Người dân khai báo ý tế khi ra vào quận Gò Vấp lúc quận này áp dụng chỉ thị 16 - Ảnh: LÊ PHAN
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo UBND TP.HCM, sáng 5-7.
Tại điểm cầu TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tham dự cuộc họp. Tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Theo đó, TP.HCM là địa bàn quan trọng nên Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và phân công Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Trước yêu cầu cần tập trung cao nhất cho TP.HCM, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sáng 4-7, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, ngoài phụ trách công tác phòng, chống dịch chung của cả nước, trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại đây.
Người ra vào thành phố phải quét mã QR code
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, TP.HCM thực hiện phân cấp, giao quyền đến từng quận, huyện, thành phố.
Cùng với đó, do năng lực phòng, chống dịch của các quận, huyện, thành phố không đồng đều nên bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM không chỉ hỗ trợ phòng, chống dịch chung trên toàn địa bàn mà sẽ trực tiếp hỗ trợ từng huyện, quận, thành phố.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết tính từ 6h ngày 4-7 đến 6h ngày 5-7, thành phố ghi nhận 711 ca mắc COVID-19, trong đó 169 ca tầm soát trong các bệnh viện, 12 ca tầm soát trong cộng đồng, các ca còn lại phát hiện trong các khu cách ly, khu phong tỏa.
Qua phân tích, giai đoạn trước, các ca phát hiện bên ngoài khu phong tỏa, cách ly tầm soát trong cộng đồng chiếm đến 75%; tuy nhiên, trong những ngày gần đây chỉ còn 17%, còn hơn 80% các ca phát hiện qua việc khám tầm soát bệnh nhân đến các bệnh viện.
Ông Dương Anh Đức cho biết các quận, huyện tăng 40 ca/ngày/100.000 dân gồm: Quận 1; 3; 7; 8; 9; Bình Tân; huyện Bình Chánh. Các quận, huyện có số ca tăng 20-40 ca/ngày/100.000 dân gồm: Quận 5; 10; 11; Tân Bình; Tân Phú; huyện Nhà Bè và thành phố Thủ Đức. Quận 6; 12; Bình Thạnh; Cần Giờ; Củ Chi; Gò Vấp; Phú Nhuận có dưới 20 ca/ngày/100.000 dân.
Trong bối cảnh trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định: "Cần có biện pháp để giảm nhanh sự phát tán của các mầm bệnh, trong đó, phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch là một trong những yếu tố quyết định giảm sự phát tán của virus".
Theo đó, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 10/CT-UBND, có nghĩa, tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg trên toàn thành phố và tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên các khu vực hẹp bên trong. TP.HCM thống nhất quan điểm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố để hàng hóa lưu thông, không bị ách tắc.
Những chuyến hàng 0 đồng chở nhu yếu phẩm liên tục đến tay bà con ở TP.HCM trong mùa dịch - Ảnh: KIM ÚT
Đồng thời, TP.HCM khuyến nghị người có việc thật sự cần ra vào thành phố, phải thực hiện theo Công điện của Bộ Y tế trong việc thực hiện xét nghiệm. Thành phố sẽ triển khai nhanh các hệ thống kiểm soát người được xét nghiệm trước khi ra vào thành phố. Tại các điểm kiểm soát, người ra vào thành phố chỉ cần quét mã QR code.
Trong trường hợp có quy định mới liên quan đến việc đi lại, người dân phải được thông báo trước 24 giờ. Thành phố đang tích cực phối hợp với các địa phương, cơ quan Trung ương để hoàn thành hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định tinh thần chỉ đạo sâu sát, quyết liệt trong việc bảo đảm đời sống cho người dân, đặc biệt những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đang tích cực triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Trong vòng 1 giờ khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1
Nỗ lực loại bỏ và giảm dần các nguồn lây trong cộng đồng, những khu vực phong tỏa, cách ly của TP.HCM siết chặt việc giãn cách nhà với nhà, khu phố với khu phố… hạn chế lây lan ra ngoài cộng đồng.
Trong thời gian tới, thành phố đẩy mạnh điều tra dịch tễ, truy vết nhanh F0, cách ly tập trung F1 được thực hiện trong thời gian ngắn, ngành y tế đặt mục tiêu trong vòng 1 giờ khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1; tiến hành xét nghiệm lặp lại từ 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao.
Thành phố tăng cường quản lý giám sát phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp (9/15 khu công nghiệp của thành phố đã phát sinh các ca mắc COVID-19, các ổ dịch với số lượng ngày càng lớn); kiểm soát tốt nơi khu lưu trú, ký túc xá, nơi công nhân thuê trọ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết TP.HCM đã thành lập Trung tâm Điều hành xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt, giúp các các đơn vị thực hiện xét nghiệm nhanh nhất và đúng thời gian.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã tập huấn cho hơn 100 tổ kiểm tra an toàn các khu công nghiệp, song, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, tốc độ hoạt động còn chậm; đề nghị thành phố đôn đốc triển khai các tổ này để đảm bảo an toàn nhà máy, khu công nghiệp.
Đến nay, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại thành phố và UBND TP.HCM đã thống nhất phương án cách ly trường hợp F1 tại nhà để tăng cường năng lực tiếp nhận các trường hợp F1 tại khu cách ly tập trung.
Xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả, không chạy theo số lượng
Người dân xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện 175 TP.HCM chiều 5-7 - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng hiện nay TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên với quy mô dân số đông, giao lưu rộng trên cả nước, trong đó có thủ đô Hà Nội, vì vậy, TP.HCM khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các địa phương lân cận để có hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố, bảo đảm không ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã có Công điện số 973/CĐ-BYT ngày 30-6-2021 về việc tăng cường phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh, trong đó hướng dẫn người điều khiển các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Trước đề nghị của TP.HCM về việc bổ sung, hướng dẫn rõ thời gian có giá trị đối với kết quả xét nghiệm, Bộ Y tế cam kết, trong ngày 5-7 sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, về mặt công nghệ, tất cả người dân đều đã được cấp mã QR code qua các ứng dụng khai báo y tế hay Bluezone hay NCOVI; vì vậy, khi đi qua các điểm kiểm soát, người dân chỉ cần quẹt mã.
Trong vòng 24 giờ tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Y tế khẩn trương tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin vào mã QR code cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tất cả những người có nhu cầu ra vào TP.HCM bắt buộc khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm đầy đủ. Đối với công nhân ngoại tỉnh làm việc tại TP.HCM, thành phố sẽ có thỏa thuận cụ thể với các tỉnh lân cận.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng nếu thực hiện đúng những chỉ đạo về thực hiện tích hợp khai báo y tế, kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin vào trong một mã QR code cho người dân, vận tải hàng không cũng như đường bộ sẽ hạn chế, thậm chí không xảy ra ách tắc.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thống nhất các biện pháp liên quan đến hoạt động đi lại của người dân, trong đó TP.HCM phải có phương án thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn việc tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin của người dân vào mã QR code cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra vào TP.HCM.
"Người được xét nghiệm âm tính không có nghĩa tuyệt đối an toàn, mọi người dân vẫn phải tuyệt đối cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K", Phó Thủ tướng lưu ý.
Xung quanh vấn đề xét nghiệm và truy vết của TP.HCM, Phó Thủ tướng lưu ý TP.HCM cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm khác nhau, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trên tinh thần "tiết kiệm, hiệu quả, không chạy theo số lượng" để phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca mắc COVID-19.
"Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus để phục vụ công tác truy vết", Phó Thủ tướng yêu cầu.
TTO - Tính đến 10h ngày 5-7, TP.HCM có tổng cộng 738 điểm phong tỏa do COVID-19. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đang tiếp tục cập nhật.