nhận hơn 25.000 trường hợp mắc mới và 539 người chết, số ca nhiễm và tử vong trong một ngày cao nhất ở nước này kể từ khi dịch bùng phát.
Chính quyền thủ đô Jakarta ngăn không cho người dân vùng khác tiến vào thủ đô. Ảnh: AFP
Số người nhiễm COVID-19 ở Indonesia đã tăng gấp bốn lần trong chưa đầy một tháng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán rằng số ca nhiễm và tử vong tại nước này có thể còn cao hơn nữa vì khả năng và tốc độ xét nghiệm ở nước này còn khá chậm.
Cuộc khủng hoảng đã đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe tồi tàn của Indonesia đến bờ vực sụp đổ khi các cơ quan y tế phải dựng những căn lều tạm bợ bên ngoài trong khi bên trong các cơ sở y tế kẹt cứng bệnh nhân nhập viện.
Khu vực hành lang các bệnh viện tràn ngập những bệnh nhân nằm trên băng ca, thậm chí có những người dù bị nhiễm COVID-19 nhưng vẫn phải rời khỏi bệnh viện vì không thể chịu đựng được sự quá tải này.
Chính vì vậy, số người nhiễm COVID-19 tử vong tại nhà ở Indonesia cũng tăng cao, theo hãng tin AFP.
Indonesia đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 tồi tệ nhất. Ảnh: AFP
Dù được tiêm chủng vaccine đầy đủ, song rất nhiều y bác sĩ ở nước này đã không chống chọi được với COVID-19. Gần 1.000 nhân viên y tế đã tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại Indonesia.
Bộ Y tế indonesia cho biết chính biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ và hiện có mặt ở ít nhất 85 quốc gia, đã khiến đợt bùng phát lần này trở nên kinh khủng hơn bao giờ hết, chiếm hơn 80% số ca mắc mới ở một số khu vực.
Các tuyến đường phố tại Jakarta hầu như vắng vẻ vào ngày 3-7, trong khi các cửa hàng đều phải đóng cửa và chính quyền thủ đô lập các chốt ngăn không cho người ngoài vào thành phố.
Tất cả các nhân viên văn phòng đều được yêu cầu làm việc tại nhà, trong khi các trường học chuyển sang việc dạy học trực tuyến.
Tại Bali, việc số ca nhiễm mới tăng vọt gần đây đã làm trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại của hòn đảo cho khách du lịch quốc tế. Cảnh sát Bali cũng đã tiến hành phong tỏa khu vực xung quanh bờ biển và đi tuần tra mỗi giờ.
Các nhân viên y tế Malaysia lấy mẫu xét nghiệm từ người dân ở Cyberjaya, ngày 2-6. Ảnh: REUTERS
Malaysia nới lỏng biện pháp phòng chống dịch ở 5 bang
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob hôm 3-7 cho biết quốc gia này sẽ nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19 tại năm bang vào ngày 5/7, khi các bang này chuyển sang giai đoạn hai của kế hoạch khôi phục quốc gia.
Các bang này là Kelantan, Terengganu, Perak, Pahang và Perlis, hãng Reuters đưa tin.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Tài chính Tengku Zafrul Abdul Aziz, ông Yaakob cho hay nhiều doanh nghiệp sẽ được phép mở cửa trở lại tại các bang này, bao gồm các cửa hàng bán văn phòng phẩm và đồ điện tử, hiệu sách cũng như các cửa hàng viễn thông.
“Việc đi lại giữa các quận và giữa các tiểu bang vẫn bị cấm, nhưng các giáo viên và học sinh đang tham gia kỳ thi lớn trong năm nay vẫn có thể đến trường để tham gia các lớp học” - Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob. Ảnh: REUTERS
"Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thiết yếu cũng có thể tăng nhân lực lên 80% (từ mức 60% ở thời điểm hiện tại), song cần phải đảm bảo tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch bệnh.
Malaysia hiện đang trong giai đoạn đầu tiên của Kế hoạch phục hồi quốc gia bốn giai đoạn. Trước khi có thể chuyển sang giai đoạn hai, số ca mắc mới hàng ngày tại mỗi bang phải ở mức trung bình là 4.000 ca.
Để bước sang giai đoạn ba, số ca mắc hàng ngày phải giảm xuống dưới 2.000 ca, công suất hoạt động ở các bệnh viện phải ở mức ổn định với đủ giường bệnh, máy thở và ít nhất 40% dân số phải được tiêm đủ hai liều vaccine.
Giai đoạn thứ tư và cũng là giai đoạn cuối cùng dự kiến sẽ được thực hiện sớm nhất vào cuối tháng 10 khi số ca bệnh hàng ngày giảm xuống dưới 500 và 60% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Người dân Malaysia được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Kuala Lumpur vào ngày 5-5. Ảnh: REUTERS
Trước đó, chính quyền Mỹ đã tiết lộ rằng một triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Pfizer kết hợp sản xuất cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech sẽ đến Malaysia vào ngày 5-7.
Trong ngày 3-7, Malaysia ghi nhận 6.658 trường hợp nhiễm mới, trong đó 3.047 trường hợp được phát hiện ở bang Selangor. Hiện Malaysia đã có hơn 772.000 trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn quốc.
Nhiều khu vực tại bang Selangor và Kuala Lumpur đã được đặt dưới Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) từ ngày 3-7 cho đến 16-7 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở những khu vực này.