- Tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng
- EU chưa đạt đồng thuận cho kế hoạch ngân sách và phục hồi kinh tế
- APEC quyết tâm đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và phục hồi kinh tế bền vững
Phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine
Bà Georgieva nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của các quốc gia giàu có như Mỹ là “tin tốt lành”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển lại đang bị kìm hãm do tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 còn chậm. Bà cho rằng điều này đe dọa sự gắn kết tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định và an ninh trên toàn cầu.
Trước đó, hồi đầu tháng 6, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc IMF Georgieva cho biết các nhà lãnh đạo và người dân trên khắp thế giới ngày càng nhận thức được rằng thế giới sẽ chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra một khi dịch bệnh nguy hiểm này bị đẩy lùi hoàn toàn. Bà lưu ý rằng các quốc gia có năng lực tài chính mạnh và tốc độ tiêm chủng nhanh đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhanh hơn. Tuy nhiên, những quốc gia, đặc biệt những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đang bị tụt lại phía sau và “điều đó nguy hiểm cho tất cả mọi người vì điều nó sẽ kìm hãm sự phục hồi toàn cầu”.
Tiêm vaccine đại trà để đạt miễn dịch cộng đồng sẽ giúp các quốc gia phục hồi kinh tế nhanh hơn. |
Theo ước tính của IMF, việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng có thể thúc đẩy đà phục hồi của các hoạt động kinh tế, qua đó mang lại cho nền kinh tế thế giới số tiền tương đương khoảng 9.000 tỷ USD vào năm 2025. Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh điều quan trọng là phải nhận thức được rằng 60% trong số 9.000 tỷ USD này sẽ dành cho các thị trường mới nổi ở các nước đang phát triển và 40% còn lại là dành cho các nền kinh tế phát triển. Vì vậy, bà kêu gọi thế giới cùng nỗ lực vì lợi ích của tất cả.
Người đứng đầu IMF kêu gọi Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thể hiện hành động mạnh mẽ hơn tại cuộc họp ngày 9 và 10-7 ở Venice (Italy) về vấn đề chia sẻ vaccine ngừa COVID-19. Bà cho rằng cam kết của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tài trợ 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo hơn là “không đủ”.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - bà Ngozi Okonjo-Iweala, bày tỏ quan ngại về mô hình phục hồi hình chữ K tại các khu vực như Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi, vốn là những khu vực có tỷ lệ người dân được tiêm vaccine phòng bệnh thấp và tốc độ phục hồi kinh tế cũng chậm hơn. Bà Iweala nêu bật 4 điểm “nghẽn” chính trong sản xuất và cung ứng vaccine toàn cầu, gồm hạn chế về năng lực sản xuất, nguồn cung cấp nguyên liệu, kỹ năng chuyên môn trong sản xuất vaccine và tình trạng quan liêu ở một số quốc gia.
Sự phục hồi kinh tế không đồng đều
Trong báo cáo cập nhật “Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới năm 2021” ngày 11-5, Vụ Kinh tế và Xã hội (DESA) của Liên Hợp Quốc nâng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế thế giới nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của “hai đầu tàu” là Mỹ và Trung Quốc. Theo báo cáo, DESA dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5,4% thay vì mức 4,7% như dự báo đưa ra hồi tháng 1-2021. Đây là mức tăng đáng kể trong bối cảnh năm 2020, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 3,6%.
Được đánh giá là một trong những động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho một năm đột phá, khi các gói kích thích tài khóa khổng lồ và chính sách nới lỏng tiền tệ chuyển thành tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng. DESA dự báo nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ phục hồi vững chắc với tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,2%, mức tăng nhanh nhất kể từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Chính gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD để ứng phó với những tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đã kéo Mỹ thoát khỏi “vũng lầy” suy thoái.
Cùng với dự báo lạc quan của Liên Hợp Quốc, nhiều nền kinh tế phát triển và đang phát triển cũng đưa ra những dự báo tích cực. Liên minh châu Âu (EU) đã điều chỉnh mạnh dự báo tăng trưởng trong năm 2021, đồng thời cho rằng việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt của liên minh này trị giá 750 tỷ euro (hơn 890 tỷ USD) sẽ đưa EU thoát khỏi suy thoái.
Theo Ủy ban châu Âu, tăng trưởng kinh tế ở 19 quốc gia trong Eurozone có thể đạt 4,3% trong năm 2021. Ủy ban này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU sẽ đạt mức 4,2% trong năm nay. Về nền kinh tế Anh, dự báo “xứ sở sương mù” sẽ phục hồi nhờ chương trình tiêm chủng nhanh chóng và chi tiêu ngân sách lớn. Trong số các nền kinh tế phát triển, Anh sẽ ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất vào năm nay, đạt 5,3%. Đây sẽ là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1988.
Đối với các nước đang phát triển tại châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 trong bối cảnh các chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai, cũng như nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh trên thế giới.
Khu vực đang phát triển tại châu Á bao gồm 45 quốc gia thuộc châu Á-Thái Bình Dương, được dự báo sẽ tăng trưởng 7,3% năm 2021, tăng so với mức 6,8% trong báo cáo công bố tháng 12-2020. Khu vực Đông Nam Á được dự báo tăng trưởng 4,4%. Trong đó, Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm 2021, Indonesia có thể quay trở lại mức tăng 5,5%. Philippines, nền kinh tế trì trệ nhất khu vực Đông Nam Á trong năm ngoái với mức suy giảm 9,6%, được dự báo tăng trưởng 4,1% trong năm nay.
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe cũng dự báo kinh tế của khu vực này sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2021 sau khi ghi nhận mức sụt giảm 7% trong năm 2020. Trong khi đó, Giám đốc khu vực châu Phi của IMF cho biết, khu vực này đang tiếp tục vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế chưa từng có dù kinh tế các nước châu Phi phía Nam Sahara dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 3,4% trong năm 2021.
Ngọc Trang (Tổng hợp)