Sáng 6-7, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở/ngành, quận/huyện, phường/xã để đốc thúc công tác phòng chống dịch sau khi phát hiện 10 ca bệnh tại ba quận, huyện vào ngày 5-7.
Phát hiện 10 ca bệnh, hai ổ dịch trong một ngày
Sở Y tế cho biết trong ngày 5-7, Hà Nội ghi nhận 10 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại ba quận, huyện. Trong đó, huyện Đông Anh có bốn ca, huyện Mỹ Đức có năm ca và quận Hoàng Mai có một ca.
Đến sáng 6-7, huyện Đông Anh đã rà soát được 61 trường hợp F1, trong đó có ba ca dương tính, 46 ca âm tính lần một, 12 trường hợp đang được lấy mẫu. Lực lượng chức năng cũng nhanh chóng khoanh vùng, lấy mẫu 1.804 trường hợp liên quan đến ổ dịch này. Hiện 1.789 mẫu âm tính lần một.
Đại diện huyện Đông Anh cho hay ca bệnh đầu tiên là HVH (thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) có vi phạm về quy định khai báo y tế. Trường hợp này có tiếp xúc với ca bệnh dương tính ở Bắc Giang trong ngày 26 và 27-6 nhưng không khai báo. Từ ngày 28-6 đến 3-7 vẫn đi làm. Ngày 1-7, người này có ho, sốt, y tế cơ quan có yêu cầu trường hợp này về nghỉ và khai báo ở trạm y tế xã nhưng người này không thực hiện. Trường hợp này giấu việc đi, đến, ở vùng có nguy cơ cao khiến công tác phòng dịch gặp khó khăn. Từ ca bệnh này đã lây sang ba trường hợp F1, trong đó có một công nhân làm ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 2.000 công nhân…
Liên quan đến ổ dịch ở huyện Mỹ Đức, đã truy vết được 81 trường hợp F1 và đang xét nghiệm. Số người liên quan là 28 và đã lấy mẫu được 16 trường hợp.
Riêng ca bệnh tại quận Hoàng Mai được phát hiện sớm qua công tác chủ động giám sát nên đã kịp thời khoanh vùng, khống chế được dịch. Cụ thể, ca bệnh này là F1 tiếp xúc với bốn bệnh nhân dương tính ở Thanh Hóa (tài xế taxi chở bốn bệnh nhân Thanh Hóa dương tính trên chuyến bay VN286 ngày 3-7 từ TP.HCM ra Hà Nội).
Như vậy, sau gần 10 ngày yên ắng, dịch COVID-19 ở Hà Nội đã xuất hiện trở lại trong cộng đồng. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Văn Chung nhận định tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ vẫn mắc ngoài cộng đồng ở mức cao. “TP ghi nhận hai ổ dịch mới trong một ngày. Đặc biệt là ổ dịch ở Đông Anh có nguy cơ rất cao, do những ca mắc mới làm việc ở khu công nghiệp, tiếp xúc nhiều người. Đến nay, TP đã xác định nguồn lây do ca bệnh đầu tiên ở ổ dịch này có tiếp xúc với ca bệnh ở địa phương khác…” - ông Chung nói.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: PV
TP.HCM lên kịch bản ứng phó khi có 500 ca mắc COVID-19 nặng Sở Y tế TP.HCM cho biết đã xây dựng kế hoạch ứng phó dịch COVID-19 với kịch bản 500 trường hợp nặng. Theo đó, bổ sung BV điều trị COVID-19 Thủ Đức vào nhóm bệnh viện hồi sức chuyên sâu các ca COVID-19 nặng và nguy kịch; phân công giám đốc BV Bệnh nhiệt đới phối hợp với Hội Hồi sức cấp cứu TP.HCM tổ chức chương trình đào tạo liên tục, chuyên đề về hồi sức cấp cứu cho các người bệnh mắc COVID-19 nặng. HOÀNG LAN |
Chấn chỉnh hiện tượng lơ là, chủ quan với dịch
Trước nguy cơ cao dịch COVID-19 bùng phát trở lại, phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội đề nghị TP chỉ đạo khẩn trương khoanh vùng xử lý dịch, thần tốc truy vết, cách ly các trường hợp liên quan tới các ca mắc mới ở ba quận, huyện gồm Đông Anh, Mỹ Đức, Hoàng Mai.
Bên cạnh đó phải tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở các khu vực, cơ sở có nguy cơ, xét nghiệm sàng lọc cho người về từ các tỉnh, TP có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như TP.HCM, nhất là những người là tài xế đường dài tuyến Bắc - Trung - Nam.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu huyện Mỹ Đức khẩn trương chuyển các trường hợp F1 đi cách ly tập trung. Trường hợp F2 cách ly tại nhà và phải có phân công tổ dân phố giám sát chặt.
Ông cũng yêu cầu huyện Đông Anh tiếp tục truy vết khẩn trương, không bỏ sót, phân loại các đối tượng có nguy cơ. Đặc biệt, do ổ dịch tại Đông Anh liên quan đến khoảng 2.000 công nhân nên cần đặc biệt lưu ý. “Huyện Đông Anh đã có phương án không để công nhân ăn, nghỉ tại chỗ thì cần có cách làm cụ thể đảm bảo đời sống cho công nhân cũng như không để lây chéo” - ông Dũng nói.
Phó chủ tịch TP Hà Nội cũng cảnh báo nguy cơ dịch phát sinh trở lại sau tám ngày TP không ghi nhận ca mắc mới. Do đó, lực lượng phòng chống dịch của TP phải nhanh chóng khống chế, khoanh vùng dập dịch.
Theo ông Dũng, hiện nay đã có hiện tượng người dân chủ quan, lơ là với dịch. Có nơi còn coi thường các quy định phòng chống dịch, không đảm bảo giãn cách, không thực hiện đóng cửa nhà hàng sau 21 giờ. Buổi đêm vẫn có nhà hàng bán hàng, trà đá vỉa hè vẫn hoạt động. Công tác kiểm tra, xử lý ở một số địa bàn chưa quyết liệt, chưa chủ động, chưa có giải pháp chấn chỉnh.
“Như ở Trung tâm thương mại AEON, khi tôi đi kiểm tra thì thấy rất đông người, trong đó có cả người các tỉnh ngoài đến vui chơi cuối tuần. Nhưng ở đấy không thực hiện khai báo y tế theo quy định. Trong khi dịch bệnh thì đang rất phức tạp, nếu không làm quyết liệt thì nguy cơ lây lan rất cao” - ông Dũng nói và đề nghị Sở Công Thương TP và các quận, huyện, thị xã phải chấn chỉnh ngay hiện tượng này.
Bộ Y tế chưa cho phép Phú Yên cách ly F1 tại nhà Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Phú Yên ngày 6-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Đoàn công tác về kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Phú Yên, cho biết: “Về đề xuất cho cách ly F1 tại nhà, đến nay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ mới cho TP.HCM thực hiện thí điểm. Không chỉ Phú Yên mà một số địa phương khác cũng đề xuất như vậy. Bộ Y tế đang tổng hợp, báo cáo để Phó Thủ tướng xem xét, chỉ đạo bộ xây dựng quy định về cách ly F1 tại nhà”. Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế sẽ quy định rất nghiêm ngặt, chặt chẽ về cách ly F1 tại nhà như cách ly tập trung. Ông Tuyên đề nghị tỉnh Phú Yên cần đưa các trường hợp F1 đi tập trung trong điều kiện hiện nay và khi chưa có ý kiến của Thủ tướng. |