Ngày 6-7, hàng ngàn người dân xếp hàng dọc theo đường Nguyễn Thái Sơn (phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) để vào Bệnh viện Quân y 175 xét nghiệm COVID-19.
Test 2 ngày phát hiện gần 40 ca dương tính
Ghi nhận vào chiều cùng ngày, lượng người đến xét nghiệm vẫn khá đông, lực lượng y bác sỹ của bệnh viện được huy động tổng lực hướng dẫn, yêu cầu người dân không vi phạm các quy tắc phòng dịch.
Chỉ trong sáng ngày 6-7 đã có khoảng 2000 người dân đến Bệnh viện Quân y 175 để test COVID-19. Ảnh: NT
Ở lối vào bệnh viện được phân thành ba khu vực lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm để đến khám chữa bệnh và xét nghiệm dịch vụ.
Theo Bác sỹ Trần Thị Hải Yến, Chủ nhiệm Khoa phòng khám bệnh kiêm Chủ nhiệm Phòng khám tiền phương, Bệnh viện Quân y 175, thời gian vừa qua, các tỉnh như Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước… và một số nhà máy, cơ quan, xí nghiệp… yêu cầu phải có kết quả test nhanh COVID-19 âm tính thì mới được lưu thông hoặc đi làm thì bệnh viện đã triển khai phòng khám tách đôi hay còn gọi là phòng khám tiền phương do lượng người đến đông.
Lực lượng chức năng ở bệnh viện phải rất vất vả hướng dẫn, yêu cầu người dân giữ khoảng cách, không vi phạm quy tắc phòng dịch. Ảnh: NT
“Sau khi triển khai phòng khám tiền phương mà chúng tôi nghiên cứu thấy đông quá nên triển khai thêm một bộ phận dã chiến để đảm bảo không quá đông người tập trung một nơi, đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch” – bác sỹ Yến thông tin.
Theo đó, ở giai đoạn đầu phòng dịch, chưa có quy định về việc đi qua các địa bàn phải có kết quả test nhanh hoặc PCR âm tính thì mỗi ngày Bệnh viện Quân y 175 chỉ test khoảng từ 1300 đến 1600 người.
“Tuy nhiên, từ đầu tuần thì số lượng lên từ 2500 người đến 3000 người. Như sáng nay đã tiếp nhận 2000 ngàn người đến test nhanh hoặc PCR. Trong đó tính riêng hai ngày gần nhất thì chúng tôi sàng lọc ra gần 40 trường hợp cho kết quả kiểm tra dương tính và chuyển cho HCDC TP tổ chức truy vết” – bác sỹ Yến tiếp.
Ở bên trong chia thành ba khu vực lấy mẫu, trong đó có cả lấy mẫu người dân muốn làm dịch vụ hoặc tới khám chữa bệnh. Ảnh: NT
Ghi nhận trong chiều cùng ngày, chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ đã phát hiện hai ca có kết quả test nhanh dương tính.
Theo bác sỹ Yến, do bệnh viện chia thành ba khu vực xét nghiệm nên khi có ca dương tính thì cho ngừng hoạt động khu vực.
“Tất cả các nhân viên y tế ở đâu thì giữ nguyên vị trí. Bệnh nhân cho vào phòng đệm sau đó cho khử khuẩn. Đồng thời di chuyển bệnh nhân bằng xe ô tô nếu cần thiết. Chúng tôi cũng thực hiện song song khử khuẩn khu vực và khử khuẩn đường đi của bệnh nhân, xe ô tô” – bác sỹ Yến tiếp.
Nhân viên y tế sau đó được yêu cầu thay trang phục hoặc đổi người. Sau khoảng 30 phút khử khuẩn thì hoạt động trở lại.
Chỉ trong vòng hai ngày, qua xét nghiệm đã phát hiện gần 40 ca dương tính. Ảnh: NT
Giúp tầm soát nhanh F0 trong cộng đồng
Ghi nhận trong chiều cùng ngày, lượng người đến test rất đông, người dân xếp hàng nối dài, lực lượng y bác sỹ được huy động yêu cầu người dân giữ khoảng cách, không đi lại lung tung.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Tâm (28 tuổi) tay bồng con, tay nắm tay chồng đi tới khu vực lấy mẫu xét nghiệm, nhìn em nhỏ phải lấy mẫu xét nghiệm chị Tâm cũng xót xa nhưng yêu cầu bắt buộc khi cả nhà chuẩn bị về quê.
Gia đình chị Mỹ Tâm đưa cả con nhỏ đi xét nghiệm để lấy kết quả làm "giấy đi đường" để về quê nhà ở Bình Thuận. Ảnh: NT
“Quê tôi ở Bình Thuận, do có yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính thì mới cho vào địa phận của tỉnh nên cả gia đình quyết định đi xét nghiệm dịch vụ với giá là hơn một triệu đồng. Hiện tại ở TP.HCM cũng có nhiều lo lắng nên giờ cả nhà quyết định về quê” -chị Tâm nói.
Đại diện Bệnh viện Quân y 175 cho biết, thường ở các bệnh viện khác thì chỉ lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân điều trị nội trú.
Một người dân cho kết quả xét nghiệm dương tính được đưa vào khu vực cách ly tại chỗ theo quy định. Ảnh: NT
“Tuy nhiên, nhu cầu của người dân. Trong khi đó, F0 trong cộng đồng rất phức tạp nên bắt buộc bệnh viện mở hướng làm xét nghiệm khi nhu cầu bị đẩy lên cao. Đây cũng là biện pháp để bệnh viện cùng với cộng đồng cùng sàng lọc F0 để truy vết cho nhanh. Vì thực tế F0 mà không có triệu chứng ra cộng đồng rất nguy hiểm” – bác sỹ Yến nói.
Tất cả lực lượng của bệnh viện đều dồn sức trong thời gian qua để thực hiện công tác xét nghiệm, sàng lọc.
Theo đại diện Bệnh viện Quân y 175 lượng người đến xét nghiệp COVID-19 tăng gấp đôi so với trước đây. Ảnh: NT
Do khu vực test là dã chiến nên người dân không được vào tòa nhà, người dân không được cấp số thứ tự mà xếp hàng, giữ khoảng cách. “Nhiều người dân không làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế đến khi có người dương tính thì hỗn loạn mất trật tự” – bác sỹ Yến tiếp.
Anh Nguyễn Mạnh Lĩnh (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết do công ty yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm nên đã chủ động đi test. “Làm đúng theo yêu cầu của công ty. Hôm nay tôi cũng may mắn xét nghiệm nhanh, cho kết quả âm tính. Thời gian tới cũng đảm bảo các yếu tố 5K để đảm bảo sức khỏe” – anh Lĩnh nói.
Việc xét nghiệm rộng góp phần tầm soát các ca F0 ở ngoài cộng đồng. Ảnh: NT
Tương tự như anh Lĩnh, chị Nguyễn Thị Thúy (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết cũng đi làm xét nghiệm theo yêu cầu của phía siêu thị nơi làm việc. “Siêu thị bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được đi làm. Đây cũng là biện pháp để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng”- chị Thúy nói.
Theo Bác sỹ Trần Thị Hải Yến, Chủ nhiệm Khoa phòng khám bệnh kiêm Chủ nhiệm Phòng khám tiền phương, Bệnh viện Quân y 175 thực tế việc kết nối các phần mềm khai báo y tế không liên kết được với nhau gây khó khăn, mất thời gian và tài vật. Cụ thể, do phần mềm của bệnh viện không thể kết nối được với các phần mềm mà người dân đã khai báo y tế của Sở Y tế. Nếu trường hợp các phần mềm kết nối được với nhau thì người dân tới đây chỉ cần trình mã QR hoặc số điện thoại là hệ thống tự hiện lên đầy đủ thông tin, không cần phải nhập lại, rút ngắn được thời gian cũng như công sức, giấy tờ. “Trong trường hợp chúng tôi xét nghiệm có kết quả âm tính hay dương tính thì cũng đưa được lên hệ thống cả nước. Người dân chỉ cần trình mã QR hoặc đối chiếu với kết quả. Mà chúng tôi đã hỏi rồi, nhưng không kết nối được. Như thế nói công nghệ thông tin chưa thực sự đi đầu, gây vất vả cho nhân viên y tế” – bác sỹ Yến nói. Cũng theo bác sỹ Yến, thời gian này, người dân cần hạn chế đi đến bệnh viện trừ trường hợp cấp cứu hoặc bện nặng do dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. |