Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn , mới đây, UBND TP Bắc Kạn và Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam (Kim Nam Group) đã ký kết tài trợ các sản phẩm quy hoạch tại khu vực hồ Nặm Cắt.
Theo đó, tập đoàn Kim Nam Group sẽ tài trợ, nghiên cứu quy hoạch và đầu tư dự án "Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hồ Nặm Cắt – Tuyệt phẩm hồ trên núi". Dự án này được nghiên cứu quy hoạch trên tổng diện tích 1500ha, thuộc xã Dương Quang, tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến là 6.500 tỷ đồng.
Các hạng mục đầu tư bao gồm khu trồng cây sinh thái; khu làng chài; khu Resort 5 sao; khu thể thao dưới nước; khu ẩm thực; khu du lịch lòng hồ; khu nhà truyền thống; khu thương mại; khu thủy điện; khu văn hóa tâm linh và khu vui chơi giải trí.
Một góc Hồ Nặm Cắt, nơi được Tập đoàn Kim Nam dự kiến đầu tư dự án 6.500 tỷ đồng. Ảnh: VOV.
Về định hướng quy hoạch, khu vực này sẽ xây dựng siêu dự án sinh thái nghĩ dưỡng quy mô lớn, nhằm góp phần thay đổi diện mạo mới cho TP Bắc Kạn, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế và du lịch cho tỉnh.
Dự kiến khi được thực hiện, dự án này sẽ thu hút hơn 200.000 lượt khách trong giai đoạn 2021 - 2025 và gần 400.000 lượt khách giai đoạn 2026 - 2030.
Tuy nhiên, Kim Nam Group vốn không phải là doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản. Vị Chủ tịch có tên Nguyễn Kim Hùng xuất hiện nhiều trên báo chí và mạng xã hội ở vai trò diễn giả, giảng dạy các khóa học.
Theo giới thiệu trên website Kim Nam Group, đây là một tập đoàn kinh tế đa ngành bao gồm 12 công ty thành viên ứng với 12 lĩnh vực khác nhau như khai thác khoáng sản, công nghệ, đầu tư, bất động sản, logistics, thực phẩm, truyền thông,...
Phụ trách mỗi lĩnh vực là một công ty thành viên khác nhau (VMMT, VERCO, Kim Nam Teach, Kim Nam Tax, Kim Nam Land, Kim Nam Invest, Kim Nam HR Gobal, Kim Nam Logistic, Kim Nam Food, Kim Nam Media, Kim Nam Sumi, Vercon Solution, Verig, Học viện doanh nhân).
Kim Nam Group được thành lập vào ngày 2/12/2016, có trụ sở chính tại 562 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Tính đến tháng 3/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ 600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam.
Ông Nguyễn Kim Hùng sinh ngày 17/8/1983, quê quán tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện - điện tử, có trình độ thạc sĩ chuyên ngành kinh tế.
Ông hiện đang giữ các chức vụ: Quyền viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM); chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam; chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần An Bình CGT.
Ông Hùng còn được giới thiệu là một chuyên gia tài chính - tái cấu trúc doanh nghiệp, tham gia hội đồng tư vấn, tham mưu dự thảo các luật (nghị định, thông tư), thông quan viện, hiệp hội.
Theo tờ VietnamFinance, vốn điều lệ của Kim Nam khi mới thành lập là 25 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của ông Hùng là 20%. Đến tháng 12/2018, vốn điều lệ được nâng lên thành 300 tỷ đồng. Mới đây, vào tháng 3/2021, Kim Nam đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên thành 600 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 - 2017, Kim Nam Group không ghi nhận doanh thu thuần. Đến năm 2018, doanh thu thuần của doanh nghiệp này tăng vọt lên 4,8 tỷ đồng trước khi trở về con số 0 vào năm 2019. Cũng trong năm đó, doanh nghiệp này lỗ 769 triệu đồng.
Đáng chú ý, tổng tài sản của Kim Nam Group trong giai đoạn 2016 - 2019 đã tăng hơn gấp... 10.000 lần từ 8,5 triệu đồng trong năm 2016 lên 88,6 tỷ đồng vào năm 2019.
Ngoài ra, công ty VERIG do Công ty Cổ phần Tái cấu trúc Việt (VERCO) - Công ty thành viên của Tập đoàn Kim Nam - thành lập đã từng bị tờ Pháp luật Việt Nam lên tiếng về việc huy động vốn trái phép.
Chủ tịch Kim Nam Group đứng lớp trong khóa huấn luyện tài chính của VERIG.
Theo tin tức độc quyền của Pháp luật Việt Nam, trong biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 17/8/2019, mô hình kinh doanh của VERIG được công bố là dựa trên nền tảng B2B, P2P Lending, Logistic, Tài chính phái sinh và Marketing trên mạng xã hội với hạt nhân là sức mạnh công nghệ cao thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo Blockchain… để giải quyết hầu như mọi vấn đề lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt.
Trong báo cáo tài chính VERIG gửi các thành viên HĐQT thì từ 1/6 – 30/9/2019, chi phí bỏ ra để xây dựng VERIG mới chỉ144 triệu đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính này, dòng tiền giải ngân vốn cho các giao dịch vay - hoạt động kinh doanh chính của VERIG P2P Lending - là bằng 0. Tuy vậy, công ty hứa trả lợi tức 20%/năm cho các nhà đầu tư.
Và dù chỉ bỏ ra 144 triệu đồng để xây dựng nền tảng hạt nhân phần cốt lõi là VERIG, ông Kim Hùng lại chi gần 1 tỷ đồng chi phí Marketing để xây dựng thương hiệu.
Những số liệu bất thường trong báo cáo tài chính của VERIG.
Ngoài con số "khủng" 6.500 tỷ đồng ở dự án hồ Nậm Cắt, một công ty của ông Nguyễn Kim Hùng cũng từng công bố kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng.
Trong Đại Hội đồng Cổ đông VERIG năm 2020, VERIG nhấn mạnh trong chiến lược kinh doanh năm 2022, VERIG phấn đấu doanh thu đạt 4.492 tỷ đồng, lợi nhuận biên dự kiến đạt 2.635 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 2.622 tỷ đồng.
Con số lợi nhuận này thậm chí còn lớn hơn lợi nhuận năm 2020 của hàng loạt ngân hàng như SHB của bầu Hiển (2.607 tỷ), MSB (2.011 tỷ), LienViet Postbank (1.862 tỷ), Bắc Á (587 tỷ đồng)...
Hải Yến
Doanh nghiệp và Tiếp thị