vĐồng tin tức tài chính 365

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ cuối: Người chăn chim số 1

2021-07-06 11:01
Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ cuối: Người chăn chim số 1 - Ảnh 1.

Ông Lê Danh Cương gần 30 năm sống với nghề gây dựng những đàn chim ở khắp ĐBSCL - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Buổi sáng, một góc rừng tràm Vị Thắng (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) bỗng ồn ào như cái chợ. Hết chim ốc, diệt mốc, diệt lửa, điên điển tới ốc cao, chằn nghịch... như bị cuốn vào người đàn ông tóc hoa râm liên tục phát ra những tiếng chim.

Những cánh chim giang hồ

Chim chóc hôm nay đông đúc, náo nhiệt quá. Trong đó đã có xự xuất hiện của những "gã" lạ mặt không chút e dè, hoạt náo như đây là địa bàn quen của chúng.

Đầu bữa "điểm tâm" với món cá vụn, đám chim ban đầu tỏ ra dè dặt với người lạ. Nhưng khi thấy Hai Cương (Lê Danh Cương, 62 tuổi), chúng cứ bổ xuống như đám trẻ háu ăn gặp cha mẹ mới đi chợ về. Trong số này, có những anh chàng chim cường tráng ra vẻ "đại ca" tranh trước phần ngon, còn đám yếu thế đứng thập thò một bên góc.

Thấy rõ tình hình, Hai Cương phát thêm thức ăn cho những "kẻ thấp cổ bé họng". Ông cười hiền: "Coi vậy chứ trong xã hội chim cũng có kẻ mạnh, kẻ yếu, có cát cứ, có bảo kê... Mấy con mới đến là ma mới khó tranh ăn. Nhưng sau thì chúng trở tánh trở nết biết hết, thậm chí bắt nạt cả những con cũ. Nếu không phát hiện kịp là đám chim yếu sẽ ốm đói, thậm chí bất mãn bỏ đi...".

Đám chim quen bản địa trong thời gian đi ngao du khắp nơi, chúng đã kết giao với đám chim trời phương khác. Không hiểu khoe mẽ thế nào mà đám chim lạ đã theo chúng kéo bè kéo cánh về sinh sôi ở rừng tràm Vị Thắng. Nhiều đến mức những người ở đây phải nhanh trồng các loại cây khác, nếu không chúng sẽ quậy "bình địa", chẳng bao lâu rừng ở đây như bị khai hoang ngay.

Đám chim thiết lập địa bàn, làm mưa làm gió ở cánh rừng Vị Thắng là bởi chúng đi theo tiếng gọi của "lão đại hiệp" Hai Cương. Cũng có những chú chim sắp bị "hóa kiếp" thì được Hai Cương giải cứu, mang về điều trị vết thương rồi cho chúng nơi ăn, chốn ở, nơi có rừng xanh, chúng được tự do tung hoành... 

Gần 30 năm rồi, những cánh chim ở khắp miền Tây chắc không còn xa lạ gì ông nữa. Bởi nhờ ông mà những cánh chim giang hồ bỏ đi hoang đã trở lại có nơi, có chỗ nương tựa của người tâm huyết với chim trời.

Đã gần 10 năm quen biết, lần nào trò chuyện Hai Cương cũng nhắc ông từng là lính trận. Ông đánh quân Pol Pot trên khắp chiến trường Campuchia, rồi lại xông pha chống "chiến dịch biển người" xâm phạm biên giới phía Bắc Việt Nam.

Hòa bình, Hai Cương được phân công về công tác tại Lâm viên 19-5, một khu rừng nhỏ nằm trong lòng thành phố Cà Mau, nơi mà ông nói đó là cả may mắn cho ông gắn bó với những người tâm huyết và duyên nợ với chim trời.

Lúc ấy, Lâm viên 19-5 do bà Lê Thị Liễu (cô Tư Liễu) làm giám đốc. Đơn vị này trực thuộc Sở Lâm nghiệp tỉnh Minh Hải (sau tách tỉnh là Cà Mau và Bạc Liêu) do ông Phạm Hữu Liêm làm giám đốc. 

Ông Liêm là chồng bà Liễu, những người trưởng thành từ kháng chiến. Thời bình, họ ấp ủ xây dựng một "Minh Hải thu nhỏ" cho khách tới Cà Mau biết đến và cũng để thế hệ sau biết về thiên nhiên trù phú của vùng đất tận cùng đất nước. Mà vườn chim là một nét vô cùng quý giá, là thăng hoa của thiên nhiên nơi đây.

Ý tưởng một sân chim giữa lòng thành phố được thực hiện trong ngờ vực của nhiều người. Mặc dù được cấp trên, cũng là chồng ủng hộ, nhưng bà Liễu không dễ vượt qua cơ chế khi đó để tạo dựng điều mới mẻ, khó tin đó. 

May là dưới bà cũng có những người trẻ tâm huyết, ủng hộ ý tưởng của bà. Trong đó, Hai Cương được bà coi là "lính ruột" trong nhóm thuần hóa chim hoang thành như chim nhà của bà Liễu.

Để xây dựng vườn chim, nhóm bà Liễu, ông Cương dùng cách thuần hóa nhóm chim hoang ban đầu rồi thả chúng về trời. Đám chim này đi chơi khắp nơi, kết bạn kết bè với vô số chim hoang. Không biết chúng "PR" cho nơi sống của mình thế nào mà khi chúng bay về là đám chim giang hồ cũng bay về theo. 

