Sau đó, trong bài phát biểu cuối cùng trước Quốc hội Liên bang Đức, bà Merkel nhấn mạnh EU cần học theo phương thức của Tổng thống Biden, tìm cách tiếp xúc trực tiếp với Nga. Về phần mình, Nga đã “giữ thái độ tích cực” đối với đề xuất này. Tuy nhiên, câu chuyện nội bộ EU xung quanh đề xuất này lại không hề đơn giản như đề xuất.
Quan điểm bà Merkel cho rằng trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, hòa bình, an ninh... cũng như tìm cách giải quyết xung đột ở Syria và Libya, EU phải cùng Nga hình thành chương trình nghị sự với lợi ích chiến lược chung. Còn ông Macron, tuy không rõ ràng và mạnh mẽ như bà Merkel nhưng lâu nay vẫn chủ trương tiếp xúc và cải thiện quan hệ với Moscow, đồng thời mời Nga trở lại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7). Tuy nhiên, giống như sự phản đối trong giới nghị sĩ Đức với bà Merkel, ý tưởng của ông Macron cũng vấp phải luồng dư luận phức tạp ở Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Chẳng thế mà người ta nói Hội nghị thượng đỉnh EU đã trở nên căng thẳng sau khi mọi ý đồ được bày tỏ. Về thái độ, Hy Lạp, Cyprus, Italy ở Nam Âu và Áo thuộc Trung Âu ủng hộ ý tưởng hội đàm với ông Putin. Thủ tướng Italy Mario Draghi ủng hộ EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin, nhấn mạnh Nga là bên tham gia quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, EU phải tích cực đối thoại. Còn Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng EU gần hơn với Nga về mặt địa lý, nhiều vấn đề chịu ảnh hưởng trực tiếp hơn so với Mỹ, do đó EU phải hành động.
Tuy nhiên, theo tờ Financial Times của Anh nhận định, Hội nghị Thượng đỉnh EU-Nga do Đức và Pháp đề xuất khiến các nước ven biển Baltic lo ngại. Còn Reuters bình luận rằng sáng kiến chung của Đức và Pháp thất bại lộ rõ sức ép mâu thuẫn mà EU phải đối mặt. Các nhà lãnh đạo EU lại quay về lập trường quen thuộc là kêu gọi có thêm biện pháp kiềm chế Nga, bao gồm tăng cường trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Câu chuyện Brexit của nước Anh được đánh giá là gây tổn hại nghiêm trọng đến sức mạnh của EU, cho thấy khả năng đoàn kết của EU đang suy yếu. Và, hội nghị thượng đỉnh lần này chỉ là sự kiện mới cho thấy những rạn nứt trong chính sách đối nội, đối ngoại của EU. Đặc biệt là từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, bất đồng về lập trường giữa các nước EU ngày càng lớn trong các vấn đề quan trọng và nhạy cảm như quan hệ quốc tế, địa chính trị, thương mại thế giới hay khoa học công nghệ, năng lượng...
Nguyên tắc được EU thiết lập là trong mọi vấn đề ngoại giao quan trọng, 27 nước thành viên của EU phải đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, thực tế là bất đồng giữa các nước ngày càng tăng, khiến không gian hành động trong chính sách đối ngoại của EU bị hạn chế rất nhiều. Cuối tháng 5-2021, khi trả lời phỏng vấn, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell cho biết trước những biến động lớn của tình hình thế giới, EU phải trở thành một cực của thế giới nhưng về mặt tăng cường liên kết chính trị và nâng cao năng lực quân sự chung, nội bộ EU thường thiếu tính thống nhất.
Việc Pháp và Đức lần này đột nhiên đề nghị tổ chức cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, không những khiến các nước “không ưa” Nga lo ngại hơn, mà còn khiến họ tìm được cơ hội để bày tỏ sự bất bình đối với Pháp, Đức.
Hội nghị Vì Tương lai Châu Âu là một trong những hoạt động nhằm gắn kết các thành viên. |
Vào tháng 9 tới, Đức sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội liên bang và từ lâu bà Merkel đã tuyên bố không tái cử, thời gian cầm quyền còn lại của bà không nhiều. Dưới sự lãnh đạo của bà, Đức là nước đi đầu kiên định hội nhập châu Âu. Bà tích cực dẫn dắt châu Âu tăng cường liên kết chính trị ở cấp độ cao hơn, đồng thời tìm cách cải thiện quan hệ với các nước lớn, cố gắng duy trì cân bằng quan hệ giữa Đức với các nước lớn trên thế giới và châu Âu, bảo vệ lợi ích của Đức. Cũng bởi muốn có thêm nhiều kế hoạch và thúc đẩy chiến lược trong nhiệm kỳ của mình, bà sẵn sàng mâu thuẫn với Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị cấp cao NATO, Hội nghị thượng đỉnh EU vào giữa tháng 6 và bài phát biểu của bà Merkel tại Quốc hội Đức và Hội nghị thượng đỉnh EU lần này đều được coi là lời tạm biệt của bà Merkel. Bà chắc chắn giữ lại tiếng nói và dấu ấn của mình trong những sự kiện quan trọng này và để lại di sản cho lịch sử của Đức và EU. Bà Merkel luôn tỉnh táo và thực dụng, mặc dù bà không thể xoay chuyển được châu Âu và EU nhưng những việc làm như đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU-Nga vẫn được không ít luồng dư luận cho là việc làm có tầm xa và sáng suốt. EU và Nga tiếp tục đối đầu đều không có lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, sự chia rẽ của châu Âu và bất đồng nội bộ trong EU là điều mà khó có nhà lãnh đạo nước lớn nào ở EU có thể tác động và thay đổi ngay được. Lịch sử châu Âu vốn đầy khó khăn trắc trở và tương lai có vẻ như cũng khó mà khả quan hơn.
Ngọc Hương (tổng hợp)Xem thêm: /426846-agN-coun-iv-cud-cul-uA-uahC/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna