- ‘Tiếng vọng’ của Đỗ Hồng Quân dự Liên hoan các Dàn nhạc Châu Á
- Hòa nhạc Tchaikovsky, Wieniawsky và "Tiếng vọng" của Đỗ Hồng Quân
Chuyện kỳ thú "Cha và con"
Hình ảnh hai cha con anh luôn quấn quýt với những ký ức khó quên. Tâm sự về điều này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân luôn bồi hồi xúc động. Chúng tôi ngồi trò chuyện bên cây đàn của gia đình mà cha anh để lại. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác hàng trăm tác phẩm trên cây đàn này. Cùng với những năm tháng giữa thập niên 80, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khi mới tốt nghiệp ở Liên Xô (cũ) trở về cũng sáng tác những ca khúc đầu tiên trên cây đàn còn hơi thở ấm áp của người cha.
Sau khi nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) mất, cây đàn piano đã được truyền lại cho con trai Đỗ Hồng Quân. Tính cho đến nay cây đàn đã gắn bó với cha con anh tới 36 năm. Âm thanh Piano luôn vang lên trong ngôi nhà thân thương 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (bên phải) và con trai - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ở Nga năm 1978. |
Đặc biệt hai cha con nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân có những điểm trùng hợp đến khó tin. Sinh thời khi còn trẻ, ước mơ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được sang Liên Xô (cũ) học nhạc. Hình ảnh Hồng quân Liên Xô ngày đó luôn gắn bó trong tâm tưởng của nhạc sĩ nên khi sinh con trai đầu lòng, ông đặt tên Đỗ Hồng Quân (1956). Và đúng là mấy năm sau nhạc sĩ Đỗ Nhuận được cử đi Liên Xô học nhạc (1959-1962). Điều trùng hợp là tới năm 1976 nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng được chọn sang Liên Xô học Piano và sáng tác tại nhạc viện Traicopxki. Đỗ Hồng Quân học liền một mạch tới 10 năm (1976-1986), tốt nghiệp bằng tiến sĩ. Anh là nhạc sĩ đầu tiên của nước ta được đặc cách học lên cao học vì thành thích học tập đại học xuất sắc ngày đó.
Điều thú vị hơn nữa là hai cha con nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân còn ghi dấu đặc biệt ở cương vị đứng đầu Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Dường như đó là những "kỷ lục" không ai có thể vượt qua. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với cương vị Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1957 tới năm 1982 (25 năm). Trong khi đó nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng là người liên tiếp được bầu chức danh Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN bốn khóa liền (từ năm 2005 tới nay). Hiện anh là đương kim Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X (2020-2025). Đặc biệt căn phòng mà cha anh làm việc đầu tiên, tại số 51 phố Trần Hưng Đạo, đến nay anh cũng đang ngồi tại đó. Chiếc bàn làm việc mới của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hiện được kê gần chỗ ngồi ngày xưa của cha mình. Bóng hình của người cha luôn gần gũi như ngày nào với những ký ức tuổi trẻ mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân không thể nào quên.
Nhạc sĩ xúc động kể lại cho tôi nghe chuyện đã được cha thử thách sáng tác đầu tiên. Khi chừng mới 8 tuổi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đưa cho con trai một bài thơ của Trần Đăng Khoa để phổ nhạc. Ông muốn thử năng khiếu sáng tác của con trai. Đó là bài thơ "Tre". Đêm hôm đó hai cha con cùng "Sol-phe" bản phổ và cất giọng hát như có làn gió vui reo. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã góp ý cho con trai sửa vài nốt cho hay hơn. Ký ức quá vãng đem lại cho tôi cảm xúc kỳ lạ với những giai điệu của bài "Mùa đông binh sĩ" của Đỗ Nhuận. Nồng ấm da diết bên ngọn lửa hồng. Còn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lúc này dạo lại những câu nhạc tạo hình cây "Tre" trong bài thơ cũng đang rì rào cùng làn gió tỏa lan từ con phố và hàng cây xanh mát.
Hạnh phúc và những ca khúc phổ thơ
Câu chuyện phổ thơ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân như là một tín hiệu tâm linh trong cuộc đời anh. Bởi sau đó là hàng chục tác phẩm phổ thơ thành công của nhạc sĩ. Trong đó có bản phổ bài thơ "Chiếc lá đầu tiên" của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm (1987) đã trở thành mối kết nối lương duyên kỳ lạ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chậm rãi tâm sự với nỗi xúc động khôn xiết. Đó là thời gian nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sau khi về nước được về làm việc tại Nhà hát giao hưởng Việt Nam. Trong khi đó nghệ sĩ Chiều Xuân là sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh.
NSƯT Chiều Xuân với hình ảnh kỷ niệm đám cưới năm 1988. |
Trong dịp trò chuyện với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm về ca khúc "Chiếc lá đầu tiên" (Mỹ Linh hát), Chiều Xuân luôn nhớ đến cái tên Đỗ Hồng Quân. Sau đó là cuộc gặp gỡ tình cờ như được trời sắp đặt giữa hai người trong khu văn công Mai Dịch. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sững sờ vì nhan sắc thanh tú với đôi mắt long lanh của cô sinh viên 20 tuổi. Còn riêng Chiều Xuân lại loạn nhịp con tim khi gặp ánh mắt si mê của chàng nhạc sĩ tài hoa. Tình yêu sét đánh nảy sinh giữa hai trái tim nghệ sĩ. "Chiếc lá đầu tiên" ấy trở thành mỏ neo găm chặt hai tâm hồn tươi trẻ non tơ. Chỉ ba tháng sau họ cưới nhau như không thể rời xa.
Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại đó. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm sự cuộc hôn nhân không chỉ là một cuộc tình mơ mộng của "Chiếc lá đầu tiên" thông thường. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn Đỗ Hồng Quân mới thực sự hiểu và cảm phục vợ mình. Anh kể không bao lâu nhạc sĩ Đỗ Nhuận bị tai biến nặng. Chiều Xuân mới sinh con nhưng đã cùng anh chăm sóc bố rất tận tình. Trong thời gian này anh về làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ với bao công việc bề bộn.
Trăm thứ nảy sinh trong gia đình Chiều Xuân cáng đáng hết. Mẹ anh cũng hay đau yếu nên mọi sự đều trông cậy vào con dâu lớn trong nhà. Dòng dã suốt ba năm trời cho đến khi cha anh mất. Thật các cụ nói không sai "Dâu là con". Chiều Xuân cặm cụi thầm lặng làm mọi việc chu đáo như một người con trong nhà.
Ngừng một lúc, trong giọng nói của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hơi có chút nghẹn ngào. Đôi mắt anh rớm lệ. Bởi nhạc sĩ cho biết, vừa làm tang lễ cho bố xong thì mẹ anh cũng suy sụp sức khỏe bởi cơn tai biến bất ngờ. Bà ngồi trên xe lăn và liệt thân suốt 17 năm trời. Mọi lo toan anh phải nương tựa vào vợ. Trong khi đó Chiều Xuân là diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn phải đi diễn đây đó. Về đến nhà chị lại xắn tay làm mọi việc của người con.
Ngẫm lại quãng đường gian nan ấy trải qua hàng chục năm trời nhưng hạnh phúc vẫn bền vững. Anh luôn ấm lòng với nụ cười vẫn tươi sáng trên gương mặt vợ. Không hề một lời than vãn. Chưa bao giờ nghe thấy tiếng thở dài trong đêm. Vợ chồng anh có hai cô con gái trong niềm vui và tình yêu lớn lao ấy. Đến nay tính đã 34 năm hai người hạnh phúc bên nhau. NSƯT Chiều Xuân từng nói, càng ngày càng yêu chồng hơn bởi âm nhạc của anh.
Lá đỏ
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bất ngờ dạo một khúc đàn. Tôi im lặng lắng nghe. Lát sau anh nói đó chính là bản Aria cho nhân vật nữ chiến sĩ trong vở Opera "Lá đỏ" mà anh viết theo kịch bản thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát (năm 2020). Đây là một trong ba vở nhạc kịch mà anh đã sáng tác. Trong câu chuyện anh kể đã học ở cha anh về thể loại này.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. |
Cách đây không lâu anh đã dàn dựng lại hai vở Opera của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: "Cô Sao" và "Người tạc tượng". Dòng âm nhạc cách mạng của Đỗ Nhuận thấm đẫm âm hưởng dân ca đồng bằng và Tây bắc. Anh đã vận dụng sự trải nghiệm này và sáng tạo trong khi viết "Lá đỏ". Cũng như trước kia anh đã từng sáng tác hai vở Opera: "Chuyện tình" và "Nàng Silami". Đó là sự hòa trộn những tư duy hiện đại trong kỹ thuật âm nhạc phương tây và dòng nhạc truyền thống. Cho dù với hàng chục tác phẩm khí nhạc thành công hơn 40 năm qua nhưng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân luôn giữ vững nguyên tắc sáng tác này mà cha anh cùng các thầy đã dạy dỗ. Anh đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012.
Với hàng chục giải thưởng cho tác phẩm khí nhạc và nhạc phim Đỗ Hồng Quân đã để lại dấu ấn của một phong cách âm nhạc dân gian hiện đại. Hầu hết những ca khúc sáng tác hay phổ thơ của anh luôn truyền cảm từ trái tim yêu thương con người. Lúc này thật bất ngờ Nghệ sĩ Ưu tú Chiều Xuân cùng các con gái xuất hiện đến bên cây đàn. Như linh cảm thấy điều gì mách bảo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân dạo một khúc nhạc bay bổng. Mọi người cùng anh hát vang lời ca: "Em yêu quý xin em đừng buồn nhé/ Hoa tàn rồi nhưng hoa chẳng biệt ly/ Và hãy tìn rằng tình yêu sẽ đến/ Lạnh giá qua rồi mùa xuân én bay/ Ngàn đóa hoa hồng bừng trên cỏ biếc/ Và tình yêu rực rỡ tràn đầy" (“Tin ở hoa hồng” - Đỗ Hồng Quân)
Vương TâmXem thêm: /758746-gnoh-aoh-o-nit-nouL-nauQ-gnoH-oD-is-cahN/tav-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna