Thí sinh 2 năm sống thực vật đi thi bằng đôi chân của anh bí thư Đoàn xã - Video: TRƯỜNG SƠN
Trời mưa lất phất, từ sáng tinh mơ khi gà vừa gáy, anh Hồ Văn Thầm, bí thư Đoàn xã Lìa, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã lặn lội vào bản A Dơi Đớ, xã Dơi để đưa một thí sinh đặc biệt đi thi.
Thí sinh đặc biệt ấy là em Hồ Văn Thưa - 21 tuổi, học sinh Trường THPT A Túc - một trường nơi rẻo cao tỉnh Quảng Trị. Cách đây 3 năm, khi đang học lớp 12 thì Thưa không may gặp tai nạn giao thông khi đang trên đường đi học về.
Anh Thầm đến nhà đón Thưa đi thi lúc sáng sớm - Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Tai nạn đã biến Thưa gần như trở thành người thực vật. Thưa cho biết suốt hai năm liệt giường, đến việc nói cũng khá khó khăn chứ chưa dám mơ đến việc đi lại bình thường.
"Nhưng em muốn đi học lại, muốn sống như người bình thường, không muốn nằm một chỗ!" - Thưa nhớ lại.
Và như một phép mầu đền đáp cho nỗ lực và giấc mơ đến trường của Thưa, một năm trước, cơ thể em dần bình phục.
Bà Nguyễn Thị Thiêm, mẹ của Thưa, bảo rằng việc con trai bà mong muốn nhất khi bình phục là được quay trở lại trường để tiếp tục đi học. Thế là bà lại xin cho con trai theo học lớp 12 tại Trường THPT A Túc.
Thí sinh Hồ Văn Thưa đến điểm thi ngày 7-7 - Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Bà Thiêm nghẹn giọng: "Thời gian qua, sau khi bị tai nạn, việc đi lại của con tôi rất khó khăn, nhờ cô nhờ thầy, nhờ bạn bè giúp đỡ mà con tôi có thể đến trường, theo học cùng các bạn. Cảm ơn cô thầy, bạn bè trong lớp, trong trường và đoàn viên thanh niên đã giúp đỡ".
Suốt năm học lớp 12, Thưa đến trường với đôi chân vô tri, người nhà và bạn bè trong xóm thay nhau đưa đón.
Ngày em dự thi tốt nghiệp THPT, sợ ba mẹ Thưa lớn tuổi, trời thì mưa gió, anh Hồ Văn Thầm cùng một thanh niên trong xã đã làm "xe ôm" vừa kiêm luôn đôi chân đưa em đến điểm thi.
Bà Thiêm biết ơn bạn bè, thầy cô và những thanh niên áo xanh đã tình nguyện làm đôi chân của con trai bà - Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Vì nhà Thưa khá xa điểm thi nên buổi trưa, anh Thầm chở Thưa về nhà mình ở lại, lo việc ăn uống và chỗ nghỉ ngơi cho em để chờ thi buổi chiều.
Anh Thầm chia sẻ: "Tôi rất khâm phục nghị lực của Thưa. Cảm thấy thương em như em trai của mình vậy. Nếu không phải là một người ham học, ham sống thì chắc chắn em đã không nghị lực vươn lên như thế".
Anh Thầm cũng cho biết anh ghé nhà của Thưa tìm hiểu thì thấy gia cảnh em rất khó khăn. Ngoài mái nhà che mưa che nắng thì cũng chẳng có gì đáng giá.
Anh Thầm làm đôi chân của Thưa vì cảm phục sự hiếu học và ý chí của cậu - Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Sau buổi thi đầu tiên, dù gặp lúc trở trời mưa gió, cơ thể Thưa đau ê ẩm nhưng em vẫn cố gắng hoàn thành bài thi.
Trong bữa cơm trưa với anh Thầm, Thưa tâm sự, ước mơ lớn nhất của em là thi tốt nghiệp cấp 3, rồi thi đại học.
"Em sẽ học một ngành nào đó để sau này ra trường về có một công việc ở xã, cống hiến cho quê hương và tự nuôi sống bản thân mình, không phải làm gánh nặng cho ai nữa" - Thưa nói đầy hy vọng.
TTO - Sáng 7-7, các sĩ tử bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thi cử trong một hoàn cảnh đặc biệt, nhiều thí sinh không khỏi lo lắng. Các bậc cha mẹ cũng lo không kém, nhưng họ luôn là chỗ dựa cho con.