Thấy về lâm viên có rừng ở thoải mái mà có cái ăn, đám chim "bụi đời" lại đi tuyên truyền cho nhiều đàn chim khác. Ban đầu chúng cử vài con đến "coi thử có đúng lời đồn" không. Quả y như vậy, thế là chúng kéo nhau xuống lâm viên rồi làm ổ, sinh sôi...

Hai Cương kể hồi phát hiện có chim lạ bay về cùng đám chim nuôi ở lâm viên, cô trò ông mừng rơi nước mắt. Vậy là có cơ sở để dụ đám chim hoang về sống nơi khu rừng tràm bên cạnh. 

Để yên tâm, bà Liễu biệt phái Hai Cương cất chòi ngủ trong rừng để vừa nghiên cứu tập tính của chim, vừa canh trộm bên ngoài vào bắt trộm chim ăn thịt.

Những vị khách từ trên trời ngày càng càng đông, rồi "nhập khẩu" vào rừng tràm ở Lâm viên 19-5 ngày càng nhiều. Chúng là chim hoang nhưng lại coi Hai Cương là người nhà. Ông được biệt đãi cho đến gần chúng mà không bị nghi kỵ, sợ sệt. Ngược lại, ông cũng cư xử với chúng như bạn bè thân thiết, "phải cưng chim thì chim mới mến".

Thời gian ăn ngủ, gần gũi cùng chim, Hai Cương không hay là mình đã "lành nghề", gắn bó với đám chim trời khi nào không biết. Ông có thể biết chừng số lượng chim. Mỗi chiều về thiếu con nào là ông biết, đoán chắc chúng đi ăn rồi bị gài bẫy, không về nữa.

Chẳng lâu sau, chim trời đã về sống đầy Lâm viên 19-5 và trở thành một hiện tượng lạ. Báo chí đưa tin. Khách mua vé vào lâm viên rần rần.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ cuối: Người chăn chim số 1 - Ảnh 2.

Vườn chim Bạc Liêu nổi tiếng được ông Cương giúp khôi phục - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Theo những cánh chim

Làm việc đang ngon đang lành, bà Liễu bị cách chức vì sự cố rơi cáp treo, một lĩnh vực không phải chuyên môn của bà. Nhưng là người đứng đầu, bà chịu trách nhiệm.

Ông Phạm Thạnh Trị (Bảy Trị), nguyên chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhớ lại lúc đó khách quý đến Cà Mau đoàn nào lãnh đạo tỉnh cũng dẫn tham quan vườn chim. Cái độc đáo thì phải khoe. Lần đó, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trực tiếp gọi ông nhờ cử chuyên gia "có nghề" đến giúp gây dựng vườn chim ở rừng tràm Tân Phước. 

"Tui thấy họ muốn làm thiệt, họ mê chim thiệt nên tui cho cử thằng Cương đi giúp họ", ông Bảy Trị nhớ lại.

Không biết ông Hai Cương làm cách nào đó mà không lâu sau, ông Bảy Trị được lãnh đạo tỉnh Tiền Giang gọi cảm ơn đã giúp xây dựng thành công vườn chim Tân Phước, giờ chim về rợp trời rồi. "Nghe, tui mừng quá. Có dịp tui lên trển coi thử, không ngờ chim quá xá bây", nguyên lãnh đạo Cà Mau kể.

Tiếng lành đồn xa ngón nghề độc đáo hiếm có, Hai Cương được khắp nơi mời đến tạo dựng vườn chim. Từ tỉnh gần nhất là Bạc Liêu mời Hai Cương lên khôi phục vườn chim tại thành phố Bạc Liêu. 

Chim về đầy, ông lại được chủ khu du lịch Vinh San ở Vĩnh Long mời tạo vườn chim ngay trong vườn trái cây. Một thử thách thật sự. Dường như có một tiếng gọi vô hình, ông đi đâu thì chim trời cũng theo đến đó.

Hai Cương kể trong những nơi đến gầy dựng vườn chim, ông tâm đắc nhất là khu rừng tràm ở Làng nổi Tân Lập (Long An). Nơi đây thiên nhiên giàu có, chim nhiều vô kể, có thể gọi là "thủ phủ chim". 

Sau khi gầy dựng thành công vườn chim ở Tân Lập, như một cánh chim, Hai Cương lại nhận lời mời của một tập đoàn lớn về làm giàu cho thiên nhiên tại một khu rừng ở Vị Thắng.

Hôm gặp tôi, ông tâm huyết: "Chú Bảy Trị và một số chú tâm huyết với vùng đất đã làm văn bản gửi lãnh đạo tỉnh cho khôi phục 3 vườn chim huyền thoại của Cà Mau là vườn chim Chà Là, vườn chim Đầm Dơi và vườn chim thành phố Cà Mau. Nghe chú Bảy nói lãnh đạo tỉnh đã đồng ý chủ trương rồi...".

Gần 30 năm, kể từ hồi đầu kéo đám chim trời về định cư, Hai Cương cũng chẳng biết ông đi đâu chim theo đó, hay ngược lại. Đời ông đã chạy theo những cánh chim giang hồ từ lúc nào không biết.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 6: Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 6: 'Bác sĩ kèn đồng' hiếm hoi ở Sài Gòn

TTO - Gần 20 năm qua, anh Nguyễn Khang (38 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) đã mát tay hồi sinh nhiều cây kèn đồng của các nghệ sĩ saxophone nổi danh trong, ngoài nước. Đặc biệt, nhiều cây kèn quý cũng 'vượt' đại dương tìm đến anh để được sửa chữa.

Xem thêm: mth.42145520250701202-1-os-mihc-nahc-iougn-iouc-yk-ial-tos-noc-meih-ehgn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ cuối: Người chăn chim số 1”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools