vĐồng tin tức tài chính 365

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 6: 'Bác sĩ kèn đồng' hiếm hoi ở Sài Gòn

2021-07-05 13:49
Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 6: Bác sĩ kèn đồng hiếm hoi ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Với Nguyễn Khang, sửa kèn là đam mê - Ảnh: LÊ VÂN

"Cây kèn đối với nghệ sĩ không chỉ là nhạc cụ kiếm cơm, nó còn như đứa con tinh thần, có người quý kèn như... vợ. Khách giao kèn cho mình sửa thường dặn dò phải làm cho "vợ" tui thật đẹp, thật hay nha.

Anh NGUYỄN KHANG

Mỗi cây kèn là một bảo bối

Hiện nay, để tìm một địa chỉ uy tín có thể sửa kèn saxophone là cả một vấn đề. Có nghệ sĩ thường phải gửi kèn đi nước ngoài sửa trong các chuyến lưu diễn. Nhưng ngay ở Sài Gòn, gần 20 năm qua có một xưởng kèn đồng đã trở thành địa chỉ thân thiết của người chơi kèn saxophone. Đó là anh Nguyễn Khang được nhiều nghệ sĩ đặt biệt danh "bác sĩ kèn đồng".

Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam cũng trao cho anh danh hiệu "Người sửa chữa thành công cho nhiều chiếc kèn nhất và là nhà bảo hành kèn cho Công ty nhạc cụ Yamaha Việt Nam".

Kể cơ duyên đến với nghề, Khang cho biết anh học được nghề sửa kèn từ ông ngoại. Gia đình bên ngoại anh có một tiệm sửa kèn nhỏ từ trước năm 1975. Ông ngoại anh vốn là lính quân nhạc. Trước năm 1954, ông học nghề sửa kèn trong quân đội. Sau này ông về mở xưởng sửa chữa kèn tại nhà, chủ yếu nhận làm những cây kèn từ các nhà thờ.

"Mình được ông ngoại và cậu ruột truyền dạy lại nghề này và theo đuổi cho đến nay. Lúc đó ngoài giờ đi học, mình ở nhà được ông và cậu dạy cho sửa kèn. Vì được tiếp xúc với kèn từ bé, mình rất thích thú và yêu thích công việc này.

Nhìn ông làm việc, mình rất ngưỡng mộ ông và mơ ước sau này có thể kế nghiệp ông làm công việc sửa kèn đồng. Bây giờ thì mình đã và sẽ vẫn làm công việc yêu thích này", anh kể.

Trong số con cháu dòng họ về sau, chỉ có Nguyễn Khang và hai người em trai anh yêu thích nghề gia truyền của ông ngoại.

"Hồi bé mình thấy người ta ôm kèn tây đến nhà ông bà sửa thì tò mò lắm. Ai cũng nâng niu cho tới khi gặp đúng ông ngoại mình mới chịu giao kèn sửa", anh nhớ lại. Ông ngoại anh mỗi khi nhận kèn từ khách cũng vì thế mà rất cẩn trọng.

Anh luôn nhớ lời ông dặn: "Đã không làm thì thôi, còn nhận sửa cho khách là phải trân quý cây kèn như món bảo bối của họ. Có như vậy thì mới dồn tâm sức mà làm cho tốt".

Xưởng kèn đồng của anh Khang trong những ngày dịch COVID-19 vẫn đầy ắp kèn xếp hàng chờ được "hồi sinh". Mới nhất, anh nhận được cây kèn "vượt" đại dương từ Úc tìm về xưởng anh để sửa.

"Nghe khách kể lại cây kèn bị xe chèn qua, và khi nhận được mình cũng hết hồn vì nó biến dạng, cong móp rất nặng. Để sửa những cây kèn như vậy có khi mình phải mất cả tuần đến 10 ngày.

Nhưng hoàn thành xong một cây kèn khó như thế này cảm xúc rất phấn khích, nhẹ nhõm khi đã giúp khách khôi phục được cây kèn trở về trạng thái ban đầu, giữ được âm thanh chuẩn xác", anh chia sẻ.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 6: Bác sĩ kèn đồng hiếm hoi ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Nhiều nghệ sĩ saxophone nước ngoài cũng tìm đến xưởng kèn Nguyễn Khang gửi anh sửa nhạc cụ - Ảnh: NVCC

"Bác sĩ kèn đồng" của nhiều nghệ sĩ nổi danh

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn là một trong những khách hàng thân thiết của anh Khang đã gần 20 năm nay.

"Mình biết Khang qua một người bạn, cũng gần 20 năm rồi. Quý nhất ở cậu ấy là cái nết cẩn thận, tỉ mỉ. Sửa một cây kèn không chỉ phải làm cho hình dáng nó hết móp, tròn trịa trở lại mà còn phải hoàn thiện từ âm thanh đến các chi tiết bên trong về kỹ thuật. Bản thân mình là người sở hữu nhiều cây kèn saxophone cổ nên chỉ giao cho Khang mới an tâm", ghệ sĩ chia sẻ.

Trước đây, trong các chuyến lưu diễn quốc tế, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thường phải mang kèn bị lỗi theo để sửa nếu có vấn đề. Nhưng từ khi biết tới xưởng kèn của anh Khang, ông đã không còn phải gửi đứa con tinh thần đến những nơi xa để sửa chữa như trước.

