Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 209 điểm, đóng cửa ở 34.577,37 điểm. Tác động tiêu cực nhất là cổ phiếu hóa chất Dow Inc, hãng sản xuất máy công nghiệp Caterpillar, ngân hàng JPMorgan Chase và đại gia dầu khí Chevron.
Chỉ số S&P 500 tăng điểm khi mở cửa nhưng kết phiên giảm 0,2% còn 4.343,54 điểm. Đây là phiên đi xuống đầu tiên của chỉ số này sau chuỗi 7 phiên lên đỉnh liên tục - chuỗi dài nhất kể từ tháng 8/2020.
Ngược chiều, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,17% lên đỉnh mới 14.663,64 điểm. Hôm 5/7, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa vì nghỉ bù ngày quốc khánh.
Theo CNBC, cổ phiếu Amazon bật tăng 4,7% sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ hủy bỏ hợp đồng điện toán đám mây JEDI giữa chính phủ với Microsoft. Thay vào đó, Bộ Quốc phòng sẽ mở một hợp đồng mới và gọi báo giá từ cả Amazon và Microsoft.
Hôm 4/7, Amazon có CEO mới là ông Andy Jassy. Nhà sáng lập Jeff Bezos sẽ chỉ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch điều hành của Amazon.
Các nhà đầu tư đang đánh giá nhiều dấu hiệu cho thấy đà hồi phục kinh tế nhanh chóng từ hố sâu đại dịch có thể đang chậm lại. Chỉ số ISM ngành dịch vụ giảm xuống còn 60,1 điểm trong tháng 6, đồng thời thấp hơn mức 63,5 điểm mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
Cuối tuần trước, báo cáo việc làm của bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại lên 5,9%, trái với kỳ vọng 5,6% của giới chuyên gia.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc cũng đi xuống trong ngày giao dịch đầu tuần, với kỳ hạn 10 năm tụt xuống dưới 1,4%. Đây là một bằng chứng khác cho thấy nhà đầu tư đang nghi ngờ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Nhiều nhà phân tích tại Phố Wall dự báo thị trường sẽ biến động mạnh hơn và khó tăng điểm hơn trong nửa cuối năm sau khi ghi nhận 6 tháng đầu thuận lợi nhờ tái mở cửa kinh tế. Từ đầu năm 2021 đến nay, S&P 500 đã tăng 16%.
CNBC dẫn lời ông Michael Wilson, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ tại ngân hàng Morgan Stanley nhận xét: "Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nóng, nhưng đây là thông tin mà mọi người đều đã biết và các thị trường tài sản đã phản ánh vào giá".
Trung bình 16 chuyên gia mà CNBC thống kê đang dự báo S&P 500 cuối năm nay sẽ ở 4.276 điểm, tức là thấp hơn gần 2% so với hiện nay.
Ông Sarat Sethi, nhà quản lý danh mục tại DCLA nhận định: "Mọi thứ đều đang rất hoàn hảo và đó là điều khiến tôi lo lắng. Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, chúng ta mới chỉ có một lần điều chỉnh 5%, không có gì hơn. Tôi nghĩ thị trường đang ở trong giai đoạn lạc quan thái quá. Chúng ta cần phải thận trọng".
Các nhà phân tích của Citigroup thì cảnh báo khách hàng nên chú ý tới chính sách của ngân hàng trung ương (Fed) và lo ngại rằng báo cáo kết quả kinh doanh công bố trong tháng 7 có thể thấp hơn kỳ vọng.
Giá dầu thô WTI tại Mỹ tăng lên đỉnh 6 năm sau khi một cuộc họp quan trọng giữa OPEC và các đối tác lớn (hay gọi là OPEC+) bị hủy bỏ vì Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) phản đối đề xuất nâng sản lượng.
Ngày 6/7, giá dầu WTI có lúc vọt lên tới 76,98 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, sau đó giảm còn 73,37 USD/thùng.