lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm đã khiến nhiều nhà đầu tư rút tiền gửi tiết kiệm, chuyển sang đầu tư bất động sản (BĐS) với kỳ vọng sẽ gia tăng giá trị sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Âm thầm săn bất động sản giá rẻ
Sau khi bàn tính, ông Quyền (quận 3, TP.HCM) quyết định rút một khoản gửi tiết kiệm ngân hàng để mua mảnh đất ưng ý đang được rao bán với giá rẻ hơn thị trường tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo ông Quyền, lãi suất tiền gửi xuống quá thấp, kỳ hạn dưới sáu tháng chỉ 3%-4% nên ông rút tiền, đầu tư vào BĐS.
Ngoài lý do lãi suất thấp thì giá đất không biến động cũng khiến người mua hăng hái đầu tư. Mảnh đất khu vực ông Quyền nhắm mua thậm chí còn được chủ đất bán tháo với giá thấp do thua lỗ vì dịch bệnh. “Tôi chỉ rút khoản tiết kiệm kỳ hạn dưới sáu tháng vì lãi suất quá thấp. Khoản tiết kiệm khác trên một năm thì vẫn giữ, đảm bảo nguồn tiền cho mình” - ông Quyền nói.
Là một nhà đầu tư nên ông Quyền tính toán rất kỹ trước khi xuống tiền. Khi tìm được sản phẩm BĐS ưng ý, khảo sát thực tế, xem xét pháp lý kỹ ông mới quyết định rút tiền ngân hàng ra.
Tương tự, ông Ngọc Lâm (TP Thủ Đức) cũng chọn thời điểm này để rút tiền tiết kiệm và âm thầm đi mua căn hộ để an cư. Ông cho biết vì đang mùa dịch nên mua nhà đúng nghĩa “âm thầm” vì còn phải phòng dịch. Sau khi liên hệ chủ nhà để họ mở cửa sẵn, ông đến xem, có gì cần trao đổi ông gọi điện thoại. Cuối cùng, cả hai bên gặp đúng một lần là ra ký hợp đồng chuyển nhượng và công chứng.
“Tôi thấy lúc này lãi suất tiết kiệm xuống quá thấp trong khi thị trường BĐS chững lại nên giá căn hộ đang đi ngang. Nhiều người bán ra cắt lỗ hoặc phải bán do áp lực trả nợ vay ngân hàng, kinh doanh thì khó khăn, thu nhập giảm. Vì vậy, tôi quyết định rút tiền để đi mua nhà, chỉ vay thêm một ít. Mừng là lãi suất cho vay giảm nên mua nhà lúc này cũng có nhiều cái lợi” - ông Lâm nói.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho biết động thái giảm một loạt lãi suất sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS. Lãi suất tiết kiệm ngắn hạn giảm sẽ kích thích việc rút tiền gửi để mua nhà, đất. Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm ở lĩnh vực BĐS thì chắc chắn họ sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Mặc dù cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn nhưng bỏ tiền vào BĐS cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất.
Khi thị trường xuất hiện tâm lý lo lắng thì những nhà đầu tư “yếu sức” thường bán tháo dưới giá thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp thời điểm này cũng tung ra nhiều gói khuyến mãi, chính sách bán hàng hấp dẫn để tăng tính thanh khoản. Do đó, đây là thời điểm có nhiều cơ hội mua BĐS để tích trữ cho dài hạn.
Do lãi suất tiền gửi giảm nên nhiều người đã chọn giải pháp rút tiết kiệm để mua nhà. Ảnh: QUANG HUY
Đầu tư 2-3 năm
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, thời điểm này không dành cho đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Nhà đầu tư cần xác định đây là khoản đầu tư tương đối dài hạn, 2-3 năm trở lên chứ không thể rút khỏi thị trường trong vài tháng. Nhà đầu tư có vốn mỏng không nên mạo hiểm lúc này.
Ông Quang lưu ý nếu mua để đầu tư thì nên ưu tiên những căn hộ diện tích nhỏ, đóng tiền theo tiến độ vừa phải của những chủ đầu tư có uy tín, ưu tiên vị trí tốt.
Góp ý thêm, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho biết mỗi nhà đầu tư cần xác định mục đích đầu tư riêng cho mình. Những ai đã có sẵn khoản tiền, thực sự muốn đầu tư BĐS thì nên tham gia. Nếu chưa có sẵn nguồn tiền hoặc đã đầu tư nhiều BĐS thì nên cẩn trọng vì có thể bị kẹt vốn.
Với thị trường TP.HCM, ông Hiển cho rằng ở phân khúc căn hộ dù nguồn cung mới ít nhưng do giá đã đẩy lên cao nên người mua có thể cân nhắc tìm kiếm những dự án đã đi vào hoạt động để mua lại. Thực tế, số căn hộ còn trống tại TP rất nhiều. Nhà phố đang phải giảm giá cho thuê mạnh, điều này kéo theo giá nhà phố không thể tăng, thậm chí giảm nhẹ. Những nhà phố có giá trị trên 10 tỉ đồng thanh khoản thấp, còn tầm 20-30 tỉ đồng càng khó kiếm người giao dịch.
Đất nền quận, huyện ngoại thành TP không còn giá thấp nên khả năng tăng giá ngay là khó khả thi. Nếu nhà đầu tư chọn đúng đất đẹp ở các địa phương lân cận TP, hội đủ yếu tố chờ thì có thể yên tâm mua để dành vài năm. Ví dụ vị trí đất thuộc khu vực giao thông thuận lợi, có ưu thế về du lịch, nhiều dự án hạ tầng đồng bộ triển khai như sân bay, đường cao tốc, hệ thống cảng… thì chủ đất có thể yên tâm chờ cơ hội tăng giá trong dài hạn.
“Tuy nhiên, nếu không tính toán, chọn đúng phân khúc phù hợp, đúng địa điểm thì nhà đầu tư dễ bị lôi cuốn vào các dự án không có tiềm năng và phải ôm trong thời gian rất dài” - chuyên gia này lưu ý.
Căn hộ tầm trung - cao cấp được chú ý Theo báo cáo thị trường tháng 5-2021 của kênh batdongsan.com.vn, trong khi hầu hết các loại hình nhà, đất khác đều có xu hướng suy giảm giao dịch và nhu cầu mua thì căn hộ chung cư và biệt thự vẫn ghi nhận mức độ được quan tâm tăng nhẹ. Cụ thể, tính riêng trong tháng 5, lượng quan tâm tìm mua căn hộ tăng 3,3% so với tháng 4 trước đó, trong khi lượng tìm mua nhà biệt thự cũng tăng 4,5%. Nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 12% trong khi tại TP.HCM con số này tăng 8%. Dòng sản phẩm ghi nhận nhu cầu tìm mua cao chủ yếu là căn hộ trung - cao cấp, có tầm giá từ 40 triệu đồng/m2 trở lên. Tuy nhiên, nguồn cung phân khúc này cũng giảm mạnh nhất so với các phân khúc khác. Giá bán căn hộ tại TP.HCM ghi nhận mức tăng tịnh tiến nhẹ. Nhiều quận, huyện ngoại thành TP.HCM giá căn hộ tăng 1% so với tháng 4 và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. |