Theo SCMP, Triều Tiên đang phải giải quyết tình hình khó khăn và tránh nguy cơ xảy ra nạn đói. Thông điệp của nhà lãnh đạo Kim Jong Un gửi Chủ tịch Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc được các nhà phân tích coi là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ bền chặt giữa hai nước sẽ là điều khiến Bắc Kinh hỗ trợ Bình Nhưỡng giải quyết mọi cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc lương thực do đại dịch gây ra.
Trước đó, ông Kim cho biết ông sẽ thúc đẩy và nâng quan hệ hữu nghị song phương "lên một tầm chiến lược mới theo yêu cầu của thời đại và theo mong muốn của nhân dân hai nước".
Ông Kim Jong Un gầy hơn
Gần đây, truyền hình Triều Tiên cho thấy ông Kim gầy hơn và thậm chí còn chiếu cảnh một cư dân không rõ danh tính ở thủ đô Bình Nhưỡng phát biểu: "Nhìn thấy vị tổng bí thư đáng kính Kim tiều tụy khiến trái tim người dân chúng tôi đau nhói".
Các nhà phân tích cho rằng trong khi tình hình kinh tế bi quan và tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên có khả năng tiếp diễn, tình hình hiện tại của Triều Tiên không nguy hiểm như nạn đói xảy ra vào thập niên 1990.
Viện trợ từ Trung Quốc cùng với năng lực của Bình Nhưỡng trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng và áp lực bên ngoài, có rất ít khả năng tình hình nội bộ của Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát của nước này.
Ông Kim Jong Un "tiều tụy" hơn trong lần xuất hiện gần đây. Ảnh: SCMP
Khó xảy ra nạn đói
Theo ước tính của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (UNFAO), Triều Tiên sẽ thiếu 858.000 tấn lương thực trong năm nay. Cơ quan này nói thêm rằng nếu lượng thực phẩm này không được đáp ứng thông qua nhập khẩu và viện trợ lương thực, các hộ gia đình có thể trải qua một thời kỳ khắc nghiệt từ tháng 8 đến tháng 10.
Nhưng nguy cơ nạn đói có thể sẽ được ngăn chặn vì Triều Tiên có thể tăng sản lượng nông nghiệp của nước này, mở kho dự trữ lương thực chiến lược và nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga.
Một chuyên gia nhận định: "Khi người dân Triều Tiên thấy ông Kim tiều tụy hơn, việc đó có thể khơi dậy và củng cố sự đoàn kết nội bộ".
Nah Liang Tuang, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết tình hình hiện tại của Triều Tiên có vẻ ít nghiêm trọng hơn nạn đói năm 1994-1998, được cho là làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Khử trùng y tế chống COVID-19 ở Triều Tiên.
Chuyên gia Nah cho biết Bắc Kinh - với tư cách là phía ủng hộ và bảo trợ chính của Triều Tiên - đã cung cấp cho Bình Nhưỡng dầu mỏ thô và dầu mỏ đã tinh chế, đồng thời có khả năng sẽ cung cấp thực phẩm và viện trợ y tế trước khi tình hình thực sự trở nên nghiêm trọng.
"Tình hình rối ren ở biên giới sẽ không phải điều Bắc Kinh muốn" - ông nói.
Trong cuộc gặp hồi tháng 5 với tân đại sứ Triều Tiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng giải quyết các vấn đề kinh tế ngày càng trầm trọng. Hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng hồi năm ngoái chủ yếu là dầu mỏ xuất khẩu và phân bón hóa học.
Người dân ở Triều Tiên.
"Một khi Bình Nhưỡng mở cửa, Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Triều Tiên về những vấn đề liên quan đến sinh kế của người dân. Trước sự cạnh tranh và hợp tác Trung-Mỹ ngày càng gay gắt, Trung Quốc đã và đang cố gắng ngăn bán đảo Triều Tiên rơi vào vũng lầy của một cuộc chiến tranh lạnh mới".
Trong 2 năm qua, mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đi xuống nghiêm trọng khi 2 nước tranh cãi về thuế quan và thương mại, đánh cắp bản quyền công nghệ, những tuyên bố về mối đe dọa của Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ và nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Các câu hỏi xoay quanh vấn đề sức khỏe của ông Kim Jong Un đã được nhiều người đề ra sau khi ông không tham dự lễ kỷ niệm sinh nhật của ông Kim Nhật Thành vào tháng 4. Tình báo Mỹ thậm chí còn cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đang trong tình trạng nguy kịch sau khi phẫu thuật, trong khi các báo cáo khác cho rằng ông đã trải qua một thủ thuật tim mạch do hút thuốc quá nhiều và nguy cơ béo phì.
Tất Đạt
Doanh nghiệp và tiếp thị