Tiết kiệm tiền với nhiều người là một bài toán cân não. Nhưng có tiết kiệm và tiết kiệm như thế nào là đủ lại là 2 chuyện hoàn toàn khác. Dưới đây là 7 nguyên nhân khiến tiền của bạn cứ dậm chân tại chỗ.
1. Chỉ vừa đủ tiền tiêu xài trong tháng
Số tiền lương chỉ đủ đáp ứng chi tiêu hàng tháng của bạn chứng tỏ việc tiết kiệm của bạn không hiệu quả. Nếu số tiền tích lũy vẫn bằng 0 thì tương lai của bạn sụp đổ thậm chí là bạn sẽ vẫn phải nai lưng kiếm tiền khi tuổi nghỉ hưu sắp đến.
Cách giải quyết: Bạn phải kiếm được nhiều tiền hơn và chi tiêu ít đi. Làm thêm một công việc phụ là cách tốt. Số tiền kiếm được ngoài công việc chính sẽ là khoản tiết kiệm của bản thân.
Còn với giải pháp chi tiêu ít đi thì bạn nên cắt giảm chi tiêu cho những khoản tiêu tốn nhiều tiền của bạn nhất. Ví dụ như tiền thuê nhà, điện nước, di chuyển hay thực phẩm.
2. Tiết kiệm đúng số tiền ban đầu dù có tăng thu nhập
Nhiều người nói rằng, tôi sẽ tiết kiệm nhiều hơn khi thu nhập của tôi tăng lên. Nhưng thực tế chứng minh rằng, có rất ít người thực hiện được điều đó. Kể cả khi họ có tăng thu nhập thì mức chi tiêu cũng tăng.
Cách giải quyết: Đừng chỉ nói mà hãy bắt tay vào làm tiết kiệm ngay. Khi được tăng thu nhập, hãy chuyển thẳng số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm của bạn và chi tiêu đúng như mức ban đầu. Số tiền bạn tiết kiệm được sẽ tăng lên nếu bạn tuân thủ theo đúng phương pháp này.
3. Chưa tiết kiệm cho việc nghỉ hưu
Bạn nên tiết kiệm tiền cho việc nghỉ hưu bắt đầu từ tuổi 25. Số tiền đó không cần quá lớn nhưng nó phải nằm trong kế hoạch của bạn. Nếu bạn đang nằm trong những người chưa có khoản tiền tiết kiệm nào cho việc nghỉ hưu thì bạn nên xem xét lại.
Cách giải quyết: Hãy có một khoản tiết kiệm cho việc nghỉ hưu ngay bây giờ. Bắt đầu sớm sẽ có ích cho bạn hơn. Nhiều chuyên gia cũng khuyên rằng, bạn nên dành 10% thu nhập cho việc nghỉ hưu.
4. Không có tiền tiết kiệm cho các sự kiện lớn
Trong cuộc đời mỗi người, tiền tiết kiệm dành cho việc nghỉ hưu là quan trọng nhất. Tuy nhiên, nếu có dự định mua nhà, mua xe hay thực hiện ước mơ nào đó, bạn cũng cần có một khoản tiết kiệm.
Cách giải quyết: Bắt đầu nghĩ tới những kế hoạch cần đến khoản tiền lớn. Bạn đã có đủ chi phí cho nó hay chưa, nếu thiếu thì cần tiết kiệm như thế nào là hợp lý. Đối với các mục tiêu ngắn hạn, bạn nên hướng tới những khoản tiết kiệm có lãi suất cao, hoặc lập nhiều tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng.
5. Chưa có quỹ dự phòng khẩn cấp
Có một khoản tiền dành cho trường hợp khẩn cấp là một trong những cách tiết kiệm bảo vệ bản thân được các chuyên gia khuyên dùng. Nếu không có quỹ dự trù cho tình huống xấu, đồng nghĩa với việc bạn chưa tiếp đủ.
Cách giải quyết: Có quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt. Nhiều chuyên gia khuyên rằng có khoản tiết kiệm thời hạn 6 tháng là cách tốt nhất. Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh thời hạn sao cho phù hợp với bản thân mình là được.
6. Chi hơn 30% thu nhập cho tiền nhà
Nếu bạn đang phải thuê nhà đồng thời lại muốn tiết kiệm hợp lý, thì bạn nên giới hạn số tiền chi tiêu cho việc thuê nhà ở mức 30% thu nhập sau thuế. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn.
Cách giải quyết: Thử sống trong không gian nhỏ. Nếu mua nhà hay căn hộ, hãy đặt giới hạn giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân. Tính tới những chi phí phát sinh khi mua nhà và cộng các khoản đó vào ngân sách cá nhân.
7. Không thể thanh toán số dư thẻ tín dụng nhiều hơn mức tối thiểu
Nếu hàng tháng sử dụng thẻ tín dụng mà bạn không thể trả nhiều hơn mức tối thiểu, bạn sẽ bị bội chi và lâm vào cảnh nợ thẻ tín dụng. Thậm chí nó sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi muốn tiết kiệm. Chính vì thế, hãy luôn đặt mục tiêu thanh toán đầy đủ nợ thẻ tín dụng như thế bạn có thể bảo vệ điểm tín dụng và tránh xa nợ nần.
Cách giải quyết: Cắt giảm chi tiêu để có tiền thanh toán nhiều hơn mức tối thiểu. Và quan trọng nhất, tránh tích lũy thêm số dư nợ thẻ tín dụng. Cách tốt nhất là bạn không nên sử dụng thẻ tín dụng.
Mai Phương
Theo BI