Những suất cơm được chùa Tường Nguyên trao tận tay cô bán vé số, chú xe ôm - Ảnh: Bếp ăn Tường Nguyên
Hơn một tháng qua, căn bếp tại chùa Tường Nguyên (phường 8, quận 4) luôn đỏ lửa đều đặn mỗi ngày để cung cấp hơn 6.000 suất cơm nóng cho các bác sĩ tuyến đầu, người nghèo, người trong khu phong tỏa.
6.000 suất cơm "nghĩa tình" mỗi ngày
Chùa Tường Nguyên nép mình trong một con hẻm nhỏ. Dọc hẻm, bà con hai bên đường cùng xắn tay, tất bật chuẩn bị nguyên liệu để nấu nướng.
Những người phụ nữ khéo tay gọt khóm, người khỏe thì đảm nhận việc vận chuyển đồ. Tay chân tất bật liên tục nhưng không khí luôn vui vẻ, đầm ấm. Người dân ở đây cùng chung tay với chùa Tường Nguyên nấu những bữa chay tình nguyện cho bà con khu phong tỏa.
Ở một con hẻm cách đó không xa, các tình nguyện viên cũng tất bật không kém trong căn bếp nấu đồ mặn. Họ thay phiên nhau xào nấu, đóng gói đồ ăn vì muốn nhanh chóng đem những phần ăn còn nóng hổi đến tay các y, bác sĩ.
Mỗi ngày, các căn bếp ở chùa Tường Nguyên cung cấp hơn 6.000 phần ăn. Trong đó có hơn 5.000 phần chay dành tặng người nghèo, người trong khu phong tỏa và 650 phần mặn để phục vụ các y bác sĩ ở Bệnh viện Trưng Vương.
Để có được những bữa ăn này, công việc của họ bắt đầu từ 3h sáng và kéo dài đến tận 23h khuya. Khoảng 50 tình nguyện viên và phật tử của chùa góp sức, tham gia nấu ăn suốt 1 tháng qua với mong muốn tạo ra những phần cơm ngon và chất lượng.
Để đảm bảo không tập trung đông người, chùa đã tổ chức chia các tình nguyện viên thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách một công đoạn.
Các phật tử và người dân xung quanh chùa cùng nhau nấu những bữa cơm tử bi - Ảnh: CHÂU TUẤN
Góp sức vào hậu phương chống dịch
Chia sẻ về việc bắt đầu thực hiện hoạt động bếp ăn Tường Nguyên, thầy Thích Minh Phú - trụ trì chùa Tường Nguyên - cho biết:
"Trong một lần chùa nấu ăn để tiếp sức mùa thi đại học cho các sĩ tử, tôi thấy các phật tử và bà con xung quanh chùa rất nhiệt tình tham gia, mỗi người góp một chút sức, cùng chung tay nấu nướng. Ai cũng hồ hởi giúp đỡ nên tôi nghĩ đến việc tiếp tục duy trì bếp ăn này để giúp đỡ được nhiều người hơn".
Chi phí để đáp ứng cho việc cung cấp số lượng lớn suất ăn lên đến 100 triệu đồng mỗi ngày. Một phần chi phí duy trì nhờ vào các phật tử, người hảo tâm đóng góp, phần còn lại chùa bỏ ra để phục vụ, giúp đỡ người dân.
"Căn bếp của chùa sẽ tiếp tục hồng lửa để nấu những phần ăn tình nghĩa, đảm bảo an toàn và nguồn lương thực cho các y bác sĩ, những người dân đang gặp khó khăn. Chùa hy vọng có thể đóng góp một chút sức nhỏ vào hậu phương chống dịch", thầy Thích Minh Phú chia sẻ.
Vào đợt dịch trước đó (năm 2020), chùa đã cung cấp gần 100.000 suất ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư.
Đồng thời, chùa còn thực hiện thêm các hoạt động thiện nguyện, tặng đồ bảo hộ và khẩu trang cho một số bệnh viện trong thành phố.
Người dân xung quanh chùa phụ giúp nấu 650 phần cơm mặn mỗi ngày - Ảnh: KIM ÚT
Các suất cơm được chùa Tường Nguyên chuẩn bị tỉ mỉ, đẹp mắt - Ảnh: CHÂU TUẤN
6.000 phần cơm được nấu mỗi ngày tại bếp ăn chùa Tường Nguyên - Ảnh: CHÂU TUẤN
Chuyển các phần cơm đến người nghèo, người trong khu phong tỏa - Ảnh: KIM ÚT
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Gần 1 tháng nay, anh Phạm Văn Minh trở thành cầu nối, vận chuyển nhu yếu phẩm từ khắp các tỉnh thành về TP.HCM. Ai có hàng gì ủng hộ TP chống dịch COVID-19, anh Minh đều chở miễn phí.
Xem thêm: mth.55824416160701202-yagn-iom-es-aihc-ib-ut-moc-nahp-000-6-iov-4-nauq-o-ohn-auhc-iogn/nv.ertiout