Người dân xét nghiệm để có giấy chứng nhận âm tính nhằm ra vào tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: M.V.
Theo văn bản này, từ 7h ngày 7-7, tất cả các trường hợp về từ vùng phong tỏa, vùng giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 Thủ tướng Chính phủ chỉ được vào địa bàn tỉnh khi có xét nghiệm COVID-19 âm tính; đồng thời phải thực hiện cách ly 21 ngày tại các cơ sở lưu trú có trả phí (kể cả phí xét nghiệm SARS-CoV-2), trừ lái xe vận chuyển hàng hóa.
Hiện nay Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để làm việc với các cơ sở lưu trú trên địa bàn đủ điều kiện để thỏa thuận làm nơi cách ly tập trung có thu phí. Đồng thời thành lập bộ máy quản lý cơ sở lưu trú thực hiện cách ly tập trung và vận hành cơ sở cách ly theo đúng quy định, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly ra cộng đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định đây là biện pháp cấp bách cần thực hiện để nâng cao mức độ ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh Lâm Đồng đã có 6 ca mắc COVID-19 tại huyện Đạ Tẻh, chuỗi lây nhiễm được xác định là từ người về từ TP.HCM.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều người dân cho rằng UBND tỉnh Lâm Đồng áp dụng văn bản quá cấp tập, không đủ thời gian để người dân kịp chuẩn bị, nhất là những người có những việc khẩn cấp, khám bệnh đang ở TP.HCM hoặc có hoàn cảnh đặc biệt không nằm trong nhóm những người đi làm, đi công tác thông thường.
Ngoài ra, việc cách ly trả phí trong khách sạn là quá sức với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Giá khách sạn, nhà nghỉ trung bình ở Lâm Đồng khoảng 200.000 đồng/ngày, như vậy người dân sẽ tốn ít nhất 4,2 triệu đồng/đợt cách ly, chưa kể các chi phí ăn uống và nhiều chi phí khác.
Đến sáng 7-7, danh sách các cơ sở lưu trú, khách sạn dùng để cách ly vẫn chưa được công bố dù văn bản chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng đã được áp dụng.
Ở khách sạn nhiều ngày là quá sức người dân
"Dẫu biết là chống dịch, nhưng việc bắt buộc phải cách ly ở khách sạn, cơ sở lưu trú và tự chi trả toàn bộ chi phí lẫn phí xét nghiệm trong 21 ngày là quá sức với những người có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh mãn tính phải đi khám định kỳ như chúng tôi. Chưa kể người bệnh nặng cần sự chăm sóc của gia đình mà phải tự cách ly ở khách sạn thì không thể xoay trở.
Tôi là người bệnh đang chuẩn bị từ bệnh viện về nhưng nghe tin báo từ gia đình thì hoang mang không thể tả. Ở lại TP.HCM cũng không được vì không có chỗ ở. Về lại càng khó vì tiền đâu mà ở khách sạn ngần ấy ngày" - ông Nguyễn Trần Minh, người Lâm Đồng đang khám bệnh ở TP.HCM, cho biết.
Ông Minh cho biết thêm mới sáng sớm nhận được văn bản được phát hành đêm hôm trước nên không trở tay kịp, "cảm giác như mình bị từ chối về nhà".
"Gia đình tôi khó khăn, cả đời chưa đi đâu mà dám ở khách sạn, nhà nghỉ quá 1 đêm. Cảnh này tôi chưa biết tính sao", ông Minh lo lắng.
TTO - Mặc dù đi từ điểm dịch chợ Hóc Môn (TP.HCM) nhưng khi về Lâm Đồng, bệnh nhân 17951 lại khai đi từ Gia Lai để 'qua mặt' lực lượng kiểm dịch.