Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (giữa) và thứ trưởng Lê Văn Thanh (trái) chủ trì họp báo ngay sau khi Thủ tướng kí ban hành quyết định triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, chiều muộn 7-7 - Ảnh: Đ.BÌNH
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh như vậy tại buổi họp báo chiều 7-7 công bố quyết định của Thủ tướng vừa ký cùng ngày về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19
Bộ trưởng Dung cho biết: "Chưa bao giờ có gói hỗ trợ nào mà "táo bạo" như lần này, tất cả vì mục đích người lao động, chủ sử dụng lao động".
Theo ông Dung, sau khi có Nghị quyết 68, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp các bộ, ngành liên quan làm ngày làm đêm, nhanh nhất trình Thủ tướng ký ban hành quyết định để sớm đưa chính sách vào cuộc sống, hỗ trợ người dân.
"Tinh thần đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục, phương châm thông thoáng nhất để người lao động, chủ sử dụng lao động tiếp cận gói hỗ trợ sớm nhất mà vẫn phải đúng luật. Người dân ngóng từng ngày, nếu cơ quan, địa phương, đơn vị nào làm chậm là có lỗi với dân, nếu có làm sai thì có tội với dân", ông Dung nói.
Những điểm mới của gói hỗ trợ
Theo bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gói 62.000 tỉ trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng, nhanh cũng phải 10 ngày. Nhưng nay với quyết định này, sẽ rút ngắn thời gian chỉ còn 4 ngày xét thủ tục và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là tối đa 7 ngày có thể tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khi giới thiệu quyết định cũng nhấn mạnh những điểm mới của quyết định so với các chính sách hỗ trợ của gói 62.000 tỉ năm 2020.
Cụ thể, với gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, sẽ giảm điều kiện thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
Bên cạnh đó, bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, với lao động tự do, Chính phủ đã giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do).
Giảm thủ tục, rút ngắn thời gian
Quyết định của Thủ tướng quy định rất chi tiết các đối tượng, điều kiện được hỗ trợ, hồ sơ và trình tự thủ tục. Hầu hết các nhóm chính sách đều được ấn định chậm nhất từ 7-10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan liên quan phải giải quyết để chi trả tiền hỗ trợ sớm nhất cho người thụ hưởng.
Cụ thể, về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì chủ sử dụng lao động không phải đóng một đồng nào (mức đóng 0%) BHXH cho người lao động trong 12 tháng, kể từ 1-7-2021 đến hết 30-6-2022.
Về tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất, nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 dẫn đến phải giảm 15% lao động thì doanh nghiệp được dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong vòng 6 tháng (tính từ khi doanh nghiệp có văn bản, hồ sơ đề nghị).
Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương, dừng hoạt động để chống dịch từ 15 ngày đến dưới 1 tháng sẽ được hỗ trợ 1 lần mức 1,855 triệu đồng/người, nghỉ trên 1 tháng sẽ nhận hỗ trợ 1 lần là 3,71 triệu đồng/người. Chậm nhất sau 7 ngày nhận hồ sơ (từ cấp cơ sở, lên đến huyện, tỉnh) thì UBND cấp tỉnh phải ra quyết định và chỉ đạo chi trả hỗ trợ ngay.
Người lao động phải ngừng việc vì cách ly y tế, hoặc ở trong khu vực bị phong toả thì được hỗ trợ 1 lần là 1 triệu đồng/người. Nếu người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc bố.
Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ 1 lần là 3,71 triệu đồng/người. Nếu người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc bố.
Trẻ em (dưới 16 tuổi) và người đang phải điều trị COVID-19 (F0) hoặc người phải cách ly y tế được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày. Diện F1 được hỗ trợ tiền ăn không quá 21 ngày, diện F0 được hỗ trợ tiền ăn không quá 45 ngày.
Riêng trẻ em, trong thời gian điều trị COVID-19 được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/em.
Viên chức hoạt động nghệ thuật bị dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên, hướng dẫn viên du lịch có thẻ, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh du lịch đều được nhận hỗ trợ 1 lần mức 3,71 triệu đồng/người.
TTO - Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết theo thống kê ban đầu sẽ có khoảng 230.000 lao động tự do nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, gồm cả những người thuộc diện thường trú, hoặc đăng ký tạm trú.
Xem thêm: mth.44384317170701202-it-000-62-iog-ut-ort-oh-coud-nahn-es-nad-iougn-yagn-01-7-tahn-mahc/nv.ertiout