Khối ngoại bán ròng 1,5 tỉ đô la trong nửa đầu năm
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) - Tiếp tục xu hướng bán ròng từ năm 2019, giá trị bán ròng của khối ngoại trong nửa đầu năm đã cao hơn gần 75% so với mức bán ròng của cả năm ngoái.
Nguồn: Mirae Asset Việt Nam. |
Số liệu ước tính của Công ty chứng khoán Mirae Assets trong báo cáo chiến lược tháng 7 mới đây cho biết, khối ngoại đã bán ròng khoảng 4.000 tỉ đồng (tương đương gần 190 triệu đô la Mỹ) trong tháng 6 vừa qua và đã bán hơn 1,5 tỉ đô la lũy kế sáu tháng đầu năm
Còn số liệu do Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) cập nhật cho biết, tính trong sáu tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 29.875 tỉ đồng trên sàn HOSE, tương ứng khoảng 1,3 tỉ đô la.
Như vậy, giá trị bán ròng trong nửa đầu năm nay đã cao hơn gần 75% so với con số bán ròng trong năm ngoái.
Trong đó, các cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất lần lượt có thể kể đến Hòa Phát, Vinamilk, Vietinbank, VPBank và MB. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu được mua ròng lớn nhất lần lượt là Vinhomes, Novaland, Thế giới Di động, Sacombank, Petrolimex và Bất động sản Phát Đạt.
Theo Công ty chứng khoán Yuanta, việc khối ngoại bán cổ phiếu có thể lý giải đơn thuần là hoạt động bình thường khi tái cấu trúc danh mục hoặc chốt lời, dù có đến bốn trên năm cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng đều là những mã cổ phiếu vốn hóa lớn có kết quả kinh doanh khả quan, trừ trường hợp Vinamilk.
Cổ phiếu Vinamilk trong thời gian qua cũng đi ngược hướng với diễn biến đi lên của thị trường (thị giá VNM giảm 17% trong sáu tháng đầu năm). "Việc các nhà đầu tư tổ chức đã bán một lượng lớn cổ phiếu VNM mà họ đang nắm giữ trong khi cổ phiếu này cũng không nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư cá nhân, trong bối cảnh Vinamilk có triển vọng tăng trưởng khá khiêm tốn, có thể xem là nguyên nhân giải thích tại sao giá VNM lại giảm so với đầu năm", báo cáo của Yuanta nhận định.
Nguồn: SSI |
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, khối ngoại đang tăng tốc mạnh tay bán ròng cổ phiếu. Trừ đợt mua ròng 12 triệu đô la vào hồi tháng 4, giá trị bán ròng bất ngờ tăng mạnh trong tháng 5 (lên tới 500 triệu đô la).
Trên thực tế, khối ngoại bắt đầu bán ròng từ năm 2019 và xu hướng bán ròng ngày càng cao hơn kể từ đó đến nay.
“Không nên quá ngạc nhiên khi hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn đang tiếp diễn, xu hướng này đã được hình thành rõ ràng bắt đầu từ giữa năm 2019”, báo cáo của công ty chứng khoán Yuanta nhận định. Dù vậy, khối nghiên cứu của đơn vị này cũng đánh giá tốc độ bán ròng từ đầu năm đến nay là “chóng mặt”.
Bên cạnh lý do tái cấu trúc danh mục đầu tư hay đơn thuần chốt lời, các biến số vĩ mô cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định của khối ngoại. Theo Công ty chứng khoán Yuanta, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về khả năng lạm phát trên toàn cầu khiến dòng vốn bị rút ra khỏi các thị trường tương tự, thêm nữa là hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư trên thị trường cận biên dường như bắt đầu suy giảm từ cuối năm 2020.
Trên thực tế, không chỉ có Việt Nam mà thị trường chứng khoán trong khu vực châu Á (ngoại trừ Trung Quốc) cũng ở trong tình trạng nhà đầu tư nước ngoài bán tháo trong nửa đầu năm 2021. Các lý do được nhắc đến là sự lo ngại lạm phát trên toàn cầu, các đợt tái bùng dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia châu Á hay sự lo ngại về bối cảnh đồng đô la Mỹ đang mạnh dần lên.
Tuy nhiên, dòng tiền khối ngoại đang rút dần cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường các quốc gia này. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI trong tháng 5, các thị trường chứng khoán Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia tuy không tăng mạnh nhưng vẫn duy trì ở vùng cao dù cũng bị rút vốn lớn. Số lượng tài khoản mở mới và giao dịch nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng cao.
“Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ do Covid-19 đã khiến các cá nhân đổ tiền vào thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận, đẩy giá cổ phiếu lên cao và giảm kết nối với tình trạng chung của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, hiện tượng này sẽ vẫn tiếp diễn, khiến diễn biến dòng vốn ngoại có tác động mờ nhạt tới diễn biến thị trường chứng khoán ở các thị trường châu Á”, báo cáo của SSI nhận định.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều từ năm ngoái đến nay, dù dòng vốn ngoại rút đi ngày càng nhiều hơn. Các nhà đầu tư nội địa, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, không chỉ bổ sung cho “khoảng trống” mà nhà đầu tư ngoại để lại, mà còn đẩy chỉ số VN-Index liên tục tăng cao lên mức kỷ lục.
Bên cạnh đó, một yếu tố tích cực khác là dù khối ngoại tăng mức bán ròng, dòng vốn ngoại thông qua các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) vẫn duy trì dòng tiền dương trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, dòng chảy ETF dễ vào cũng dễ ra và chịu ảnh hưởng lớn bởi các biến số vĩ mô. Theo SSI đánh giá, dù tác động của dòng vốn ngoại có thể mờ nhạt hơn, xu hướng rút ròng của các quỹ ETF sẽ là một chỉ báo đáng lưu tâm với các nhà đầu tư, thận trọng hơn với thị trường.
Xem thêm: lmth.man-uad-aun-gnort-al-od-it-51-gnor-nab-iaogn-iohk/899713/nv.semitnogiaseht.www