Nghệ sĩ kể lại một kỷ niệm đặc biệt: "Cách đây 15 năm, khi nghệ sĩ saxophone jazz Wayne Shorter, người từng giành 11 giải Grammy, đến Việt Nam lưu diễn đã gặp sự cố. Cây kèn saxophone ông mang theo bị lỗi kỹ thuật. Tôi đã cho ông mượn cây kèn của mình để biểu diễn, còn cây kèn của Wayne Shorter tôi gửi cho Khang sửa chữa.

Thật tuyệt vời là khi kết thúc chuyến lưu diễn ở Việt Nam, Wayne Shorter đã nhận lại cây kèn saxophone của mình và rất hài lòng. Ông khá bất ngờ vì ở Việt Nam lại có một người trẻ tuổi có thể thuần thục nghề sửa kèn saxophone như thế".

Nhiều nghệ sĩ kèn saxophone từ gạo cội đến tài năng trẻ của Việt Nam như nghệ sĩ Quyền Văn Minh, Xuân Hiếu, Hoài Phương... cũng đều tin tưởng chọn anh Khang để gửi "vàng" khi nhạc cụ của họ có vấn đề cần sửa chữa.

Để sửa chữa, anh Khang nhập linh kiện cả mới lẫn cũ từ những nơi uy tín như Mỹ, Đức, Pháp về xưởng. Vì vậy, trong hàng ngàn cây kèn đã qua tay "bác sĩ kèn đồng" Nguyễn Khang, chưa bao giờ anh phải bó tay.

Áp lực của anh khi sửa kèn đồng là giá trị của đa số cây kèn đều rất lớn. Có cây "bèo" nhất cũng đã vài ngàn đô, chưa kể những cây kèn cổ vừa khó định giá vừa như báu vật của người nghệ sĩ. Có cây kèn còn được mua cả... bảo hiểm, nên nếu anh không có kỹ thuật cao, kinh nghiệm, sự tỉ mỉ, tinh tế thì khách hàng sẽ không bao giờ dám gửi đến.

Tiếng lành đồn xa, nhiều dàn nhạc của nhà hát TP.HCM, Hà Nội hay các trường quốc tế, hội kèn bên các xứ đạo... đều tìm đến xưởng kèn Nguyễn Khang nhiều năm nay.

"Thật ra với niềm đam mê, mình luôn trân quý tất cả những cây kèn được khách mang đến giao phó. Mình luôn hết tâm huyết để sửa chữa. Đối với mình, cây kèn nào cũng mang một giá trị tinh thần nhất định đối với người chủ của nó, vậy nên mình luôn tôn trọng như nhau", anh bộc bạch.

Anh Khang cũng là người hiếm hoi ở Việt Nam được Công ty Yamaha Việt Nam mời qua Nhật Bản tham dự khóa huấn luyện về sửa kèn và được chứng nhận là "Nghệ nhân sửa kèn đồng" do Công ty Yamaha ở Nhật cấp.

Hiện tại, Nguyễn Khang dùng toàn bộ không gian tầng trệt của nhà riêng để làm xưởng sửa kèn. Việc sửa chữa được anh làm theo thứ tự chứ không làm nhiều cây kèn cùng lúc. Khi làm cây kèn nào là anh Khang phải hoàn thiện cây đó.

Việc sửa kèn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn thì khi hoàn thành mới có thể tạo ra âm thanh một cách chuẩn xác.

Đối với khách ở xa, trước khi giao kèn cho khách, anh luôn kiểm tra lại cẩn thận, phải thổi thử để đảm bảo không có sai sót trước khi gửi đi. Và khi gửi đi anh luôn đóng thùng mút, chèn cẩn thận đảm bảo cây kèn không bị va đập. Tất cả những cây kèn đại tu, anh sẽ bảo hành cho khách 12 tháng về lỗi kỹ thuật.

"Những cây kèn sau khi được mình sửa phải mất ít nhất 4-5 năm mới cần làm lại, trừ khi do chủ sở hữu vô ý làm rớt hay bị va đập mới phải mang đến cho mình sửa", anh Khang tự tin chia sẻ.

Truyền nghề

20 năm, số lượng kèn Nguyễn Khang sửa có đến vài ngàn cây. Anh Khang có hai người em trai đang được anh đào tạo để truyền nghề. Họ chia nhau phụ các công đoạn như vệ sinh, đánh bóng cho sạch sẽ các cây kèn trước khi anh Khang bắt tay vào sửa chữa.

Người sửa kèn đồng ở Sài Gòn ngoài việc tiếp tục giữ nghề gia truyền, còn nhận dạy nghề cho nhiều học trò cũng đam mê và muốn trở thành "bác sĩ kèn đồng" như anh.

*******

Gần 30 năm, Hai Cương vẫn miệt mài với công việc xây dựng cơ ngơi cho những "cánh chim giang hồ".

>> Kỳ cuối: Người chăn chim số 1

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 5: Người thợ làm... máy bay chiến đấuNghề hiếm còn sót lại - Kỳ 5: Người thợ làm... máy bay chiến đấu

TTO - Những chiếc máy bay tiêm kích biểu tượng của sức mạnh chiến tranh. Sở hữu được một chiến đấu cơ y hệt thực là niềm đam mê của không ít người dù chỉ là mô hình thu nhỏ.

Xem thêm: mth.21520049140701202-nog-ias-o-ioh-meih-gnod-nek-is-cab-6-yk-ial-tos-noc-meih-ehgn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 6: 'Bác sĩ kèn đồng' hiếm hoi ở Sài Gòn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools