Phiên giao dịch chứng khoán ngày 6.7 đã xảy ra bất ngờ về những phút cuối, lực xả hàng mạnh đặc biệt trong phiên ATC (khớp lệnh xác định giá đóng cửa) đã đẩy chỉ số VN-Index giảm sâu hơn 56 điểm, tương ứng mức giảm xấp xỉ 4%.
Đây là một phiên giảm khiến hầu hết từ nhà đầu tư, dân môi giới… đều bất ngờ. Bởi diễn biến suốt trong phiên đến thời điểm trước khi bước vào ATC, thị trường rung lắc và giằng co, VN-Index có lúc tăng có lúc giảm cho dù mức giảm nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi như thế, lực xả hàng chốt lời cũng không đến mức khiến VN-Index giảm hơn 10 điểm chứ không nói là hơn 56 điểm.
Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán trong ngày, thông tin về tình hình kinh tế xã hội không có tín hiệu gì có thể xem là tiêu cực tác động đến thị trường. Thị trường có thể điều chỉnh sau chuỗi tăng dài nhưng rất khó có khả năng điều chỉnh mạnh đến mức giảm hơn 56 điểm.
Đặc biệt, các thông tin đầu tiên của doanh nghiệp niêm yết về kết quả kinh doanh quí 2/2021 và 6 tháng đầu năm, đa phần có những tăng trưởng tích cực. Điển hình, nhóm doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán, sản xuất cơ bản, thủy sản còn đạt được những kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kì năm 2020.
Thậm chí có nhiều doanh nghiệp đạt tăng trưởng lợi nhuận hơn 100% so với cùng kì năm trước.
Đơn cử phiên giao dịch ngày 5.7, thị trường có lúc giảm hơn 26 điểm vì lực xả hàng chốt lời mạnh, tuy nhiên lực cầu bắt đáy cũng rất tích cực giúp thu hẹp đà giảm về cuối phiên, VN-Index chỉ còn giảm hơn 9 điểm, song thanh khoản lại tăng hơn 7% so với phiên trước đó lên mức trên 28.000 tỉ đồng.
Và phiên giảm điểm hôm nay, thanh khoản trên sàn HoSE cũng đạt trên 28.600 tỉ đồng, cho thấy lực cầu bắt đáy vẫn sẵn sàng chứ không có chuyện trắng bên mua và chỉ có bên bán.
Theo vị trưởng phòng kinh doanh của một công ty chứng khoán tại TPHCM, tình huống bất ngờ giảm mạnh diễn biến trong phiên ATC trên sàn HoSE cuối phiên giao dịch ngày 6.7 có thể xuất phát từ tình trạng căng margin. Căng margin là tình trạng các công ty chứng khoán ngấp nghé ngưỡng trần cho vay giao dịch kí quĩ, được qui định là không quá 200% vốn điều lệ của công ty chứng khoán. Do đó, việc đánh xuống có thể khiến nhà đầu tư xả hàng mạnh để giảm căng margin, sau đó mới tính chuyện đánh lên.
Cũng theo nguồn tin này, tình trạng chung hiện nay gần như hầu hết các công ty chứng khoán đều đang căng margin, cho nên phải xử lí tình trạng này để tránh vi phạm qui định.
Những con số thống kê cho thấy, tính đến cuối quí 1/2021 dư nợ cho vay giao dịch kí quĩ (margin) tại các công ty chứng khoán lên đến khoảng 101.000 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kì và tăng hơn 25% so với thời điểm quí 4/2020.
Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đã và đang triển khai việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu mới, chủ yếu nhằm tăng vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay margin, từ đó cũng có thể tăng được nguồn thu lợi nhuận.
Xem thêm: odl.607729-cta-tuhp-51-gnort-xedni-nv-iov-ar-yax-ad-ig-ueid-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal