Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) mới đây cho biết TP.HCM thay đổi chiến lược điều tra, truy vết, khoanh vùng để nhanh chóng dập dịch COVID-19.
Chiến lược tăng tốc truy vết COVID-19 của TP.HCM
Đối với công tác khoanh vùng, TP.HCM sẽ tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong 1 giờ hoặc sớm hơn ngay khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.
Đối với công tác điều tra dịch, TP.HCM sẽ xác định các mốc dịch tễ của F0 để lập danh sách F1 gần, F1 xa, F2 của F1 gần và được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu. Người có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính; người dù không có hộ khẩu nhưng có sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn hữu thăm viếng thì vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc. Bên cạnh đó, người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc để từ đó lên phương án xử lý thích hợp.
Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sẽ có nguyên tắc riêng tùy theo từng đối tượng. Đối với tất cả trường hợp F1, sau khi lập danh sách sẽ được chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận, huyện để điều tra dịch tễ. Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của HCDC và có kết quả trong 12 giờ hoặc sớm hơn.
Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2-3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này.
Việc phân công lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch nhằm đảm bảo 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin.
Bên cạnh đó, các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó, quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân quận Tân Phú, TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Thêm 873 ca COVID-19 mới trong ngày, TP.HCM ghi nhận thêm 599 ca Bộ Y tế tối 4-7 ghi nhận 356 ca nhiễm COVID-19 mới trong nước. Tổng cộng trong ngày 4-7, Việt Nam ghi nhận thêm 873 ca trong nước, chủ yếu tại TP.HCM với 599 ca. Trong đó, Bến Tre và Ninh Thuận có ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch thứ 4. Cũng trong ngày 4-7, 176 bệnh nhân đã được công bố khỏi COVID-19. |
Một ngày thêm 87 ca mắc, Bình Dương ghi nhận ca tử vong đầu tiên
Ngày 4-7, tỉnh Bình Dương ghi nhận 87 ca dương tính với SARS-CoV-2, đồng thời ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên (Bộ Y tế chưa công bố).
Trong 87 ca mắc mới có 67 ca được ghi nhận ở khu cách ly. Việc điều tra dịch tễ đang được tiến hành khẩn trương.
Hiện tại, chuỗi lây nhiễm liên quan đến ổ dịch tại Công ty Wanek 2 vẫn chưa được chặn đứng, riêng trong chiều qua ghi nhận thêm 58 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ổ dịch tại Công ty Việt Nam House Wares có thêm hai ca mới.
Dịch đã xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp (có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và tại hàng chục khu nhà trọ của công nhân. Cụ thể, riêng trong ngày 4-7, Công ty Hansol Vina ghi nhận thêm bốn ca; Công ty Spartronic có hai ca; Công ty Puku có một ca.
Liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH Wanek 2 (Khu công nghiệp VSIP II, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một), khoảng 1.500 công nhân đang được chia thành các nhóm nhỏ để cách ly tại các điểm trường học ở TP Thủ Dầu Một nhằm tránh lây nhiễm chéo tại nơi cách ly. Tuy nhiên, số ca dương tính với SARS-CoV-2 của công nhân Công ty Wanek 2 vẫn tăng cao - ngày hôm qua ghi nhận 64 ca.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tỉnh Bình Dương áp dụng việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn TP Dĩ An kể từ 0 giờ ngày 5-7.
Biến chủng virus Delta nguy hiểm đến cỡ nào? Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), biến chủng virus Delta được nghiên cứu có khả năng lây lan nhanh hơn do có cấu trúc nhiều gai hơn so với chủng virus ban đầu, giúp chúng bám dính vào tế bào tốt hơn và gây bệnh dễ dàng hơn. Nếu như trước đây, chủng virus cũ cần một lượng virus lớn mới đủ để gây bệnh thì với biến chủng mới, chỉ cần lượng nhỏ virus đã có thể lây. Bên cạnh đó, chu kỳ lây nhiễm của chủng virus mới cũng được rút ngắn hơn, chỉ mất trung bình 3-5 ngày là một người mang virus đã có thể lây bệnh, so với trước đây là 5-7 ngày. TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết theo nghiên cứu, khi một người bệnh có biểu hiện lâm sàng là lúc tải lượng virus cao nhất trong người, tuy nhiên cũng có những người mang tải lượng virus rất cao nhưng không phát bệnh, không có triệu chứng. Người có tải lượng virus cao có khả năng lây lan virus nhiều hơn người có tải lượng virus thấp. Biến chủng Delta cũng tương tự chủng virus cũ, tùy từng cộng đồng, có khoảng 60%-80% người bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng gây bệnh. Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh và phức tạp, việc xét nghiệm không thể tầm soát tất cả những người không có triệu chứng, bản thân người mang virus cũng không biết, BS Hùng khuyên tốt nhất là tất cả cùng thực hiện tốt biện pháp 5K để bảo vệ cho cộng đồng và chính mình. Bên cạnh đó, cần ý thức các nguy cơ nhiễm bệnh để phòng tránh như sử dụng chung đồ đạc, sử dụng chung nhà vệ sinh nơi công cộng, đụng chạm vào các đồ vật chung... Ngoài ra, người dân nên chích vaccine phòng COVID-19 khi có điều kiện. Mặc dù chích ngừa vaccine không đảm bảo không bị mắc bệnh nhưng chích vaccine sẽ giúp tạo kháng thể, kiềm chế sự nhân lên của virus trong cơ thể nếu có nhiễm bệnh, làm cho triệu chứng bệnh nhẹ hơn hoặc không có triệu chứng. HOÀNG LAN |