Tín dụng khởi sắc, các ngân hàng lại muốn được nới 'room'
Linh Trang
(KTSG) - Việc tín dụng lấy lại đà tăng đã khiến “chiếc áo” hạn mức tín dụng giao cho các ngân hàng lần 1 dần trở nên chật chội.
MB ở nhóm tín dụng có mức từ 10,5-12%. Ảnh: N.K |
Tín dụng khởi sắc
Trái với lo ngại là tín dụng sẽ sụt giảm do tình hình dịch bệnh phức tạp, số liệu thực tế cho thấy tăng trưởng tín dụng đang có sự cải thiện khá tốt. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 15-6-2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 2,26%). Dự kiến đến cuối tháng 6 năm nay, tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 5,5-6%.
Điểm tích cực là tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn nền kinh tế bao gồm: xuất khẩu (tăng 9%), công nghiệp hỗ trợ (tăng 6,94%) và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 14,5%). Riêng đối với các lĩnh vực rủi ro, cho vay bất động sản đến cuối tháng 6 ước tăng 6%, cho vay chứng khoán tăng 3%, còn cho vay ở các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT ước giảm 1,6%. NHNN cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát chặt vốn vay vào các lĩnh vực rủi ro này.
Việc nguồn cung cho vay hạn chế cũng có thể khiến lãi suất cho vay dần bị đẩy lên. |
Việc tín dụng tăng trở lại đã khiến “chiếc áo” hạn mức tín dụng giao cho các ngân hàng dần trở nên chật chội. Ngay từ thời điểm đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng lần 1 đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Theo đó, nhóm ngân hàng gốc quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” tín dụng năm nay ở mức 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, một số ngân hàng được giao chỉ tiêu cao hơn nhóm gốc quốc doanh, gồm: VIB, ACB, Sacombank ở mức 8,5-9,5%; MB, VPBank, Techcombank ở mức 10,5-12%. Theo NHNN, việc cấp tín dụng cho các ngân hàng sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A, B, C... và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.
Hạn mức tín dụng cũng sẽ được cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi từng đợt khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng ngân hàng. Đặc biệt, các ngân hàng ưu tiên rót vốn vào lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, quản trị rủi ro tốt sẽ được NHNN xem xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Ngay từ tháng 4 năm nay, nhiều ngân hàng đã buộc phải hạn chế giải ngân vì đã tiệm cận hạn mức được giao. Được biết hiện đã có khoảng 10 ngân hàng thương mại đề nghị NHNN sớm nới “room”.
Việc nguồn cung cho vay hạn chế cũng có thể khiến lãi suất cho vay dần bị đẩy lên. Thanh khoản hệ thống trong quí 2 năm nay cũng đã ở tình trạng bớt dư thừa hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần hiện đã ổn định từ 1,3-1,5%/năm thay cho mức dưới 0,5%/năm như một năm trước. Xu hướng lãi suất tăng trở lại, mặc dù chưa quá mạnh và rõ ràng nhưng cũng đã bắt đầu có dấu hiệu manh nha, nhất là trong bối cảnh rủi ro lạm phát luôn tiềm ẩn, sẽ là những yếu tố rất đáng chú ý đối với cả người cho vay lẫn người đi vay trong sáu tháng cuối năm nay.
Có nên kiểm soát bằng trần tín dụng?
Việc sử dụng công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng giúp NHNN kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống (nhằm cân đối với các mục tiêu khác như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát), đồng thời cũng phần nào kiểm soát được nợ xấu (chỉ tăng hạn mức tín dụng cho những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp).
Mặc dù có những ưu điểm như trên, nhưng điểm hạn chế của công cụ này là giảm sự linh hoạt cho hệ thống khi các ngân hàng thương mại luôn ở vào thế bị động trong hoạt động cho vay của mình. Những năm gần đây đều xuất hiện tình trạng ngân hàng phải xin tăng “room” tín dụng nên theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giải pháp NHNN nên xem xét là để mỗi ngân hàng tự điều chỉnh tăng trưởng tín dụng theo khả năng kinh doanh của mình.
Trên thực tế, thay vì dùng trần tín dụng, việc áp dụng một số chỉ tiêu khác như hệ số an toàn vốn (CAR), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, chỉ số dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR)... cũng có khả năng giúp NHNN kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống.
Trước đó, Moody’s, từng nhận định hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi. Tương tự, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng; đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường.
Tuy vậy, đứng ở góc độ của nhà điều hành, vẫn có những lý do nhất định để duy trì công cụ hạn mức tín dụng. Trong những năm gần đây, yêu cầu quan trọng của Chính phủ vẫn thiên về hướng ổn định vĩ mô, mà muốn ổn định vĩ mô thì trước hết phải ổn định thị trường tài chính tiền tệ. Và hạn mức tín dụng đang được coi là một trong những công cụ để NHNN bình ổn thị trường tiền tệ. Hiện tỷ lệ tín dụng trên quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã ở mức cao (khoảng 140% GDP), đòi hỏi nhà điều hành phải rất thận trọng trong việc kiểm soát mức tăng tín dụng chung. Nếu để tín dụng một năm tăng vài chục phần trăm mà chất lượng tín dụng không đảm bảo thì nợ xấu sẽ rất khó lường, gây bất ổn vĩ mô trên diện rộng.
Với những lý do trên, hạn mức tín dụng có thể sẽ vẫn được NHNN duy trì trong ngắn hạn. Trong tương lai, khi các công cụ điều hành, các chuẩn hoạt động của hệ thống ngân hàng ngày một hoàn thiện hơn cũng như sự phát triển của thị trường vốn ngày càng lớn mạnh thì việc bỏ trần tín dụng có thể sẽ được NHNN tính đến.
Xem thêm: lmth.moor-ion-coud-noum-ial-gnah-nagn-cac-cas-iohk-gnud-nit/378713/nv.semitnogiaseht.www